Hiện nay, việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vẫn tồn tại nhiều cách nghĩ, cách làm trái chiều...
Hiện nay, việc phân luồng học sinh (HS) sau trung học cơ sở (THCS) vẫn tồn tại nhiều cách nghĩ, cách làm trái chiều...
Phân luồng HS sau THCS không phải là vấn đề mới mẻ. Chủ trương này đã được triển khai thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước. Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 cũng đã khẳng định sẽ đưa 30% số HS tốt nghiệp THCS vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Chưa đồng thuận
Thời gian qua, dường như năm nào kế hoạch tuyển sinh lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng bị “vỡ” vì không ít địa phương xin mở thêm lớp, tăng thêm chỉ tiêu, dù tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 phổ thông đều đã vượt hơn 80% số HS tốt nghiệp THCS. Đó là chưa kể các lớp bổ túc văn hóa chiếm thêm gần 10%. Kế hoạch tuyển mới lớp 10 năm học 2013 - 2014 của Sở GD-ĐT đã đạt tới con số kỷ lục là 93,9% so với HS lớp 9 của năm học trước, tính riêng phổ thông là 84,94%. Nhưng rất có thể, một số trường phổ thông công lập sẽ tiếp tục bị vỡ kế hoạch như các năm trước, vì áp lực của xã hội luôn mong muốn mở rộng thêm cánh cửa nhà trường cho HS vào học.
Ảnh minh họa |
Hiện nay, việc phân luồng HS sau THCS vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chưa được xã hội đồng thuận, vì tâm lý khoa cử vẫn còn ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân. Phần lớn các bậc phụ huynh vẫn chưa sẵn sàng với việc cho con em mình nghỉ học phổ thông ở độ tuổi 15-16 để rẽ sang con đường học nghề. Ai cũng mong học để “làm thầy” hơn là học để “làm thợ” và nguyện vọng của các bậc phụ huynh đều muốn cho con em mình được học hết bậc phổ thông rồi tiếp tục lên cao đẳng, đại học dù chưa biết tương lai nghề nghiệp thế nào. Nhiều em rớt đại học năm đầu lại thi tiếp năm 2, năm 3; đến khi không còn hy vọng nữa mới chịu đi học nghề. Về mặt xã hội, các cấp lãnh đạo cũng không thể yên tâm khi có số lượng lớn thanh thiếu niên ở ngoài nhà trường, trong khi các trường nghề lại chưa đủ sức thu hút HS. Nỗi lo lắng này hoàn toàn chính đáng trong bối cảnh các hiện tượng tiêu cực xã hội đang diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều vụ cướp giật, sử dụng ma túy, gây gổ đánh nhau cũng liên quan chủ yếu đến đối tượng này…
Thấy lãng phí nhưng thiếu quyết tâm?
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, mỗi năm, Khánh Hòa có khoảng 30% HS trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Trừ số lượng HS đi học trung cấp chuyên nghiệp, hàng năm cũng còn khoảng 40% HS (tương ứng với khoảng 5.000 HS) sau vài năm nghỉ học, phần lớn bị rơi rụng hết kiến thức và trở thành người lao động phổ thông bình thường. Tính về chi phí, chỉ riêng 3 năm trung học phổ thông, Nhà nước và gia đình đã bỏ ra một khoản tiền rất lớn cho việc tổ chức các hoạt động dạy học. Đối với các em học ở những trường phổ thông ngoài công lập, chi phí của phụ huynh lại càng cao hơn. Về mặt thời gian, các em cũng đã phí mất 3 năm quý giá. Nếu các em biết trước sức học của mình, sớm chọn con đường học nghề thì đã tốt nghiệp ra trường và có công việc làm ổn định, phù hợp. Có lẽ, nhiều bậc phụ huynh cũng đã thấm thía điều này nên trong năm học 2012 – 2013, đã có 2.162 em tốt nghiệp THCS đi học trung học nghề và 139 em vào học trung cấp chuyên nghiệp…
Thời gian qua, hạn chế trong việc phân luồng HS sau THCS là do thị trường lao động chưa tạo ra sức hấp dẫn đối với người học nghề. Bên cạnh đó, còn có phần do ngành GD-ĐT chưa thực sự quyết tâm. Các hoạt động tư vấn - hướng nghiệp cho HS tốt nghiệp THCS đi học nghề còn quá khiêm tốn và “lép vế” so với tuyển sinh đại học, cao đẳng. Nhiều trường THCS ít quan tâm đến công tác này, cứ để cho HS lựa chọn con đường học tập phổ thông theo quán tính, cho dù các thầy cô vẫn biết HS của mình không đủ sức, bằng chứng là rất nhiều em bỏ học ngay trong học kỳ đầu tiên của lớp 10. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chưa thực sự mạnh dạn nhập cuộc với các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu…
Phân luồng HS sau THCS là vấn đề bức xúc cần phải giải quyết, nhưng không phải trong thời gian ngắn có thể làm được. Đây không chỉ là việc riêng của ngành GD-ĐT mà cần sự phối hợp của tất cả các ngành có liên quan để dự báo nhu cầu xã hội về đào tạo nghề, tăng quy mô với cơ cấu hợp lý trong phát triển đào tạo nghề, lấy đó làm căn cứ để phân luồng HS sau THCS, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung. Có như thế, nguồn nhân lực mới phát triển một cách hợp lý, tạo nền tảng quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
ĐỖ QUYÊN
Ảnh minh họa.