Theo mục tiêu đề ra, Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, đây là một bài toán khó.
Theo mục tiêu đề ra, Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) đi học trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và trung cấp nghề. Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, đây là một bài toán khó.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm học 2011 - 2012, Khánh Hòa có 17.568 HS THCS tốt nghiệp. Trong đó, 14.546 HS (chiếm 83,1%) tiếp tục học lên lớp 10 ở các trường trung học phổ thông (THPT) công lập, tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX); 2.162 HS (chiếm 12,3%) vào trung cấp nghề; 139 HS (chiếm 0,8%) vào học TCCN. Số HS còn lại, chiếm khoảng 3,8% bỏ học hoặc tham gia thị trường lao động mà chưa được đào tạo nghề.
Năm học 2012 - 2013, Khánh Hòa có 14.846 HS lớp 9. Theo kế hoạch tuyển sinh năm học 2013 - 2014, sẽ có 13.940 chỉ tiêu (chiếm 93,9% số lượng HS lớp 9) vào lớp 10 các trường THPT công lập, ngoài công lập và bổ túc. 906 HS còn lại (chiếm 6,1%) sẽ được phân luồng vào các trường trung cấp nghề và TCCN.
Sinh viên khoa Công nghệ môi trường - sinh học (Trường Cao đẳng nghề Nha Trang) trong giờ thực hành. |
Để giải quyết bài toán phân luồng HS tốt nghiệp THCS vào các trường trung cấp nghề và TCCN, những năm qua, ngành GD đã cùng với các trường THCS tổ chức nhiều hoạt động tư vấn - hướng nghiệp cho HS. Thông qua chương trình học nghề phổ thông, HS cũng được tư vấn, định hướng và kiểm tra năng lực, sở thích của bản thân. Tuy nhiên, các hoạt động này cũng rất mờ nhạt. Để hướng nghiệp cho HS, nhiều trường THCS đã dùng “biện pháp”, thậm chí gây áp lực đối với phụ huynh HS. Hiệu trưởng một trường THCS tại TP. Nha Trang cho biết, “biện pháp” mà các trường thường sử dụng là sau khi phân loại HS, những HS có học lực trung bình trở xuống sẽ được tư vấn, thậm chí còn đề nghị với phụ huynh HS cân nhắc việc đăng ký dự thi lớp 10 để con em đi học trường nghề; có trường khi phụ huynh HS không đồng ý đã gây áp lực bằng cách “sẽ” không xét tốt nghiệp THCS. Vị hiệu trưởng này tiết lộ: “Việc phân luồng gay gắt, không cho HS học lực trung bình trở xuống đăng ký dự thi vào lớp 10 cũng là do căn bệnh thành tích của các trường THCS. Có trường chỉ có 232 HS lớp 9 nhưng kết quả phân luồng được 83 HS vào các trường tư thục, trường nghề và TCCN. Một con số tuyệt vời nhưng không thuyết phục”. Bởi lẽ, tâm lý “trọng thầy khinh thợ”, “phải học cao mới thành đạt” đã ăn sâu trong nếp nghĩ và nhận thức của phụ huynh, HS. Hầu hết HS tốt nghiệp THCS đều có nhu cầu tiếp tục học THPT; hầu hết HS tốt nghiệp THPT có nhu cầu vào đại học, cao đẳng, nếu không đỗ mới quay sang học TCCN hoặc học nghề, đó là chưa kể một phần không nhỏ sẽ tiếp tục ôn tập để chờ thi năm sau. Chính vì vậy, hàng năm, khó khăn lắm mới thuyết phục được từ 2 đến 5 HS thực sự theo học trường nghề hoặc TCCN.
Ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD-ĐT nói, sắp tới, chúng tôi sẽ cho kiểm tra những vấn đề liên quan đến công tác phân luồng HS. Nếu thực hiện không tốt việc phân luồng HS sau THCS, có nghĩa chúng ta vô tình đẩy một bộ phận HS sau THCS (có học lực yếu và hoàn cảnh, điều kiện gia đình không được tiếp tục học mà phải nghỉ học) phải tham gia lao động sản xuất mà trong tay không có nghề đã qua đào tạo. Phân luồng HS sau THCS không phải là ép buộc những HS yếu thế về học lực và hoàn cảnh kinh tế về phía những phương thức học tập bất lợi mà tạo ra phương thức học phù hợp và cơ hội học tập có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu được học, nguyện vọng có nghề nghiệp của HS…
Theo mục tiêu đề ra, Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% HS sau khi tốt nghiệp THCS đi học TCCN và trung cấp nghề. Với tình hình như hiện nay, đây là một bài toán khó. Chính vì vậy, đây không phải là việc của riêng ngành GD-ĐT mà cần có sự phối hợp từ nhiều phía. Ngành GD-ĐT phải định hướng nghề nghiệp cho HS từ bậc THCS, phải kiểm tra công tác GD hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông, có kế hoạch phát triển giáo viên hướng nghiệp, kết hợp dạy chữ và dạy nghề cho HS ở các trung tâm GDTX, trung tâm GD Kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp. Các cơ sở đào tạo TCCN, trường nghề… phải đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, có chế độ chính sách ưu tiên để thu hút người học; phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đào tạo và sử dụng lao động, có chính sách tuyển dụng người học khi chưa tốt nghiệp…
LÊ NGUYÊN