Từ năm học 2010 - 2011, Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang hệ thống tín chỉ. Tuy nhiên, qua 2 năm triển khai, việc chuyển đổi này vẫn còn mang tính hình thức, chưa đạt chất lượng như mong đợi.
Từ năm học 2010 - 2011, Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Nha Trang chuyển đổi phương thức đào tạo (ĐT) từ niên chế sang hệ thống tín chỉ. Tuy nhiên, qua 2 năm triển khai, việc chuyển đổi này vẫn còn mang tính hình thức, chưa đạt chất lượng như mong đợi.
So với ĐT theo phương thức niên chế, việc ĐT theo hệ thống tín chỉ có nhiều ưu điểm vượt trội. Sinh viên (SV) được đặt vào vị trí trung tâm của quá trình dạy và học, được phép chủ động và linh hoạt trong việc lựa chọn, sắp xếp lịch trình học tập cũng như tích lũy kiến thức theo khả năng và trình độ của mình. Một trong những mục đích quan trọng của việc ĐT theo hệ thống tín chỉ là nhằm nâng cao tính tích cực chủ động sáng tạo của SV, biến quá trình ĐT thành quá trình tự ĐT, nâng cao chất lượng và hiệu quả của ĐT. Tuy nhiên, từ khi chuyển đổi đến nay, việc ĐT theo hệ thống tín chỉ tại Trường CĐSP Nha Trang vẫn còn mang tính hình thức (bên ngoài là ĐT theo hệ thống tín chỉ nhưng bên trong vẫn là ĐT theo niên chế). So với lý thuyết, vẫn còn một khoảng cách quá xa.
Vấp ở các khâu
Sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học - Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang trong giờ học môn Toán. |
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hường - Phó Trưởng phòng ĐT Trường CĐSP Nha Trang, ĐT theo tín chỉ là SV được chủ động đăng ký theo học các tín chỉ trong từng học kỳ, từng năm học. Thế nhưng, đến nay, trường vẫn chưa tổ chức được cho SV đăng ký học phần và chủ động xây dựng kế hoạch học tập cho toàn khóa, từng học kỳ; chưa tổ chức được các lớp học phần, học kỳ phụ… Ngoài ra, do thiếu giáo viên (GV), nhiều học phần chỉ có 1 GV hoặc vài ba học phần do 1 GV dạy nên SV không có điều kiện chọn GV để học. Về chương trình ĐT, ngay sau khi có quyết định chuyển đổi, một số ngành đã chú trọng đến tính độc lập, tự chủ trong việc lựa chọn các môn học của người học. Tuy nhiên, việc xây dựng chương trình của nhà trường về bản chất mới chỉ là sự rút ngắn thời lượng và nội dung giảng dạy. Chương trình không có nhiều học phần chung cho tất cả các chuyên ngành, khối ngành, gây khó khăn cho việc ĐT theo tín chỉ.
Ông Cao Hữu Dũng - Hiệu trưởng Trường CĐSP Nha Trang nhấn mạnh: “Một trong những nguyên nhân cản trở sự thành công của phương thức ĐT mới này là nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý cũng như GV về phương thức ĐT theo hệ thống tín chỉ chưa đầy đủ, cần phải thay đổi tích cực hơn nữa từ phía người dạy lẫn người học. Ngoài ra, nhà trường cũng chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo để thực hiện như: hệ thống văn bản hướng dẫn cụ thể, cơ sở vật chất, học liệu, kinh phí, chính sách, chế tài…”. Đồng tình với quan điểm trên, ông Tạ Quang Sơn - Trưởng khoa Tự nhiên chia sẻ, một môn học 45 tiết trong ĐT theo niên chế, nay còn 30 tiết theo hệ thống tín chỉ. Với tinh thần ĐT theo tín chỉ, phần lớn thời gian lên lớp là để dành cho SV tự học, tổ chức cho SV học tập bằng các hình thức bổ trợ khác có kiểm soát. Thế nhưng, hiện nay, việc GV phải tổ chức hướng dẫn cho SV học tập đang bị bỏ ngỏ và dường như chưa có cơ chế để thực hiện. Về phía SV, tuy thời gian lên lớp nghe giảng ít hơn nhưng họ không biết tận dụng thời gian còn lại cho việc tự học, tự nghiên cứu và bản thân các SV cũng chưa được huấn luyện về kỹ năng này. Không ít SV đã khai thác khoảng trống này cho việc làm thêm kiếm tiền. Theo một khảo sát gần đây của Khoa Tự nhiên, có lớp có tới 50% SV đi làm thêm để kiếm tiền như: dạy kèm (có SV đi dạy kèm 2 nơi trong một tuần, khoảng 6 buổi), phục vụ ở quán cà phê, nhà hàng… Cô Đoàn Linh Chi - phụ trách bộ môn Tiếng Anh, Khoa Ngoại ngữ cho biết, năm học 2012 - 2013 là năm thứ 3 Khoa Ngoại ngữ áp dụng học chế tín chỉ. So sánh với những SV được ĐT theo niên chế, khả năng nghe nói tiếng Anh của SV được ĐT theo tín chỉ bị sút giảm đáng kể. Một trong những nguyên nhân chính là phần thực hành của SV còn hạn chế. Ngoài ra, theo ý kiến của đa số GV, việc chuyển đổi ĐT niên chế sang ĐT tín chỉ (chuyển thang điểm 10 sang thang điểm 4) đang làm mất đi độ chính xác và giá trị của việc đánh giá phân loại SV.
Cần điều chỉnh
Theo cô Lâm Thị Loan, GV Khoa Khoa học quản lý - Giáo dục, cần phải đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập của SV; có thể chuyển dần việc đánh giá sang thang điểm chữ và thang điểm 4 theo hệ thống tín chỉ, hoặc sử dụng song song hai thang điểm trong thời kỳ giao thoa giữa niên chế và học chế tín chỉ. Việc chuyển dịch cần áp dụng phù hợp, linh hoạt, tuy phải tiến hành trong thời gian dài, tốn nhiều công sức nhưng cũng phải bắt đầu. Ngoài ra, phương pháp dạy và phương pháp học cũng phải thay đổi để thích ứng. Về phía GV, cần nhận thức đầy đủ tinh thần của công tác ĐT theo tín chỉ. Nghĩa là, GV phải đổi mới phương pháp sư phạm; phải có trách nhiệm tổ chức cho SV học tập cả trước, trong và sau khi lên lớp theo lược đồ mà mình vạch ra. Để làm được điều này, GV phải đầu tư công sức, phải lao tâm khổ trí nhiều hơn. Về phía SV, ít nhất 50% số công việc phải làm cho học tập là nằm trong tự học. Do đó, dù GV có dạy giỏi và trình độ nghiệp vụ vững vàng mà SV không chịu khó học tập, không tự nghiên cứu, không có phương pháp học tập tốt thì chất lượng học tập nói riêng, chất lượng ĐT nói chung không thể đạt kết quả cao.
Ngoài ra, để phương thức ĐT tín chỉ trở nên thực chất, bà Nguyễn Thị Thúy Hường đề nghị nhà trường cần điều chỉnh mục tiêu, chương trình, nội dung ĐT… theo hướng đảm bảo tính liên thông giữa các ngành ĐT, giữa các khoa trong trường, giữa trường CĐSP Nha Trang với các trường CĐ, đại học khác. Lãnh đạo nhà trường cũng nên quan tâm hoàn thiện cơ sở vật chất, đội ngũ GV, tài liệu phục vụ giảng dạy, chế độ chính sách, chế tài phù hợp với ĐT theo tín chỉ. Bộ Giáo dục và ĐT nên tập trung các chuyên gia để tổ chức tập huấn cho các trường, qua đó tạo sự thống nhất giữa các cơ sở ĐT.
THU HIỀN