11:03, 29/03/2013

Các trường ngoài công lập khó tuyển đủ chỉ tiêu

Thời gian qua, các trường trung học phổ thông ngoài công lập của tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh  vào lớp 10. Chính vì thế, nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển, các trường này phải tự tìm ra con đường đi riêng cho mình...

Thời gian qua, các trường trung học phổ thông (THPT) ngoài công lập của tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh (TS) vào lớp 10. Chính vì thế, nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển, các trường này phải tự tìm ra con đường đi riêng cho mình...

Những chật vật của năm trước

Hiện nay các trường THPT ngoài công lập đều đã chủ động làm tốt việc quảng bá, giới thiệu về TS lớp 10 với nhiều hình thức ưu đãi như: cấp học bổng, giảm học phí cho một số đối tượng học sinh (HS); công bố kết quả tốt nghiệp THPT rất cao của những năm trước đây... nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Năm học 2012 - 2013, các trường THPT ngoài công lập của tỉnh (đều nằm trên địa bàn TP. Nha Trang) tuyển được 1.198 HS lớp 10/1.360 chỉ tiêu được giao, đạt 88%. Trừ Trường Lê Thánh Tôn tuyển vượt chỉ tiêu đến 147% (199/135), các trường còn lại đều không tuyển đủ HS. Sáng giá như Trường Chu Văn An cũng chỉ đạt 92%; các trường khác như: Hermann Gmeiner (75%), Nguyễn Thiện Thuật (68%) và APC chỉ vỏn vẹn 10% (2/20). Riêng Trường Đại Việt mới đi vào hoạt động năm đầu tiên, chỉ tuyển được 25 HS, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch dự kiến của nhà trường.

Việc các trường THPT ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu có nhiều nguyên nhân nhưng không phải do các trường công lập “vét” hết HS như một số ý kiến trước đây. Cụ thể: so với tổng số HS lớp 9 của Nha Trang năm học 2011 - 2012, số lượng HS được vào các trường công lập cũng chỉ mới có 53,03%. Trừ 23,30% HS vào học các trường ngoài công lập và 7,29% hệ giáo dục thường xuyên của 4 đơn vị: Lý Tự Trọng, Hà Huy Tập, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nha Trang, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Khánh Hòa thì vẫn còn lại 842 HS (16,38%) không chịu vào các trường ngoài công lập dù cổng trường luôn rộng mở.

Thời gian qua, các trường trung học phổ thông (THPT) ngoài công lập của tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh (TS) vào lớp 10. Chính vì thế, nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển, các trường này phải tự tìm ra con đường đi riêng cho mình...
Liệu các trường ngoài công lập có tuyển đủ chỉ tiêu năm nay?

Theo lý thuyết nguồn HS không thiếu; nhưng trong thực tế, đầu vào của các trường ngoài công lập đều “co” lại dần do nhiều HS và các bậc phụ huynh (PH) đã tính toán thực tế hơn. Nhiều HS đã chọn con đường học nghề, học các lớp phổ cập hoặc ra đời kiếm sống khi thấy điều kiện của mình không thể tiếp tục học lên đại học, cao đẳng. Mặt khác, học phí và các khoản chi phí khác ở trường ngoài công lập vẫn khá cao so với trường công lập nên là gánh nặng của các bậc PH, vì phần lớn HS các trường phổ thông dân lập, tư thục ở Nha Trang đều thuộc diện gia đình nghèo.

Năm nay càng khó khăn hơn

Theo kế hoạch TS lớp 10 năm học 2013 - 2014 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), riêng địa bàn TP. Nha Trang sẽ tuyển mới 3.870 HS (chiếm 91,9% so với HS lớp 9 năm học 2012 - 2013), trong đó phổ thông công lập là 2.280 (54,14%), ngoài công lập là 1.210 (28,73%) và giáo dục thường xuyên là 380 (9,02%). Những con số này chỉ mới trên lý thuyết vì chưa tính tới số lượng HS lớp 9 không đăng ký dự thi vào lớp 10; thực tế những năm trước đây, con số này đều xấp xỉ 1.000 HS. Trong khi TS vào lớp 10 các trường công lập chỉ có thể bằng hoặc cao hơn chỉ tiêu được giao thì đầu vào các trường ngoài công lập chắc chắn sẽ eo hẹp hơn nữa, vì kế hoạch TS lớp 10 năm nay của Sở GD-ĐT chỉ “chừa” lại 341 HS lớp 9 của Nha Trang không đi học, trong khi con số thực tế của năm học trước là 842 em.   

Trong những năm tiếp theo, tình hình TS lớp 10 của các trường ngoài công lập sẽ gay cấn hơn khi Quy hoạch phát triển hệ thống GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 được triển khai đúng tiến độ. Lúc đó Trường THPT Nam Nha Trang (đã có quyết định đầu tư xây dựng) và tiếp theo là các trường Bắc Nha Trang, Tây Nha Trang sẽ được thành lập và đi vào hoạt động. Việc đóng cửa, giải thể trường phổ thông ngoài công lập không chỉ là câu chuyện riêng của Trường Phổ thông Quốc tế Hoàn Cầu và cũng không là hiện tượng riêng của tỉnh. Hiện nay, hàng loạt trường phổ thông tư thục, dân lập của nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đã dừng hoạt động vì không tuyển được HS.

Phải tự cứu mình

Trong các hội nghị của ngành GD-ĐT, một số hiệu trưởng các trường phổ thông ngoài công lập đề nghị giảm bớt chỉ tiêu TS vào các trường công lập nhằm dành đầu vào cho các trường này rộng rãi hơn. Kiến nghị này khó trở thành thực tế vì sức ép của xã hội ngày càng lớn, nhất là khi tỉnh đang triển khai chương trình phổ cập giáo dục trung học như hiện nay.

Các trường phổ thông ngoài công lập nếu muốn tiếp tục tồn tại, phát triển thì phải tự tìm ra con đường đi riêng cho mình, vì các trường công lập sẽ ngày càng tiếp tục mở rộng quy mô và thu hút hầu hết số HS khá, giỏi. Hiện nay, ở một số thành phố lớn vẫn có những trường phổ thông tư thục không ngừng phát triển và đã trở thành những thương hiệu nổi tiếng, thu hút HS trên phạm vi cả nước, dù học phí khá cao và không phải dễ dàng xin vào học. Đó là những trường bán trú, nội trú có chất lượng cao hoặc trường dành cho những HS có hoàn cảnh đặc thù. Các trường này đều có biện pháp quản lý, phương pháp giáo dục đạt hiệu quả tốt nên được các bậc PH tin tưởng và yên tâm gửi gắm con em mình. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất là phải hiểu đối tượng HS - những “khách hàng” tiềm năng của mình để có chiến lược tuyên truyền và chiêu sinh phù hợp, nhất là khi “thị phần” ngày càng nhỏ như hiện nay.  

LÊ VĂN