Từ ngày 7-2-2013, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học sẽ có hiệu lực. Xung quanh những thay đổi này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có lộ trình để thực hiện tốt...
Từ ngày 7-2-2013, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) sẽ có hiệu lực. Xung quanh những thay đổi này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có lộ trình để thực hiện tốt...
Học sinh, sinh viên: Hụt hẫng, lo lắng
SV Đỗ Mộng Tuyền, lớp CĐ Điều dưỡng Trường CĐ Y tế Khánh Hòa nói: “Em rất bất ngờ khi đọc quy định mới này. Em đã định sau khi tốt nghiệp CĐ vào tháng 8-2014 sẽ học liên thông lên ĐH ngay. Nhưng với quy định mới này, giờ em chẳng biết phải lựa chọn thế nào: Đi làm ngay sau khi ra trường rồi chờ qua 3 năm mới thi liên thông hay ngay lúc này vừa học CĐ vừa ôn thi như HS phổ thông để năm sau thi ĐH? Nếu lựa chọn cách sau thì lãng phí thời gian, tiền của, công sức mấy năm học CĐ”. Còn SV Nguyễn Đỗ Hoàng Kim, Khoa Tiểu học Trường CĐ Sư phạm (SP) Nha Trang cho biết: “Khi nghe thông tin về quyết định của Bộ GD-ĐT, em bần thần... Mẹ nuôi 3 năm ăn học, chuẩn bị ra trường, ước mơ bước chân vào giảng đường ĐH đang tới gần thì đùng một cái, tan vỡ hết. Bây giờ thi tuyển giáo viên rất khó, em nghĩ có bằng ĐH thì sẽ thuận lợi hơn nên quyết tâm học liên thông lên ĐH. Nhưng giờ lại phải chờ đủ 36 tháng mới được đi học tiếp, thật vô lý! Trong thời gian chờ đợi, nếu xin được dạy học ở một trường nào đó thì sau này chắc chắn em cũng không dám nghỉ việc để đi học, vì như vậy sẽ mất việc”.
Cùng chung tâm trạng, Đỗ Thị Hà - HS lớp Trung cấp ngành Nhà hàng - Khách sạn Trường TCCN Nha Trang bức xúc: “Em đồng tình với quan điểm của Bộ là thắt chặt đầu vào để nâng cao chất lượng. Nhưng quy định muốn liên thông lên ĐH phải thi cùng HS phổ thông thì quá khó cho chúng em. Bộ quy định như vậy chẳng khác nào “chặn đường” vào ĐH!”.
Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang |
Cần có lộ trình
Ông Trần Ngọc Anh - Trưởng phòng GD thường xuyên - chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT) cho biết, Sở đã gửi thông báo cho các trường CĐ trên địa bàn và đề nghị các trường chuẩn bị các điều kiện để tổ chức liên kết đào tạo theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Tuy tán thành với quy định mới của Bộ GD-ĐT về đào tạo liên thông nhằm nâng cao chất lượng mặt bằng chung của GD ĐH nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ HSSV mà ngay cả lãnh đạo các trường cũng thấy băn khoăn, lo ngại với những thay đổi này. Ông Lê Công An - Trợ lý Hiệu trưởng Trường TCCN Nha Trang thuộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết ông đồng tình với quy định mới của Bộ GD-ĐT. Nhưng cũng nhận định rằng quyết định này của Bộ có phần đột ngột, có những điểm chưa hợp lý, không tạo điều kiện cho người học, gây khó khăn cho các trường CĐ, TCCN trong việc tuyển sinh. Đối với Trường TCCN Nha Trang, từ trước đến nay, việc thi tuyển đầu vào của liên thông rất chặt chẽ; có ngành thi, số lượng tới 100 thí sinh nhưng chỉ lấy 20 nên chất lượng đầu ra đảm bảo. Nếu muốn siết chặt liên thông, Bộ nên có chế tài giám sát việc tổ chức tuyển sinh, đánh giá đào tạo liên thông, siết đầu ra. Cần cho các trường chủ động trong việc tuyển sinh; chất lượng của từng trường, hãy để xã hội tự đánh giá.
TS. Chu Đình Lộc - Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Nha Trang cũng bày tỏ sự đồng tình: “Để thực hiện ngay quy định mới của Bộ e rằng rất khó. Bộ cần có lộ trình. Hiện nay HSSV rất hoang mang, lo lắng. Điểm gây bức xúc cho các em là qui định thí sinh có thời gian tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng, cần dự thi theo đề thi 3 chung của kỳ thi tuyển sinh ĐH. Quy định có 3 năm kinh nghiệm mới được thi sẽ gây nhiều khó khăn cho các em. Tôi nghĩ, các em sẽ quên nhiều kiến thức và khó thi đậu. Tuy nhiên, muốn lên một tầm cao mới, bắt buộc các em phải có sức vươn. Chính vì vậy, quy định mới này của Bộ tuy hơi đột ngột nhưng định hướng rất rõ ràng cho HSSV. Các em phải thay đổi quan điểm trường CĐ, trung cấp chỉ là “cây cầu tạm” để các em có tấm bằng ĐH”.
THU HIỀN
Năm 2002, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT thí điểm đào tạo liên thông, nhằm tạo cơ hội học tập cho người học và phát triển ngành, nghề phù hợp với nhu cầu xã hội, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trong đào tạo và đảm bảo công bằng trong GD. Năm 2008, Bộ ban hành Quy chế đào tạo liên thông, giao tự chủ cho hiệu trưởng các trường có thẩm quyền đào tạo liên thông từ TCCN lên CĐ và từ CĐ lên ĐH. Nhưng sau một thời gian, đào tạo liên thông đã bị biến tướng; một số trường tuyển hàng nghìn HSSV, tạo ra môi trường đào tạo bát nháo, kém chất lượng. Ngày 25-12-2012, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 55 (có hiệu lực từ ngày 7-2-2013), quy định lại việc đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH. Cụ thể:
- Người có bằng tốt nghiệp TC nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ sau 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH phải dự thi 3 môn gồm: Môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề). Cơ sở GD ĐH tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển.
- Người có bằng tốt nghiệp TC nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hàng năm.