Trong giai đoạn hiện nay, việc huy động nguồn lực từ xã hội để xây dựng cơ sở vật chất trường học là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để xã hội, cha mẹ học sinh đồng lòng hưởng ứng, không có “lời ra tiếng vào” là vấn đề cần đặt ra.
Trong giai đoạn hiện nay, việc huy động nguồn lực từ xã hội để xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) trường học là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để xã hội, cha mẹ học sinh (CMHS) đồng lòng hưởng ứng, không có “lời ra tiếng vào” là vấn đề cần đặt ra.
Hiệu quả từ sự đồng thuận
Trường Tiểu học Phước Long 1 hiện là trường có bếp ăn bán trú một chiều đạt chuẩn, nhà vệ sinh nam - nữ dành cho HS hiện đại, sạch sẽ vào bậc nhất so với các trường tiểu học trên địa bàn TP. Nha Trang. Điều đáng nói là các công trình trên được xây dựng bằng nguồn kinh phí đóng góp của CMHS nhà trường và không có bất kỳ lời phàn nàn nào từ phía CMHS.
Bếp ăn một chiều của Trường Tiểu học Phước Long 1 (Nha Trang) - công trình do cha mẹ học sinh nhà trường đóng góp kinh phí xây dựng. |
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, chính Ban đại diện Hội CMHS là những người đề nghị Ban Giám hiệu phải tìm cách cải thiện bếp ăn, nhà vệ sinh của HS vì đã quá xuống cấp, lại chật chội, không đạt chuẩn. Sau khi bàn bạc, nhà trường và Hội CMHS đã thống nhất vận động kinh phí từ mạnh thường quân là chủ yếu. Việc huy động trên tinh thần đóng góp tự nguyện của CMHS, không bắt buộc, không phân chia đồng đều mức đóng góp cho mỗi HS. “Tổng dự toán kinh phí xây dựng lại nhà vệ sinh cho HS là khoảng 150 triệu đồng. Thú thật, lúc nhìn con số đó, tôi nghĩ việc huy động sẽ rất khó khăn. Nhưng sau khi phát động, số tiền mạnh thường quân ủng hộ ngay trong ngày đại hội mạnh thường quân đã được hơn 128 triệu đồng. Sau đó, Hội CMHS các lớp phổ biến lại việc đóng góp của các mạnh thường quân và tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ trên tinh thần tự nguyện của CMHS các lớp. Chính vì thấy được tinh thần quyết tâm, cách làm minh bạch, công khai và mục đích chính là phục vụ cho nhu cầu học tập và sinh hoạt của con em mình nên đa số phụ huynh (PH) đều đồng tình hưởng ứng. Nhờ đó, tổng số tiền đóng góp đã tăng lên gần 190 triệu đồng”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa chia sẻ. Trong quá trình xây dựng, bên cạnh nhà thầu do chính Hội CMHS lựa chọn, việc giám sát công trình cũng có sự tham gia của CMHS, ông Nguyễn Bá Nhinh - Trưởng Ban đại diện CMHS Trường Tiểu học Phước Long 1 cho biết thêm.
Còn ở Trường Mầm non Hoa Phượng (Diên Khánh), ngoài sự ủng hộ về tiền bạc, Hội CMHS nhà trường còn phát động CMHS các lớp đóng góp ngày công lao động, đất, cát, cây xanh, tre nứa, các vật dụng cần thiết để tạo ra một “Vườn cổ tích” đầy ý nghĩa ngay tại sân trường cho các cháu vui chơi, học tập. Hoặc như Trường THPT Ngô Gia Tự (Cam Ranh), Hội CMHS đã vận động, kêu gọi những người có điều kiện ủng hộ nhà trường trang bị máy tính để phục vụ việc học tập của HS. Việc ủng hộ, đóng góp không phải bằng tiền mặt mà bằng hiện vật. Nhờ đó, hiện nay, nhà trường có 2 phòng máy vi tính, trong đó có 40 máy vi tính do CMHS tự nguyện ủng hộ.
Những điều rút ra
Từ cách làm, cách kêu gọi ủng hộ CSVC cho trường học của các đơn vị trên, có thể thấy, hoạt động của Hội CMHS đóng vai trò quan trọng đối với nhà trường. Nếu nhà trường có chủ trương đúng, lại phối hợp tốt với Ban đại diện Hội CMHS thì sẽ đạt được sự đồng thuận giữa CMHS và nhà trường.
Nhà vệ sinh của học sinh Trường Tiểu học Phước Long 1 (Nha Trang) hiện đại, sạch sẽ. Công trình do cha mẹ học sinh nhà trường đóng góp kinh phí xây dựng. |
Thời gian qua, ở một số trường học, hoạt động của Hội CMHS vẫn chưa mạnh, việc kêu gọi sự đóng góp của CMHS trong việc xây dựng CSVC cho nhà trường vẫn còn “lời ra tiếng vào” ở các khía cạnh khác nhau. Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Trong giai đoạn hiện nay, việc huy động mọi nguồn lực từ xã hội để xây dựng CSVC trường học là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để xã hội, CMHS đồng lòng hưởng ứng, không “lời ra tiếng vào” là vấn đề cần đặt ra. Tại sao có những trường kêu gọi ủng hộ thì được CMHS đồng tình hưởng ứng, có trường lại bị phàn nàn, phản ứng?”.
Qua cách làm của các đơn vị trường học nêu trên, có thể thấy, mục đích của nhà trường được nêu ra rất rõ ràng, đó là làm cho HS, cho chính con em PH hưởng thụ. Ngoài ra, bên cạnh sự tâm huyết, chân thành của người đứng đầu, việc xây dựng được niềm tin, sự tin tưởng đối với Hội CMHS là rất quan trọng. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa tâm sự: “Việc kêu gọi sự ủng hộ của CMHS rất khó, nhưng nếu việc làm của mình xuất phát từ cái tâm, không bị cám dỗ bởi những lợi ích cá nhân, việc sử dụng những đồng tiền đóng góp của PH minh bạch, công khai thì sẽ được PH tin tưởng, hết lòng ủng hộ. Và đặc biệt, việc kêu gọi ủng hộ, đóng góp cũng phải phù hợp, vừa sức dân”. Đối với những công trình xã hội hóa, CMHS phải là người giám sát. Các khoản xã hội hóa phải được ghi chép, quản lý thống nhất qua hệ thống sổ sách theo dõi, kế toán của nhà trường. Mọi khoản thu, chi phải công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật. Sau khi nghiệm thu công trình, phải báo cáo, công khai quyết toán kinh phí cho toàn thể CMHS được biết. Khi những mạnh thường quân thấy được các sản phẩm, hạng mục thiết thực cho con em mình, họ sẽ thoải mái, vững tin và đặt nhiều niềm tin đối với trường học nơi con em mình học tập.
Thực tế cũng cho thấy, nơi nào có CSVC đầy đủ, trường lớp khang trang, sạch đẹp, mô phạm thì nơi ấy chất lượng giảng dạy cũng như các hoạt động khác trong nhà trường sẽ tăng lên rõ rệt. Cụ thể như Trường Tiểu học Phước Long 1 hiện là một trong số các trường dẫn đầu phong trào thi Violimpic Toán, Olympic Tiếng Anh, Giao thông thông minh, Búp măng xinh... của TP. Nha Trang trong năm học 2012 - 2013. Hoặc như Trường THPT Ngô Gia Tự hiện là điểm sáng trong nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao vị thế của nhà trường trên bảng xếp hạng các trường THPT trong tỉnh.
LÊ NGUYÊN