Sử dụng giáo án điện tử là một bước tiến mới trong quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy hiện nay. Không ai có thể phủ nhận những ưu điểm của giáo án điện tử, song cũng không nên lạm dụng giáo án điện tử mà phải biết sử dụng có liều lượng và hợp lý.
Sử dụng giáo án điện tử (GAĐT) là một bước tiến mới trong quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy hiện nay. Không ai có thể phủ nhận những ưu điểm của GAĐT, song cũng không nên lạm dụng GAĐT mà phải biết sử dụng có liều lượng và hợp lý.
Hiệu quả
Tham dự một tiết học Lịch sử lớp 10 tại Trường Trung học Phổ thông (THPT) chuyên Lê Quý Đôn, chúng tôi thấy rõ sự hứng thú của học sinh (HS) khi được nghe giáo viên (GV) giảng dạy với GAĐT. Khi những hình ảnh liên quan đến bài học bắt đầu hiện lên trên màn hình máy chiếu, không khí lớp học thay đổi hẳn. HS im lặng, chăm chú nhìn và nghe GV... thuyết trình. Toàn bộ kiến thức của bài giảng được lột tả đầy đủ qua những hình ảnh sống động. Chỉ sau khoảng 30 phút, GV kết thúc bài giảng, giao lại quyền đứng lớp cho HS và lui về làm... quan sát viên. Lúc này, lớp học thật sự sôi nổi. Các em chia nhóm để trình bày và thảo luận những vấn đề, kiến thức xung quanh nội dung vừa học. Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là lúc trò hỏi, cô trả lời. “Cách học này khiến chúng em rất hứng thú vì hệ thống kiến thức được cập nhật bằng hình ảnh sinh động, bằng những trò chơi đố vui, thảo luận nhóm... Tiết học trở nên nhẹ nhàng, không nhàm chán, lại giúp HS hiểu và thuộc bài ngay tại lớp”, em Đỗ Hoàng Anh, HS lớp 10 chuyên Anh cho biết.
Tiết học sử dụng giáo án điện tử tại Trường THCS Nguyễn Trung Trực (Cam Ranh). |
Bên cạnh môn Lịch sử, Địa lý và Vật lý cũng được nhiều HS xếp vào nhóm các môn học... khó nuốt! Tuy nhiên, nhờ có GAĐT, giờ đây, các môn học này lại “lấy” được của HS nhiều lời nói và tiếng cười nhất. Cô Nguyễn Thị Minh Luận, GV môn Địa lý Trường Trung học Cơ sở (THCS) Nguyễn Trung Trực (đảo Bình Ba, Cam Ranh) bộc bạch: “Không hẳn vì các môn học đó khó, mà do GV chưa tìm được cách truyền đạt phù hợp”. Có lẽ vì vậy mà sau nhiều năm tìm tòi, học hỏi và mày mò tiếp cận với Internet, cô Luận và đồng nghiệp đã mang đến cho HS tiết học Địa lý bằng hình ảnh thật sự ấn tượng! “Cô không đọc - chép như trước mà trình chiếu các slide (bản chiếu) phản ánh nội dung của từng bài hoặc chủ đề để chúng em quan sát, nhận xét và đánh giá. Sau đó, cô tổng hợp các ý kiến và đưa ra kết luận”, em Lâm Triệu Mẫn, HS lớp 7 khoe.
Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 90% trường học triển khai giảng dạy bằng GAĐT. Đây là bước tiến mới trong quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa - Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học - Công tác HS sinh viên (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết, GAĐT giúp GV tiết kiệm được thời gian viết bảng trong giờ lên lớp, từ đó GV có điều kiện lí giải sâu và cặn kẽ hơn những vấn đề quan trọng của bài học. Bên cạnh đó, GAĐT còn là phương tiện giảng dạy hiệu quả, giúp GV truyền đạt dễ dàng nhờ hình ảnh trực quan rất cụ thể và sinh động, giúp HS dễ dàng nắm bắt vấn đề. Một ưu thế nữa của GAĐT, đó là GV rất dễ khắc phục, sửa chữa kịp thời những sai sót về kiến thức, cách trình bày, diễn đạt... mà trong quá trình giảng dạy GV mới phát hiện.
Nhưng lợi bất cập hại
Tuy mang lại nhiều hiệu quả nhưng việc sử dụng GAĐT trong trường học hiện nay cần được nhìn nhận lại cho đúng, nếu không sẽ lợi bất cập hại.
Một GV dạy Văn cho biết, do tuyệt đối hóa những ưu điểm của GAĐT nên nhiều GV đã quên đi tính đặc thù trong giảng dạy văn chương. Không ít GV dạy Văn bằng GAĐT chỉ ngồi một chỗ, mắt nhìn vào màn hình vi tính, tay gõ bàn phím mà ít khi đối thoại với người học. Điều này đã vô tình đánh mất không khí gần gũi, ấm áp, thân tình giữa thầy và trò - một yếu tố cực kì quan trọng trong giảng dạy văn chương. Ngoài ra, thông qua GAĐT, nhiều GV đã lạm dụng những hình ảnh (tranh, hình vẽ...) để minh họa cho những ý thơ hay hình tượng nhân vật nào đó trong truyện ngắn một cách cứng nhắc, thô thiển và sai lầm... Nhiều sinh viên còn tiết lộ, nhờ có GAĐT của GV mà họ có thể không tham dự toàn khóa học; đến cuối khóa, chỉ cần cầm USB tới xin GV cho chép lại bài giảng là đã có đề cương ôn tập tốt. Bởi lẽ, mang tiếng là học theo phương pháp trình chiếu GAĐT nhưng cách dạy và học đều không có gì cải tiến so với trước, chỉ là sách giáo khoa lùi bước, nhường chỗ cho các văn bản được chuyển sang dạng slide trên máy tính.
Ở một khía cạnh khác, việc sử dụng GAĐT đã làm cho một số GV lệ thuộc vào bộ nhớ của máy vi tính, không chú ý rèn luyện bộ nhớ của chính mình. Dần dần, thói quen nhờ máy tính “nói” hộ đã dẫn đến tình trạng ngôn từ diễn đạt bị thui chột, kiến thức bị bào mòn, mai một... Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết: “Hiện nay, ở một số trường học, HS bắt đầu chán nản với những tiết dạy bằng GAĐT. Vì GV đã đánh mất ý nghĩa tốt đẹp của phương pháp dạy học bằng GAĐT. Hiện tượng phổ biến hiện nay là “chiếu - chép”, GV dùng hình ảnh để minh họa chứ không khai thác được kiến thức qua hình ảnh. Vì vậy, GV phải thay đổi tư duy, tránh tình trạng ứng dụng “ảo” và đua theo thành tích. Bản thân mỗi GV phải căn cứ vào đặc thù của từng môn học để đưa ra phương pháp giảng dạy hợp lý, sử dụng GAĐT đúng môn, đúng liều lượng. GAĐT chỉ phát huy tác dụng khi GV thật sự giỏi chuyên môn, kết hợp linh hoạt giữa hình ảnh và khả năng thuyết trình, gợi mở, làm chủ buổi thuyết giảng với sự tham gia tích cực của HS”.
THU HIỀN