Khánh Vĩnh đang hết sức nỗ lực để đạt mục tiêu 100% học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học học 2 buổi/ngày được ăn trưa tại trường. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất của các trường học hiện còn thiếu nên huyện mới thực hiện được 34% mục tiêu đề ra.
Khánh Vĩnh đang hết sức nỗ lực để đạt mục tiêu 100% học sinh (HS) dân tộc thiểu số (DTTS) cấp tiểu học (TH) học 2 buổi/ngày được ăn trưa tại trường. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất của các trường học hiện còn thiếu nên huyện mới thực hiện được 34% mục tiêu đề ra.
Nỗ lực tổ chức bán trú
Tháng qua, thầy Nguyễn Trọng Sỹ - Hiệu trưởng Trường TH Liên Sang đã vất vả ngược xuôi từ Khánh Vĩnh xuống Nha Trang để xin tài trợ. Tận dụng hết các mối quen biết, thầy Sỹ đã thân chinh đi xin từ cái ly, tô, chén, khay đựng thức ăn đến chiếc gối nằm để chuẩn bị cho việc tổ chức bán trú của nhà trường. Toàn trường có 240 HS nhưng hầu hết là HS DTTS, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vì vậy, tuy rất ủng hộ chủ trương cho con em ăn trưa tại trường nhưng phụ huynh (PH) HS không có điều kiện giúp trường về cơ sở vật chất. Thầy Sỹ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện về việc tổ chức bữa ăn trưa cho HS DTTS cấp TH trong năm học 2012 - 2013, nhà trường đã chủ động bàn bạc với lãnh đạo xã, Hội PHHS xây bếp ăn tạm. Kinh phí xây dựng không có nên thầy phải đi xin tài trợ và vận động PHHS cùng giáo viên (GV) góp công góp sức cùng xây bếp. GV còn tự đóng giát giường, trích tiền lương mua chiếu cho HS nằm ngủ trưa. Hiện nay, các vật dụng nấu ăn, chén bát cũng tạm đủ nhưng bếp đang phải nấu bằng củi. “Mới đây, một mạnh thường quân đã hứa cho trường nồi cơm điện 10kg. PHHS đăng ký bán trú cũng thống nhất ủng hộ trường số tiền các em được hỗ trợ trong tháng 9 (vì từ ngày 1-10 nhà trường mới tổ chức bán trú) để xây bếp”, thầy Sỹ vui vẻ cho biết.
Bữa ăn trưa của học sinh dân tộc thiểu số tại Trường Tiểu học Sơn Thái. |
Tại Trường TH Sơn Thái, chúng tôi thấy hơn 60 HS ngồi ăn trưa trong căn phòng chưa được 30m2. Trường mới xây, nhà trường tận dụng 2 phòng học cũ để làm nhà ăn và nhà bếp. Trong bữa ăn, mỗi HS có một khay thức ăn với khá nhiều món: trứng chiên, rau xào, canh cá... Em Cà Hiếu (dân tộc T’rin), HS lớp 4C nói: “Nhà em ở thôn Giang Biên, cách trường 3km. Em rất thích ăn ở trường cùng với bạn bè. Cơm ở trường ngon và ăn no”. Chị Cà En - Hội trưởng Hội PHHS Trường TH Sơn Thái cho biết, từ lúc nhà trường tổ chức ăn trưa cho HS, ngày nào chị cũng đến trường xem các cháu ăn uống ra sao, nhắc nhở các cô cấp dưỡng đổi món cho các cháu. “Nhà bếp còn thiếu nhiều thứ lắm! Vừa rồi, một trường TH ở Nha Trang cho nhà trường khay đựng thức ăn cho HS nên nhìn bữa ăn của các cháu cũng tươm tất hơn. Con tôi học ngày 1 buổi nên không ăn trưa tại trường nhưng tôi muốn tất cả HS đều được ăn trưa tại trường để được chăm sóc sức khỏe”, chị Cà En nói. Được biết, Trường TH Sơn Thái có 227 HS, trong đó có 222 HS DTTS. Trường có 12 lớp nhưng chỉ có 4 lớp với 77 HS học 2 buổi/ngày. Trong số này, có 3 HS người Kinh nhưng cũng đăng ký và đóng tiền để được ăn trưa tại trường.
Huyện Khánh Vĩnh hiện có 14 trường TH. Trong đó, có 13/14 trường tổ chức học ngày 2 buổi. Trước đây, cả huyện chỉ có Trường TH Khánh Đông tổ chức bữa ăn trưa cho HS DTTS do được Tổ chức Hiểu và Thương tài trợ bếp ăn và hỗ trợ 6.000 đồng/HS/ngày. Từ năm học 2012 - 2013, thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT huyện đã chỉ đạo các trường TH trên địa bàn phải tổ chức bữa ăn trưa cho HS DTTS học ngày 2 buổi. Đến ngày 31-10, toàn huyện đã có 11/13 trường tổ chức phục vụ bán trú. Ông Lê Minh Trung, phụ trách chuyên môn TH Phòng GD-ĐT huyện cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT, Phòng đã tham mưu UBND huyện cho phép hợp đồng 55 nhân viên cấp dưỡng để phục vụ bữa ăn trưa cho HS DTTS. Đến nay, nhân sự đã được phân bổ về các trường. Tháng 10 vừa qua, Phòng ghi nhận sự nỗ lực cũng như tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, GV các trường đã năng động, sáng tạo tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; phối hợp với Hội PHHS vận động PHHS và các cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ dụng cụ phục vụ bán trú. “Ở Trường TH Khánh Thành có một số PHHS không đồng ý cho con ăn trưa tại trường để lấy tiền hỗ trợ, mặc dù con họ rất thích. Hiệu trưởng nhà trường đã lập danh sách những em này và báo cáo lên xã. Sau đó, đích thân đồng chí Hà Bang - Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thành đã đến từng nhà vận động PHHS để họ hiểu những mặt tích cực của việc cho con em ăn trưa tại trường. Đến nay, tình hình đã ổn; 100% PHHS đồng ý cho con ăn trưa tại trường”, ông Lê Minh Trung cho biết.
Cần sự góp sức của xã hội
Theo số liệu của Phòng GD-ĐT huyện, trong số 11 trường TH tổ chức bán trú cho HS DTTS, chỉ có 2 trường có bếp xây. Còn lại đều phải tận dụng từ những phòng học bị hư hỏng hoặc nhà công vụ của GV, hay dựng tạm nhà bếp để bộ phận cấp dưỡng nấu cơm trưa. Cũng vì chưa có bếp nên trong tháng 10, Trường TH Giang Ly, Khánh Thượng đã đặt cơm cho HS; còn Trường TH Khánh Hiệp, Khánh Bình chưa thực hiện bán trú. Các trường này đang khẩn trương làm bếp tạm, chuẩn bị dụng cụ để có thể phục vụ bán trú vào tháng 11.
Các em đều được các cô giáo dục phải biết rửa tay trước khi ăn. |
Ông Lê Minh Trung cho biết, tính đến ngày 26-10, số HS đăng ký bán trú là 1.705/2.569 HS DTTS cấp TH học ngày 2 buổi. Nhưng hiện nay, tại các trường mới có 884 em được ăn trưa tại trường, tức là mới đáp ứng được 51,8% số lượng đăng ký. So với mục tiêu của huyện đề ra là 100% HS DTTS cấp TH học ngày 2 buổi được ăn trưa tại trường thì các trường mới thực hiện được 34%. “Khó khăn chồng chất! Cơ sở vật chất thiếu thốn nên dù các trường đã nỗ lực hết sức cũng khó đạt mục tiêu. Việc tổ chức bán trú cho HS DTTS là một chủ trương đúng, là giải pháp nâng cao chất lượng HS, đồng thời hạn chế được tình trạng HS bỏ học. Vì vậy, chúng tôi đề nghị huyện và tỉnh hỗ trợ kinh phí để các trường xây dựng, sửa chữa nhà bếp,
trang bị dụng cụ nhà bếp để việc tổ chức bán trú được thuận lợi, đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Lê Minh Trung nói. Ngoài ra, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các trường cũng đề nghị tỉnh nên bỏ hình thức cấp học bổng cho HS DTTS cấp TH, thay vào đó, tập trung hỗ trợ kinh phí để chi bữa ăn trưa cho HS, chi trả lương cấp dưỡng, xây bếp ăn, trang bị ban đầu phục vụ bán trú (vật dụng nấu ăn, chén bát, chiếu, mền...), hỗ trợ bồi dưỡng công tác quản lí bán trú...
So với những địa phương trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên, có thể khẳng định, Khánh Hòa là địa phương chăm lo, đầu tư cơ sở vật chất, chính sách cho ngành GD-ĐT rất tốt. Chỉ riêng việc tổ chức bán trú cho HS DTTS, UBND tỉnh đã hỗ trợ tiền ăn trưa cho HS DTTS cấp TH học ngày 2 buổi với mức 200.000 đồng/HS/tháng; những HS không ăn trưa thì được hỗ trợ 120.000 đồng/HS/tháng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho ngành GD không thể chỉ trông chờ vào ngân sách địa phương mà rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân có tấm lòng.
THU HIỀN
Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Việc tổ chức bán trú cho HS DTTS cấp TH mang lại nhiều lợi ích: Các em được chăm sóc sức khỏe qua bữa ăn tại trường, hạn chế tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng. Các em được GD về bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, về giữ vệ sinh trong ăn uống; đồng thời GD cho HS kỹ năng sống, hình thành nếp sống văn minh tại gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, HS sẽ đi học chuyên cần, tránh tình trạng HS nghỉ học tùy tiện, làm ảnh hưởng đến kết quả học tập.