Đó là tâm huyết của những nữ nhà giáo với tâm nguyện nâng cao chất lượng giáo dục và truyền đạt thêm nhiều kiến thức cho học trò…
Đó là tâm huyết của những nữ nhà giáo với tâm nguyện nâng cao chất lượng giáo dục và truyền đạt thêm nhiều kiến thức cho học trò…
Người đi tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục miền núi
Đầu tháng 11-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức biểu dương, tặng bằng khen cho 128 nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại vùng biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Có mặt trong danh sách đó là chị Nguyễn Thị Thừa - cán bộ phụ trách chuyên môn tiểu học của Phòng GD-ĐT huyện Khánh Sơn.
24 năm công tác ở Phòng GD-ĐT huyện Khánh Sơn, chị Nguyễn Thị Thừa hiểu rõ đặc điểm tâm sinh lý của học sinh (HS) dân tộc thiểu số (DTTS), nắm rõ đặc thù của GD miền núi. Theo chị, để cải thiện chất lượng GD miền núi, trước hết phải duy trì sĩ số, chống HS bỏ học, bỏ tiết, đồng thời tìm ra được kỹ năng dạy học phù hợp với đối tượng này.
Cô Minh - tấm gương sáng cho các thế hệ giảng viên trẻ và sinh viên noi theo. |
Chị Thừa cho biết, duy trì sĩ số HS là khâu rất quan trọng trong việc lấp dần khoảng cách giữa GD miền núi với miền xuôi. Ở miền núi, làm sao để các em đến trường thường xuyên và đông đủ là việc không đơn giản. Vốn quen sống tự do theo ý thích, lại chưa nhận thức được tầm quan trọng của học hành nên việc đi học như một “cực hình” với nhiều HS... Chính vì điều này mà những năm qua, ở Khánh Sơn không ít HS bỏ học. Để vận động các em đến lớp, chị Thừa cùng các đồng nghiệp, giáo viên (GV) phải đến từng gia đình HS để nắm rõ hoàn cảnh, điều kiện sinh hoạt, học tập, từ đó đưa ra những biện pháp vận động, thuyết phục phù hợp. Bên cạnh đó, để cải thiện chất lượng GD tiểu học cho HS DTTS, từ năm 2009 đến nay, chị liên tục đề ra nhiều giải pháp rất cụ thể như: nâng cao vốn tiếng Việt cho HS DTTS thông qua phương pháp tổ chức trò chơi học tập; nâng cao khả năng nhớ các phép tính cộng, trừ, nhân, chia trong bảng cho HS yếu lớp 1, 2, 3 thông qua việc sử dụng kỹ thuật dạy học phối hợp thể dục thể thao... Chị cũng đề nghị các trường phân loại đối tượng HS, phân công từng nhóm để bồi dưỡng HS khá giỏi và phụ đạo HS yếu, nhất là HS có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và phương pháp dạy học các môn cho đội ngũ GV, đặc biệt là GV người DTTS; bồi dưỡng kỹ năng sử dụng thiết bị dạy học và đẩy mạnh phong trào tự làm đồ dùng dạy học trong đội ngũ GV tiểu học; thường xuyên thay đổi các hình thức dạy học “vừa dạy, vừa dỗ”; củng cố và phát huy vai trò của chi hội khuyến học ở nhà trường..
Với những đóng góp ấy, nhiều năm liền, chị Nguyễn Thị Thừa được UBND huyện Khánh Sơn tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Mới đây, chị được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT biểu dương, tặng bằng khen nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Nữ nhà giáo hết lòng vì sự nghiệp trồng người
Đó là Tiến sĩ (TS), Nhà giáo Ưu tú Ngô Thị Minh - Phó Trưởng khoa Xã hội Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Gần 30 năm sống, làm việc và cống hiến, cô Minh luôn là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ giảng viên và sinh viên (SV) noi theo...
Sinh ra và lớn lên ở TP. Nha Trang, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Huế, năm 1983, cô Minh về nhận công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Tuy vừa bận rộn với nhiệm vụ giảng dạy, vừa gánh trên vai trách nhiệm gia đình nhưng cô Minh vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo được uy tín với thầy và trò. Điều đồng nghiệp mến phục ở cô là tinh thần tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn. Học thạc sĩ, rồi TS chuyên ngành Ngôn ngữ, cô còn học đại học chuyên ngành Tiếng Anh. Cô Minh chia sẻ: “Ngày ấy, tôi vừa dạy vừa học thêm ngoại ngữ nên khi đến lớp, tôi đóng cả 2 vai (thầy và trò). Đến giờ dạy tiếng Việt, tôi đứng bục giảng, còn đến giờ tiếng Anh, tôi lại ngồi học cùng học trò của mình. Tuy cực nhưng cũng thấy thú vị...”.
Hiền, dễ gần nhưng cũng rất nghiêm khắc - đó là lời nhận xét của nhiều SV đối với cô. Lo sợ xen lẫn thích thú là tâm lý của nhiều thế hệ học trò khi nghĩ về cô. Sợ là vì cô thường hỏi sâu kiến thức, đòi hỏi ở SV một thái độ học tập nghiêm túc; thích là vì giờ giảng của cô luôn sinh động, bởi cô luôn có những phương pháp mới lạ. SV Lê Đức Bảo - lớp Sư phạm Ngữ văn K36 nhận xét: “Cô Minh là một giảng viên đầy nhiệt huyết, giảng dạy bằng tất cả tình cảm và trái tim. Chính sự dìu dắt của cô mà em cũng như nhiều bạn khác từng bước trưởng thành”. Điều đáng mừng, hiện nay, nhiều thế hệ học trò được cô Minh đào tạo đã trở thành những GV dạy giỏi hoặc trở thành cán bộ quản lý.
Cô Nguyễn Thị Thừa. |
Tuy khá kiệm lời và dè dặt khi nói về cuộc sống riêng của mình, nhưng khi đề cập đến vấn đề nghiên cứu khoa học (NCKH), cô Minh bỗng trở nên sôi nổi hẳn. Cô say mê chia sẻ với chúng tôi thành công và cả những dự định tương lai. Trong quãng đời dạy học, cô có nhiều công trình NCKH cấp trường, cấp tỉnh được ứng dụng hiệu quả vào công tác giảng dạy. Đề tài cấp tỉnh mà cô tâm huyết là “Thực trạng và giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn, Lịch sử lớp 8, 9 tại các trường trung học cơ sở ở Khánh Hòa”. Cô cho biết: “Nhận thấy phương pháp dạy môn Ngữ văn, Lịch sử của một số trường còn theo lối mòn, cần phải thay đổi nên năm 2007, tôi cùng với một số giảng viên đã thực hiện đề tài này. Đề tài được nghiệm thu năm 2009 với loại khá”. Hiện nay, cô đang dành tâm huyết để nghiên cứu đề tài cấp tỉnh khác: “Biên soạn tài liệu dạy học phần Ngữ văn địa phương Khánh Hòa cấp trung học cơ sở”. Với cô, NCKH làm cô ngày một hoàn thiện hơn trong cuộc sống.
Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện các đề tài khoa học, cô Minh đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ SV với chất lượng cao, cập nhật được các kiến thức chuyên ngành mới. Những giáo trình, tài liệu tham khảo do cô biên soạn đã và đang được giảng dạy tại một số trường trong tỉnh và khu vực. Hàng năm, cô cũng hướng dẫn 5 - 6 đề tài cho SV. Hầu hết các đề tài đều được xếp loại giỏi, xuất sắc. Ngoài công tác tại trường, cô còn tham gia giảng dạy tại các trường đại học trong và ngoài tỉnh...
Với sự nỗ lực phấn đấu của mình, cô Minh đã nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh... Mới đây, cô vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Sự lao động thầm lặng của cô không chỉ được Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý mà còn được các đồng nghiệp và học trò kính trọng, yêu mến...
LÊ NGUYÊN - KIM THAO
Những giải pháp của cô Thừa đưa ra đã có chuyển biến đáng kể ở 8 trường tiểu học tại Khánh Sơn. 100% GV đều có giáo án; 80,6% GV trở lên sử dụng giáo án bằng vi tính; 7/8 trường đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy; chất lượng HS khá, giỏi ngày một tăng lên, HS yếu giảm đi rõ rệt. Cụ thể, năm học 2009 - 2010, tỷ lệ HS yếu là 13,4%, năm học tiếp theo giảm xuống còn 10,7%, đến năm học 2011 - 2012 giảm còn 8,05%. Tỷ lệ HS bỏ học cũng giảm từ 0,6% năm 2009 xuống còn 0,29% năm 2012...
TS Trần Viết Thiện - Trưởng Khoa Xã hội Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang: TS Ngô Thị Minh là tấm gương sáng cho các thế hệ giảng viên trẻ và SV học tập, noi theo. Cô là cán bộ quản lý có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết với nghề; là giảng viên chính giàu kinh nghiệm, tham gia giảng dạy nhiều học phần chuyên sâu về Ngôn ngữ học của khoa và các khoa khác; hướng dẫn, dìu dắt nhiều giảng viên trẻ của trường thực hiện thành công nhiều đề tài NCKH...