11:10, 26/10/2012

Cần chấn chỉnh hoạt động liên kết đào tạo

Tuy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản quy định cụ thể về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học nhưng hiện nay...

Tuy Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có văn bản quy định cụ thể về liên kết đào tạo (LKĐT) trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) nhưng hiện nay, hoạt động LKĐT giữa các trường ĐH, CĐ ngoài tỉnh (đơn vị chủ trì đào tạo) và một số trường ĐH, CĐ, TCCN trong tỉnh (đơn vị phối hợp đào tạo) chưa nghiêm túc.

Chưa thực hiện nghiêm túc

Theo Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, đối với LKĐT trình độ CĐ, ĐH: Đơn vị chủ trì đào tạo là các ĐH, học viện, trường ĐH, trường CĐ, đơn vị phối hợp đào tạo là các trường TCCN, CĐ, ĐH, học viện và trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp tỉnh. Điều kiện LKĐT đối với đơn vị phối hợp đào tạo là phải xác định được nhu cầu đào tạo; địa điểm đặt lớp phải là các trường, các trung tâm GDTX cấp tỉnh, huyện; phải đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết phục vụ dạy học, thực hành, thực tập, đảm bảo môi trường sư phạm, có đội ngũ cán bộ quản lý phù hợp với mục tiêu đào tạo của khóa học. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế cho thấy, một số trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh không thực hiện nghiêm túc quy định này.

Đơn cử, các trường: CĐ Nghề Nha Trang, CĐ Nghề Quốc tế Nam Việt không thuộc đối tượng tham gia LKĐT nhưng nhiều năm qua vẫn liên kết với các trường ĐH ngoài tỉnh để tổ chức chiêu sinh đào tạo. Từ năm 2008 đến nay, Trường CĐ Nghề Quốc tế Nam Việt đã liên kết với ĐH Đà Nẵng, ĐH Đà Lạt mở 8 lớp đào tạo ĐH (hệ từ xa ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh và hệ vừa làm vừa học ngành Luật) với hơn 600 học viên. Trường CĐ Nghề Nha Trang cũng liên kết với ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh... đào tạo các ngành Kỹ thuật điện - Điện tử, Kỹ thuật xây dựng, Cơ khí - Cơ điện tử... Một số đơn vị khác, tuy không đảm bảo cơ sở vật chất nhưng cũng LKĐT, như Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa đã thuê phòng học của Trung tâm GDTX TP. Nha Trang làm địa điểm đặt lớp. Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí, một số đơn vị chủ trì đào tạo không cử giáo viên (GV) của trường mình đi dạy mà lấy GV của đơn vị phối hợp đào tạo, ảnh hưởng không ít đến chất lượng đào tạo.

Ông Trần Ngọc Anh - Trưởng phòng GDTX - Chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT) cho biết, tuy Bộ GD-ĐT có quy định nhưng nhiều năm nay, các trường CĐ nghề vẫn tổ chức LKĐT là do được UBND tỉnh cho phép và được Bộ GD-ĐT phê duyệt chỉ tiêu. Quả thật, tại Trường CĐ Nghề Quốc tế Nam Việt, chúng tôi thấy hồ sơ mở lớp LKĐT giữa nhà trường với đơn vị chủ trì đào tạo đều có xác nhận của UBND tỉnh và Bộ GD-ĐT. Hồ sơ được nhà trường bảo quản và lưu giữ tương đối bài bản. Bà Khúc Thị Oanh - Trưởng phòng ĐT của nhà trường kiến nghị: “Bộ GD-ĐT cần sửa đổi một vài quy định về LKĐT. Một số trường không đủ điều kiện về cơ sở vật chất thì được phép trong khi các trường CĐ nghề có cơ sở vật chất tốt, có cơ sở thực hành tại chỗ, đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học thì lại không được phép liên kết. Đây là điều hết sức vô lý”.

Tuy Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có văn bản quy định cụ thể về liên kết đào tạo (LKĐT) trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) nhưng hiện nay, hoạt động LKĐT giữa các trường ĐH,
Trường Trung cấp chuyên nghiệp Nha Trang là một trong những đơn vị có cơ sở vật chất đáp ứng công tác liên kết, liên thông đào tạo

Khó tuyển sinh

Nếu tính luôn cả các trung tâm GDTX cấp tỉnh và huyện, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 20 cơ sở làm công tác LKĐT với các trường ĐH, CĐ trên cả nước. Do cung nhiều hơn cầu nên tình hình chung là các đơn vị LKĐT rất khó tuyển sinh. Thậm chí, có trường không tuyển được học viên nào, khả năng phải đóng cửa. Năm 2012, theo chỉ tiêu LKĐT đã được phê duyệt, Trường CĐ Nghề Nha Trang mới chỉ thực hiện được 13,3% (106/800 chỉ tiêu); Trung tâm GDTX tỉnh thực hiện 41% (470/1.140 chỉ tiêu); Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang thực hiện 11,2% (112/1.000 chỉ tiêu)... Ông Đinh Quang Động - Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh nói: “Hiện nay, hầu hết các đơn vị đều LKĐT ngành Kế toán, dẫn tới tình trạng nơi nào cũng chỉ tuyển sinh được một ít, không đủ chỉ tiêu. Ví như Trung tâm GDTX tỉnh, theo kế hoạch, tháng 4-2012 sẽ liên kết với Trường ĐH Thương mại Hà Nội tổ chức thi tuyển để mở lớp ĐH Kế toán nhưng hồ sơ nộp ít quá nên phải kéo dài đến tháng 10 và hiện có khả năng phải gia hạn đến cuối tháng 11”.

Việc các cơ sở LKĐT khó tuyển sinh đã minh chứng cho việc cấp phép LKĐT tràn lan, thiếu quy hoạch. Ông Đinh Quang Động đề nghị địa phương và Bộ GD-ĐT xem xét lại chỉ tiêu, quy hoạch lại việc mở ngành LKĐT hiện nay. Để chấn chỉnh hoạt động LKĐT tại địa phương, mới đây, Sở GD-ĐT đã tổ chức đoàn kiểm tra tới một số trường CĐ và Trung tâm GDTX. Ông Trần Ngọc Anh cho biết: “Sau đợt kiểm tra, Sở sẽ tổng hợp, báo cáo kết quả và đề xuất hình thức xử lý. Sở cũng sẽ kiến nghị với Bộ GD-ĐT một số thay đổi để nâng cao chất lượng LKĐT. Đã đến lúc phải siết lại công tác LKĐT, không cho mở ngành đào tạo tràn lan như hiện nay”.

THU HIỀN