07:10, 18/10/2012

Tự xoay xở kinh phí bảo trì, sửa chữa

Hiện nay, ngân sách Nhà nước chưa bố trí nguồn cho hoạt động bảo trì các công trình xây dựng của ngành Giáo dục và Đào tạo, vì thế các cơ sở phải tự xoay xở, dẫn đến tình trạng không đảm bảo theo quy định.

Hiện nay, ngân sách Nhà nước chưa bố trí nguồn cho hoạt động bảo trì các công trình xây dựng của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), vì thế các cơ sở phải tự xoay xở, dẫn đến tình trạng không đảm bảo theo quy định.

Khó khăn khi sửa chữa nhỏ 

Ông Nguyễn Tư, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở (THCS) Thái Nguyên, Nha Trang cho biết: “Hiện nay, bàn ghế học sinh (HS) của nhà trường hư hỏng nặng. Trường muốn sửa chữa, thay mới nhưng không có kinh phí. Năm ngoái, trường đã vận động các mạnh thường quân đóng góp gần 500 triệu đồng để thay bàn ghế mới cho HS nhưng cuối cùng phải trả lại vì thu không đúng quy định...”. Theo ông Nguyễn Tư, chi phí cho sửa chữa những hư hỏng thường xuyên tại trường học diễn ra liên tục và rất tốn kém nhưng nguồn để chi trả cho các hoạt động này không có. Để bảo trì và sửa chữa nhỏ cơ sở hạ tầng như: sửa chữa phòng học, phòng làm việc, sơn tường rào, cải tạo hệ thống nước uống cho HS, hệ thống điện, sơn mới dãy phòng học, làm sân xi măng giữa các dãy phòng học..., Trường THCS Thái Nguyên phải sử dụng phần kinh phí tự chủ (ngân sách Nhà nước cấp), nguồn thu học phí công lập, nguồn thu dạy thêm - học thêm, nguồn thanh lý tài sản... Tương tự Trường THCS Thái Nguyên, “hàng năm, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi thực hiện các công trình sửa chữa nhỏ như thay mới quạt máy, bóng đèn, sơn mới tường rào... bằng nguồn kinh phí hoạt động và sự phối hợp, giúp đỡ của Hội Cha mẹ HS”, ông Trần Duy Nhụ - Hiệu trưởng Trường Nguyễn Văn Trỗi cho biết.

Tường rào của Trường Tiểu học Tân lập nhiều chỗ đã bị nứt sâu, cần phải được sửa chữa kịp thời.

Tường rào của Trường Tiểu học Tân lập nhiều chỗ đã bị nứt sâu, cần phải được sửa chữa kịp thời.

Còn tại Trường Tiểu học Tân Lập 1, Nha Trang, hiện nay tường rào xung quanh trường đã bị nứt. Những vết nứt chạy dài theo tường rào và có nguy cơ đổ sập. Cầu thang không có mái che nên mỗi khi trời mưa, HS không chỉ bị ướt mà còn té ngã vì trơn trượt. “Những vấn đề bức xúc này của HS, phụ huynh HS, nhà trường đều biết và rất muốn sửa chữa ngay nhưng kinh phí để sửa chữa không có. Chờ ngân sách Nhà nước thì biết đến bao giờ. Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay thì e là rất khó!”, một cán bộ của trường tâm sự. Bà Phạm Thị Trang, Kế toán trưởng Phòng GD-ĐT TP. Nha Trang cho biết: “Năm 2012, do ngân sách khó khăn nên UBND thành phố không bố trí kinh phí sửa chữa từ nguồn sự nghiệp GD. Năm 2011, thành phố bố trí 4,1 tỷ đồng nhưng cả thành phố có tới 108 trường học trực thuộc thì con số này không thể nào đáp ứng đủ”.

Không chỉ khó khăn về kinh phí mà hiện nay do cách quản lý của mỗi địa phương nên nhiều cơ sở GD gặp khó trong quá trình làm thủ tục để sửa chữa khi cần thiết. Chẳng hạn có địa phương rất máy móc khi yêu cầu cơ sở GD phải làm hồ sơ xây dựng cơ bản, lập dự toán công trình cho dù kinh phí sửa chữa chỉ ở mức dưới 5 triệu đồng.

Cần bố trí kinh phí

Trong buổi làm việc với đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, đối với công tác sửa chữa, bảo trì các công trình xây dựng của những đơn vị trực thuộc Sở hiện nay ngân sách Nhà nước chưa bố trí nguồn để thực hiện (trừ bảo trì công sở). Vì vậy, một số hoạt động bảo trì, sửa chữa nhỏ do các cơ sở GD tự chi trả bằng nguồn kinh phí chi thường xuyên cấp hàng năm. Tuy nhiên, do kinh phí từ nguồn này hàng năm không cao, bên cạnh đó các đơn vị sử dụng lại không có chuyên ngành về xây dựng, không có hồ sơ về quy trình bảo trì nên hầu hết việc thực hiện công tác bảo trì đối với các công trình chưa đảm bảo đúng quy định. Tương tự, công tác sửa chữa bảo trì ở các cơ sở GD do cấp huyện quản lý vẫn chưa thực hiện được vì chưa có nguồn, 20% kinh phí xây dựng cơ bản cho GD chủ yếu tập trung đầu tư các dự án xây mới.

Mặc dù vậy, hàng năm bằng nguồn vốn sửa chữa GD và kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ, Sở GD-ĐT cũng đã quan tâm, tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo những công trình trường học bị xuống cấp (cả đơn vị trực thuộc Sở cũng như các đơn vị trường học do Phòng GD-ĐT quản lý) nhằm đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học. Tuy nhiên, do nguồn sửa chữa GD trong những năm qua chỉ được bố trí từ 2 - 3 tỷ đồng/năm, kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia cũng chỉ mang tính hỗ trợ nên số công trình được nâng cấp, cải tạo không nhiều. Ông Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang nói: “Qua thực tế của các cơ sở GD có thể thấy hiện nay do nguồn kinh phí quá hạn hẹp nên công tác duy tu, sửa chữa ở các cơ sở GD gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh cần nghiên cứu có cơ chế chính sách về ngân sách cho thành phố mới đáp ứng yêu cầu của đô thị loại 1. Ngoài ra, trong công tác bảo trì, sửa chữa cũng cần nghiên cứu sao cho phù hợp với thực tế, nếu cứ lo xây mới, làm mới mà không quan tâm đến công tác bảo trì thì các công trình xây dựng sẽ mau chóng hư hỏng, gây lãng phí”. Ông Lê Tuấn Tứ đề nghị đoàn giám sát HĐND tỉnh kiến nghị tăng nguồn vốn sửa chữa GD hàng năm cũng như bố trí nguồn để thực hiện tốt công tác bảo trì lâu nay còn bỏ ngỏ, chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, cần quan tâm đúng mức việc nâng cấp và xây dựng các công trình phục vụ dạy-học như phòng thí nghiệm, thư viện, kho chứa sách, thiết bị, nhà luyện tập thể dục thể thao, các công trình vệ sinh, cấp thoát nước.

THU HIỀN