Ban Quản lý (BQL) Dự án phát triển tỉnh vừa báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa phương án đầu tư đồng bộ nạo vét và xây dựng kè các tuyến sông, kênh trên địa bàn TP. Nha Trang. Đây là giải pháp căn cơ để giải bài toán thoát lũ cho toàn thành phố, đồng thời bảo đảm các yêu cầu về mỹ quan và môi trường.
Sẽ mang lại những lợi ích kép
Vừa qua, lãnh đạo BQL Dự án phát triển tỉnh đã chủ trì họp với đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND TP. Nha Trang bàn về giải pháp tiêu thoát lũ cho các dòng sông. Tại cuộc họp, nhiều chuyên gia về xây dựng, thủy văn nhận định, nguồn nước lũ gây ngập ở nhiều khu vực thuộc huyện Diên Khánh và TP. Nha Trang chủ yếu là do dòng chảy sông Cái và sông Suối Dầu đổ về. Đồng thời, các chuyên gia đưa ra những giải pháp tổng thể để giảm thiểu ngập cho vùng hạ du sông Cái, sông Quán Trường, sông Tắc như: Điều tiết các hồ chứa nước ở vùng thượng lưu; gia tăng khả năng tiêu thoát của vùng hạ lưu; giảm thiểu tác động của các công trình giao thông, thủy lợi, xây dựng, đô thị gây cản trở đến việc tiêu thoát lũ…
|
||
Một đoạn sông Quán Trường. |
Ông Nguyễn Thanh Hiến - Giám đốc BQL Dự án phát triển tỉnh cho biết, hiện nay, lưu vực sông Cái không có các hồ chứa nước lớn nên khả năng giảm lũ thượng nguồn đổ về là không nhiều. Do đó, giải pháp mang lại hiệu quả cao hơn là gia tăng khả năng tiêu thoát nước của vùng hạ lưu. Sông Cái hiện nay có bề rộng lòng sông và khẩu độ cửa thoát ra biển đã cố định bởi các tuyến kè được xây dựng và khu đô thị. Do đó, giải pháp chuyển một phần lũ từ sông Cái qua sông Quán Trường và thoát về cửa Bé sẽ mang tính khả thi và hiệu quả cao. Giải pháp này cũng góp phần khôi phục lại phần nào mạng lưới tiêu thoát lũ trước đây ở khu vực phía tây Nha Trang. Đối với sông Tắc, việc khơi thông phía thượng lưu để đón lũ của sông Suối Dầu về và khơi thông hạ lưu để dẫn nước lũ về cửa Bé cũng sẽ đem lại hiệu quả cao và góp phần giảm thiểu nguồn nước của sông Suối Dầu đổ về sông Cái, qua đó giảm thiểu mức độ ngập ở Nha Trang.
Các chuyên gia đều nhận định, việc tăng khả năng tiêu thoát lũ để giảm thiểu tình trạng ngập lụt gây thiệt hại cho người dân là hết sức cần thiết. Đây cũng được coi là một trong những giải pháp quan trọng để từng bước hồi sinh các đoạn sông trong khu vực phía tây Nha Trang, kết nối các hệ thống sông chính, làm cơ sở cho các bước tiếp theo là xây dựng các mạng lưới tiêu thoát nước nhánh trong đô thị; phân lũ sông Cái về cửa Bé ở phía nam. Đồng thời, cũng góp phần hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường khả năng kết nối và tiếp cận giao thông đường bộ, đường thủy giữa các khu đô thị, tạo cảnh quan đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung của thành phố; cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường nước thông qua việc các con sông, kênh được lưu thông dòng chảy thường xuyên.
Đề xuất đầu tư 6 hạng mục
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 26-1-2024, UBND TP. Nha Trang có Quyết định số 69 về việc giao nhiệm vụ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công trọng điểm giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, UBND thành phố nghiên cứu đề xuất đầu tư các tuyến kênh, tuyến sông gồm: Kênh Vĩnh Thái - Vĩnh Hiệp, kênh Vĩnh Trung - Sông Tắc, sông Kim Bồng, sông Bà Vệ, sông Đồng Đen, sông Đồng Bò, suối Gáo, suối Hòa Trung. Tuy nhiên, ngày 7-2-2025, UBND tỉnh có văn bản số 1423 thống nhất UBND TP. Nha Trang dừng thực hiện nghiên cứu dự án nạo vét, khơi thông các tuyến kênh mương, sông; đồng thời giao BQL Dự án phát triển tỉnh bổ sung nội dung đề xuất của UBND TP. Nha Trang để lựa chọn phương án đầu tư đồng bộ hạng mục nạo vét và xây dựng kè các tuyến sông, kênh mương trong quá trình hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Phát triển tích hợp thích ứng - Tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa (dự án sử dụng vốn ngân sách, đang trong quá trình lập và dự kiến trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong tháng 3-2025).
|
||
Một số đoạn sông Quán Trường và sông Tắc chưa được nạo vét, lòng sông ngày càng thu hẹp. |
Theo ông Nguyễn Thanh Hiến, trong quá trình nghiên cứu, đơn vị tư vấn đã bổ sung các nội dung đề xuất của UBND TP. Nha Trang để cập nhật vào Dự án Phát triển tích hợp thích ứng - Tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa; đồng thời trên cơ sở nghiên cứu tính toán hệ thống thủy lực theo nhiều kịch bản khác nhau, đơn vị tư vấn đã lựa chọn tần suất tính toán tiêu thoát khu vực dự án; lựa chọn kịch bản và mốc thời gian tính toán đến năm 2080 theo kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) công bố năm 2021.
Để khơi thông, mở rộng kè bảo vệ các tuyến thoát lũ nhằm đảm bảo tiêu thoát nước nhanh ra biển nhằm giảm ngập cho Nha Trang, cải thiện vệ sinh môi trường, phát triển du lịch thủy nội địa, BQL Dự án phát triển tỉnh đề xuất đầu tư 6 hạng mục nạo vét, khơi thông, xây dựng kè các tuyến sông, kênh mương. Cụ thể, nạo vét và gia cố bờ thượng lưu sông Quán Trường (chiều dài 4.050m, bề rộng 40m); nạo vét và gia cố bờ thượng lưu sông Tắc (chiều dài 2.600m, bề rộng 40m); nạo vét và khơi thông hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường (chiều dài 900m, bề rộng 90m); nạo vét, khơi thông kênh Diên An - sông Tắc (chiều dài 2.680m, bề rộng 40m); nạo vét và gia cố bờ kênh Vĩnh Thái - Vĩnh Hiệp (chiều dài 2.150m, bề rộng 20m); nâng cấp chân kè đoạn đã đầu tư và làm mới 675m đoạn bờ hữu sông Quán Trường (tổng chiều dài 6.256m). Tổng mức đầu tư các tuyến sông, kênh này khoảng 3.575 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 2.020 tỷ đồng, còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng.
Đối với các con sông, kênh còn lại, như: Kênh Vĩnh Trung - Sông Tắc, sông Đồng Đen, sông Đồng Bò, sông Bà Vệ, suối Gáo, sông Kim Bồng sẽ được đầu tư vào thời điểm thích hợp.
MẠNH HÙNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin