Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực. Thời gian qua, xã Suối Cát (huyện Cam Lâm) đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân..
Vẫn còn tình trạng tảo hôn
Xã Suối Cát có 7 thôn với 11.483 nhân khẩu, trong đó có 2468 khẩu là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) (chiếm hơn 24%) tập trung ở 3 thôn Suối Lau, trong đó có thôn Suối Lau 3 là thôn đặc biệt khó khăn, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao.
Phần thi tình huống tại Hội thi tìm hiều về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các em học sinh đến từ Trường THCS A. Yersin (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm). |
Những năm qua, tình trạng hôn nhân cận huyết không còn xảy ra, tuy nhiên vẫn còn tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã, giai đoạn từ 2020 đến năm 2024, xã có 15 trường hợp tảo hôn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một bộ phận nhân dân và thanh niên nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số về hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản, giới tính, ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, chưa thấy được hậu quả, tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Công tác giáo dục giới tính cho thanh niên, học sinh trong độ tuổi chưa được quan tâm đúng mức, thanh niên trong thôn, làng ít tham gia sinh hoạt cộng đồng, các buổi tuyên truyền pháp luật; thanh niên trong độ tuổi, học sinh hiện nay thường xuyên tiếp cận môi trường văn hóa xấu, độc hại trên mạng Internet và gây nên những hệ lụy về việc quan hệ sớm, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, buộc các gia đình tổ chức cưới hỏi cho con cái. Trong thời gian mang thai, các trường hợp này đều được cán bộ xã hướng dẫn đến trạm y tế xã tư vấn, khám theo định kỳ, tuy nhiên phần lớn các trường hợp tảo hôn này người mẹ thường chưa biết tự chăm sóc cho con, phải nhờ sự trợ giúp của người thân và cân nặng của các bé thường nhẹ hơn so với người đủ tuổi trưởng thành.
Nỗ lực vận động, tuyên truyền.
Đến với xã Suối Cát vào ngày 7 tháng 12 vừa qua, hội trường xã Suối Cát trở nên sôi động khi hàng trăm giáo viên và học sinh tham gia hội thi tìm hiểu về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do Phòng Dân tộc huyện Cam Lâm tổ chức. Tại hội thi, mỗi đội thi có 3 phần thi gồm: Phần thi kiến thức, Giao lưu giữa các em học sinh và Phần thi tài năng; mỗi phần thi kết hợp nhiều loại hình tuyên truyền khác nhau, tạo sự thu hút cho người xem tạo nên không khí sôi nổi và đem lại lượng thông tin truyền tải một cách có hiệu quả. Em Cao Thị Kim Thúy cho biết, nhờ có cuộc thi mà em biết được tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội; làm gia tăng số lượng nhanh và giảm chất lượng dân số, trực tiếp ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm sinh lý, làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và để lại các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của bố mẹ và con. Em Mang Ngọc Diệu cho biết, để tham gia hội thi này, em và đội đã tập từ hơn 1 tháng trước. Tại địa bàn nơi em sinh sống, vẫn còn xảy ra tình trạng tảo hôn; do đó, em mong muốn qua hội thi này sẽ góp phần tuyên truyền đến các bạn bè về hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Phần thi chào hỏi tại Hội thi tìm hiều về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các em học sinh đến từ Trường THCS A. Yersin (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm). |
Theo thầy Nguyễn Kim Thành - Hiệu trưởng Trường THCS Yersin (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm), trường có hơn 800 học sinh, trong đó có hơn 200 học sinh là đồng bào DTTS, những năm qua, công tác tuyên truyền về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống luôn được nhà trường chú trọng, lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa điển hình là hội thi tìm hiểu về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vừa qua đã giúp các em học sinh nhận thức được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, hy vọng sẽ tổ chức nhiều hội thi như thế này để không chỉ trong học sinh nhà trường mà các phụ huynh, đặc biệt là người dân ở 3 thôn Suối Lau nhận thức được vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Bà Nguyễn Thị Yến - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tăng cường các giải pháp nhằm tuyên truyền, ngăn ngừa tình trạng này như: tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền; truyền thông tại các nhà trường; lắp đặt pano tại nhà rông Suối Lau 3, Suối Lau 2; Tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của xã, thời lượng phát sóng 5 phút/lần/tuần; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã..
Tổ tuyên truyền viên thường xuyên xuống các thôn để tuyên truyền và phổ biến về Luật Hôn nhân và gia đình. Lồng ghép các quy định về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không kết hôn cận huyết thống, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Cung cấp các thông tin về tác hại của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. UBND xã đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã thường xuyên lồng ghép tuyên truyền Luật hôn nhân và gia đình, tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho đoàn viên, hội viên; đồng thời xây dựng câu lạc bộ không sinh con thứ ba và không có tảo hôn, chú trọng nêu gương người tốt việc tốt của các gia đình không vi phạm nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gắn với việc có các hình thức khen thưởng biểu dương thích hợp. Nhờ đó, năm 2024 không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống và chỉ có 2 trường hợp vi phạm tình trạng tảo hôn.
Những tình huống gay cấn đã tạo nên nhiều cảm xúc cho người xem, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. |
Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vào những đối tượng thanh niên, vị thành niên có nguy cơ cao. Đặc biệt phải tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Theo lãnh đạo Phòng dân tộc huyện Cam Lâm thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, kỹ năng tư vấn vận động đồng bào DTTS thay đổi hành vi về hôn nhân; xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hiện bình đẳng giới, nâng cao việc thực thi pháp luật đối với trường hợp vi phạm; quan tâm đến sức khỏe phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, công tác quản lý, ngăn chặn, phòng tránh tảo hôn và hôn nhân cận huyết là nhiệm vụ còn rất nhiều khó khăn. Sự vào cuộc của các ngành, các cấp là rất cần thiết. Đặc biệt, việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong hôn nhân cần được triển khai thường xuyên. Qua đó, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân, gia đình, từng bước giảm thiểu và đi đến đẩy lùi nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết trong đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và chất lượng nguồn nhân lực.
MÃ PHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin