Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh) đã triển khai đồng bộ các chính sách về hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi... để vươn lên thoát nghèo.
Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế
Bà Lê Thị Mỹ Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Sông Cầu cho biết, thời gian qua, công tác giảm nghèo nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, UBND xã và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở. Ngay từ đầu năm, ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của xã đã thành lập các tổ giúp đỡ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; rà soát những hộ gia đình có khả năng thoát nghèo, cận nghèo và những hộ nghèo vĩnh viễn (người già yếu bệnh tật không có khả năng lao động) để có hướng hỗ trợ. Đồng thời, phân công 3 tổ cán bộ công chức, mỗi tổ phụ trách từ 5 đến 7 hộ gia đình theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo và hộ cận nghèo. Theo đó, người dân được hướng dẫn sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và trồng trọt để giảm sức đầu tư, tăng lợi nhuận. Xã cũng thực hiện các giải pháp hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, như: Triển khai mô hình nuôi heo đen, chăn nuôi bò sinh sản, tặng phương tiện sinh kế cho phụ nữ. Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND huyện, năm 2017, xã đã bóc tách đất cho 7 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất với diện tích 1ha/hộ để trồng keo, chuối, mì, bắp... ; hàng năm xã hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để nhân rộng mô hình sản xuất.
Mô hình chăn nuôi bò giúp nhiều hộ gia đình ở xã Sông Cầu cải thiện cuộc sống. |
Gia đình bà Cao Thị Ri Tiên (thôn Tây Nam) thoát cận nghèo được hơn 3 năm, cuộc sống có phần sung túc hơn trước, gia đình bà đã cất được ngôi nhà cấp 4 khang trang. Trước đó, gia đình bà Tiên thuộc hộ cận nghèo, nhờ vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, bà Tiên đã đầu tư mua và chăn nuôi bò sinh sản. Đến nay, đàn bò của gia đình bà tăng lên 10 con, bà đã trả hết nợ ngân hàng. Hai người con của bà, 1 người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự đi làm ở khu công nghiệp Bình Dương, người con còn lại đang học cấp 3 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú cấp THCS huyện, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi.
Trong căn nhà được xây mới hơn 1 năm, gia đình ông Cao Châu (thôn Tây Nam) quây quần bên mâm cơm vào chiều tối muộn. Ông Châu cho biết, trước kia gia đình ông thuộc hộ nghèo, nguồn thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào việc làm thuê, làm mướn của 2 vợ chồng. Do công việc không ổn định, bữa có bữa không, thu nhập bấp bênh, lại nuôi 4 miệng ăn nên gia đình ông luôn gặp khó khăn. Dưới sự hỗ trợ về nguồn vốn, bò giống... từ các chương trình giảm nghèo, gia đình ông vừa làm rẫy, trồng keo, vừa nuôi bò. “Giờ đây, đời sống gia đình tôi đã có nhiều cải thiện. Con trai lớn tiếp tục học lên cấp 3. Năm ngoái tôi mới xây sửa lại căn nhà cũ”, ông Châu khoe.
Quan tâm công tác giảm nghèo
Năm 2020, xã Sông Cầu có 11 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,23%; đến tháng 11-2024 còn 5 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 1,28%; 16 hộ cận nghèo, đạt 4,08% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025). Hiện nay, Sông Cầu là một trong những xã, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh. Để đạt được kết quả đó, là do cấp uỷ, chính quyền xã Sông Cầu đã thực sự thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhóm giải pháp thiết thực, sáng tạo, hiệu quả.
Theo đó, đi cùng với các giải pháp trên, xã quan tâm công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại xã đạt 81,36% (vượt 16,36% so với nghị quyết đề ra); tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt gần 59%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 50,56 triệu đồng/người/năm, đến năm 2024 tăng lên 61,73 triệu đồng/người/năm..
Theo bà Lê Thị Mỹ Linh, thời gian tới, xã tiếp tục chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, khuyến khích họ quyết tâm, chủ động vượt khó vươn lên. Đồng thời, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ về giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp chặt chẽ các nguồn lực và hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, xã tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng đối với các chính sách giảm nghèo để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn…
C.ĐAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin