22:57, 22/12/2024

Thực hiện tốt công tác lao động, người có công và xã hội 

Những năm qua, cùng với chú trọng phát triển kinh tế, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt các chính sách, giải pháp về lao động, người có công và xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Đào tạo nghề hàn cho lao động thị xã Ninh Hòa.
Đào tạo nghề hàn cho lao động thị xã Ninh Hòa.

Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Thời gian qua, thị xã Ninh Hòa đã thực hiện khảo sát và vận động người dân tham gia học nghề theo nhu cầu và thị trường lao động; phối hợp mở các lớp đào tạo ngay tại các xã, phường nhằm tạo thuận lợi cho người dân tham gia học nghề. Qua đó, đã thực hiện đào tạo nghề cho 5.750 người lao động (NLĐ). Bên cạnh đó, hằng tháng, thị xã chủ động khảo sát nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp; liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để truyền tải thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp đến người dân; tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động ở các xã, phường để người lao động trực tiếp tham gia tìm kiếm việc làm. Từ đó, trong năm 2024, thị xã đã thực hiện tạo việc làm tăng thêm cho hơn 11.500 NLĐ, đạt 359,9% kế hoạch. Ông Trần Luân - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) thị xã Ninh Hòa chia sẻ: “Năm 2024, thị xã còn đưa 149 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, đạt 551,8% kế hoạch. Đa số NLĐ đi các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc nên mức thu nhập cao, đảm bảo các chế độ. Có được kết quả này là nhờ thị xã đã đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động, tạo nguồn và quyết liệt trong áp dụng các chính sách hỗ trợ cho NLĐ”.

Huyện Khánh Sơn đã chú trọng tư vấn, định hướng và vận động người dân tham gia học nghề theo nhu cầu. Qua đó, đã thực hiện đào tạo cho gần 1.000 NLĐ địa phương, tập trung đào tạo các nghề như: Chăm sóc, thu hái sầu riêng; dịch vụ - du lịch; chế biến món ăn; may mặc; xây dựng… Đặc biệt, huyện Khánh Sơn còn liên kết với một số doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh thực hiện đào tạo nghề may gắn với địa chỉ việc làm. Qua đó, đã có gần 200 NLĐ địa phương thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo được doanh nghiệp đưa vào làm việc tại TP. Hồ Chí Minh với mức lương hơn 10 triệu đồng/người/tháng, có nơi ăn ở, đảm bảo các chế độ, phúc lợi. Hằng năm, huyện đều phối hợp với các doanh nghiệp tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm cho người dân; triển khai hiệu quả các chính sách vay vốn giải quyết việc làm… Qua đó, năm 2024, toàn huyện đã tạo việc làm tăng thêm cho 1.180 NLĐ, đạt 337% kế hoạch…

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH, thời gian qua, 8 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các chính sách, giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân. Trong đó, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động và liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 32.800 người, đạt 107,8% kế hoạch. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách tạo việc làm tăng thêm cho hơn 40.400 NLĐ, đạt 237,7% kế hoạch; tuyển chọn, hỗ trợ đưa 396 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Có việc làm, đời sống, thu nhập của người dân được nâng cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Đảm bảo công tác an sinh xã hội

Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, các chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn được các địa phương quan tâm thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Các địa phương còn phân công cán bộ, đảng viên phụ trách theo dõi, kịp thời thăm hỏi, đề xuất hỗ trợ cho gia đình chính sách khi gặp khó khăn. Việc chi trả chế độ hằng tháng cho hơn 5.800 người có công được chuyển dần từ chi tiền mặt sang chi qua tài khoản. Triển khai phong trào đền ơn đáp nghĩa, trong năm 2024, các địa phương đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp cho Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được hơn 3,8 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 42 nhà tình nghĩa cho người có công.

Huyện Khánh Sơn phối hợp tổ chức ngày hội việc làm để kết nối việc làm cho lao động địa phương.
Huyện Khánh Sơn phối hợp tổ chức ngày hội việc làm để kết nối việc làm cho lao động địa phương.

Công tác giảm nghèo trong năm qua tại các địa phương cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Bằng nhiều giải pháp trong áp dụng chính sách về nhà ở, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế…, cùng các dự án, tiểu dự án giảm nghèo được các địa phương thực hiện đã tạo động lực cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Qua khảo sát, trong năm 2024, 8 huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện giảm được 2.680 hộ nghèo và 3.741 hộ cận nghèo. Đặc biệt, 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đáp ứng đủ tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo; TP. Nha Trang không còn hộ nghèo. Công tác bảo trợ xã hội được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy trình đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người yếu thế. Công tác trẻ em, người cao tuổi, phòng, chống tệ nạn xã hội luôn được các địa phương thực hiện tốt…

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH, thời gian tới, công tác lao động, người có công và xã hội tiếp tục được triển khai theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Do đó, các địa phương cần chú trọng nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về chính sách xã hội; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, tập trung phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho NLĐ; xây dựng hệ thống an sinh xã hội đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau; nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng. Cùng với đó, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân…

VĂN GIANG