Chúng tôi theo chân những cựu chiến binh (CCB) ở các tỉnh: Khánh Hòa, Gia Lai, Phú Yên… “hành quân” sang Campuchia qua cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai). Đây là những CCB Quân tình nguyện thuộc các Sư đoàn 307, Sư đoàn 2 (Quân khu V), Mặt trận 579… từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Trưởng đoàn là Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Xáng (CCB Sư đoàn 2 ở Nha Trang), nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: "Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2024), kỷ niệm 45 năm Ngày Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân đội Hoàng gia Campuchia lật đổ chế độ Khơme Đỏ tàn bạo, giải phóng nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng, chúng tôi quyết định tổ chức chuyến thăm lại chiến trường xưa với tâm niệm thắp nén hương tri ân và tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã nằm lại ở chiến trường xưa".
Trung tướng Try Sam Rit, Quân đội Hoàng gia Campuchia cùng cựu chiến binh Võ Công Nghiệp rót nước mời đồng đội dưới Tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam tại tỉnh Stung Treng. |
Khi đoàn vừa đặt chân tới tỉnh Stung Treng (tỉnh kết nghĩa với tỉnh Khánh Hòa), đoàn đã được Trung tướng Try Sam Rit (người từng gắn bó, phối hợp với Quân tình nguyện Việt Nam tham gia chỉ huy chiến đấu nhiều trận tại những điểm cao trọng yếu) ra đón và hướng dẫn trong suốt cuộc “hành hương” trên đất bạn. Đoàn đã tới đền Pread Vihiar - nơi mà CCB Phạm Thành Chung và Võ Công Nghiệp thuộc Trung đoàn 95, Sư đoàn 307 đã từng chiến đấu trong một chiến dịch cực kỳ ác liệt. Trong các điểm cao quân sự ngày ấy, có điểm cao 547 là nơi Đại tá Trương Hồng Anh - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 đã anh dũng hy sinh. Nhớ lại những giây phút đau thương ấy, các CCB đỏ hoe đôi mắt, tay run run nghẹn ngào thắp nén hương tưởng nhớ người thủ trưởng cực kỳ tài giỏi của mình. Đến nghĩa trang liệt sĩ, CCB Phạm Thành Chung hồi tưởng, trong những năm 1979 - 1981, nơi này chỉ có một nghĩa trang chôn cất liệt sĩ (thuộc F.307). Sau này, cuộc chiến càng ngày càng ác liệt, nhất là những năm từ 1982 đến 1986, đồng đội hy sinh nhiều, nghĩa trang này không còn chỗ nên anh em phải mở thêm một nghĩa trang mới. Dù hơn 40 năm đã trôi qua nhưng họ còn nhớ như in chuyện đồng đội Nguyễn Cao Phong đã hy sinh trong chuyến đi công tác thay cho CCB Đặng Nguyên Nhân (hiện ở TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Lúc ấy, chàng trai trẻ Đặng Nguyên Nhân đã đau đớn tiễn đưa đồng đội về nghĩa trang giữa trời mưa lớn mịt mù. Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về, suốt 42 năm qua, vợ chồng ông Đặng Nguyên Nhân đã thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Cao Phong với tấm lòng thành kính, nghĩa cử thiêng liêng của tình đồng đội. Còn CCB Võ Công Nghiệp đã “xin phép” đồng đội lấy một nắm đất nơi có nhiều đồng đội hy sinh, cẩn trọng mang về quê nhà lưu giữ, để mãi nhớ về đồng đội...
Tới địa danh nào cũng vậy, lễ vật đoàn mang sang là những chiếc can nhựa màu vàng đựng nước uống, thứ mà năm xưa, thiếu nó khiến nhiều đồng đội của họ đã phải ra đi trong cơn khát tột cùng. Các CCB nghẹn ngào rải từng giọt nước mát của Tổ quốc xuống nơi chiến địa năm xưa và mời nhau “Nào chúng ta cùng uống, để nhớ về những trận đánh bi hùng của Sư đoàn 307 ngày nào. Ta thắng giặc, nhưng đã phải chịu tổn thất đau xót vì cái mùa khô quái ác không có nước uống!”. Tại Đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam thuộc tỉnh Stung Treng, CCB Phạm Thành Chung và Võ Công Nghiệp lấy ra can nước uống tinh khiết mang từ Việt Nam qua, lần lượt rót vào ly và da diết gọi: “Đồng đội ơi, hãy uống nước đi, nước sạch mình mang từ quê nhà sang đây, uống đi cho đỡ cơn khát… đồng đội ơi!”. CCB Võ Công Nghiệp giải thích: "Ngày ấy, chúng tôi chỉ mới đôi mươi, đầy nhựa sống. Ai cũng nhận thức rõ việc chiến đấu với quân Khơme Đỏ là nhiệm vụ quốc tế cao cả. Tuy nhiên, cuộc chiến quá tàn khốc, nhìn đồng đội bị thương, hy sinh mà lòng bao xót xa. Có những đồng đội ra đi không phải do đạn bom mà là vì đói và đặc biệt là khát nước…
Những ngày trên đất bạn, đoàn luôn được đại diện quân đội và người dân nước bạn nồng nhiệt chào đón với tất cả sự chân thành. Những cái ôm thắm tình hữu nghị, tình bạn bè của người dân địa phương và cả những vị tướng cấp cao thể hiện tấm lòng, tình cảm đặc biệt của người dân Campuchia với nghĩa cử cao đẹp của Quân tình nguyện Việt Nam. Đội quân ấy đã giúp họ tránh khỏi họa diệt chủng của chế độ Pol Pot tàn bạo. Sự hy sinh của các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã góp phần mang lại cho đất nước chùa tháp một nền hòa bình bền vững, một tương lai đầy rộng mở, góp phần tạo dựng mối quan hệ hữu nghị hợp tác của 2 nước Việt Nam - Campuchia mãi bền chặt.
CÔNG THI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin