23:41, 12/12/2024

Đẩy mạnh truyền thông về HIV/AIDS trong trường học

C.ĐAN

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá và bệnh HIV/AIDS trong các trường học.

Lồng ghép truyền thông

Cuối tháng 10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức buổi truyền thông về tác hại của thuốc lá và cách phòng ngừa bệnh HIV cho hơn 1.000 học sinh của Trường THCS Thái Nguyên và Trường THCS Trưng Vương (TP. Nha Trang). Tại buổi truyền thông, học sinh được cập nhật tình hình số người nhiễm HIV/AIDS trong nước và trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các em được truyền thông về những con đường lây nhiễm HIV/AIDS, nhất là ở những nhóm có nguy cơ cao (nam quan hệ đồng giới; người tiêm chích ma túy; người bán dâm…); cách phòng ngừa; hiệu quả trong ngăn ngừa bệnh tiến triển khi điều trị bằng thuốc ARV. Đặc biệt, các em được cập nhật về phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Em Nguyễn Kiên Trung - học sinh của trường cho hay: “Buổi truyền thông giúp em hiểu rõ hơn về bệnh HIV, qua đó không còn sợ hoặc kỳ thị đối với người nhiễm. Đặc biệt, bác sĩ đã hướng dẫn các phương pháp điều trị dự phòng nếu rơi vào tình trạng nguy cơ cao dễ nhiễm bệnh”.

Buổi lồng ghép truyền thông về phòng, chống HIV và tác hại của thuốc lá tại trường học ở TP. Cam Ranh.

Giữa tháng 11, gần 800 học sinh Trường THCS Trần Quang Khải (huyện Diên Khánh) cũng được truyền thông cùng nội dung trên. Em Trần Gia Hân - học sinh của trường chia sẻ: “Trước đó, em cũng có nghe nói về bệnh HIV/AIDS nhưng không chú ý. Khi được truyền thông tại trường, em mới hiểu rõ hơn về con đường lây nhiễm của bệnh, nhất là cách phòng bệnh. Qua đây, em mới biết căn bệnh này tuy chưa có thuốc điều trị nhưng đã có thuốc ức chế được vi rút gây bệnh, người nhiễm bệnh có thể đi làm và sinh hoạt như những người bình thường nếu uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ”.

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay, xu hướng nhiễm HIV đang chuyển dần từ người bán dâm, người nghiện chích ma túy sang nhóm quan hệ tình dục đồng giới. Việc truyền thông tại các trường học giúp học sinh hiểu rõ hơn về căn bệnh này; đồng thời, hướng dẫn các em biết cách truyền thông lại cho người trong gia đình và những người xung quanh cách phòng bệnh hiệu quả. Qua đó, góp phần giảm tình trạng kỳ thị và hạn chế số ca mắc mới trong cộng đồng.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Những năm qua, thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tư vấn, xét nghiệm HIV, điều trị nghiện các chất gây nghiện bằng methadone, truyền thông, dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con… Đặc biệt, năm 2020, với sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam”, Khánh Hòa đã triển khai chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho các đối tượng nguy cơ cao (nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người tiêm chích ma túy, người bán dâm, bạn tình khác giới của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV...).

Đây là phương pháp sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) để dự phòng lây nhiễm ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzyme - là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao vi rút mới). Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục lên đến trên 90% và tiêm chích ma túy 70%. Qua gần 4 năm triển khai, với tỷ lệ dự phòng đạt hơn 90%, hiện nay tại Khánh Hòa có gần 300 người đã và đang tham gia điều trị PrEP. Trong đó, chiếm hơn 70% là nhóm nam có quan hệ đồng giới, còn lại là nhóm có bạn tình nhiễm HIV, người tiêm chích ma túy, người bán dâm... Bác sĩ Tôn Thất Toàn khẳng định: “Hiện nay, PrEP được xem là một trong những “vũ khí” tối ưu trong điều trị dự phòng lây nhiễm HIV, là chiến lược then chốt mang tính đột phá trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm HIV cho các nhóm có nguy cơ cao”.

Mặc dù ngành Y tế tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tuy nhiên, 11 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 106 người nhiễm HIV mới (tăng 5% so với cùng kỳ). Vì thế, để hạn chế số ca nhiễm HIV mới, hướng tới loại trừ bệnh AIDS vào năm 2030, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.

C.ĐAN