Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12-2-2020, UBND tỉnh Khánh Hòa có Quyết định số 362 về việc ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Qua hơn 5 năm thực hiện, các sở, ban, ngành và các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh đã và đang có những hành động kịp thời, mô hình hiệu quả để quản lý rác thải nhựa đại dương.
Những việc làm thiết thực
Thời gian qua, tình hình quản lý rác thải trên các đảo vịnh Nha Trang được kiểm soát tốt. Rác phát sinh từ sinh hoạt của người dân trên các tổ dân phố ở Trí Nguyên, Bích Đầm, Vũng Ngán và từ các khu du lịch trên các đảo, lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà hàng trên vịnh Nha Trang được Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang thu gom, vận chuyển về đất liền xử lý với lượng rác thu gom trung bình 7 tấn/ngày. Ông Đàm Hải Vân - Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang cho biết, để có được kết quả đó, những năm qua, tỉnh, thành phố đã tăng cường hợp tác, phối hợp với Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam triển khai chương trình giám sát rác thải nhựa bãi biển vịnh Nha Trang, chương trình giảm rác thải nhựa trên biển dựa vào cộng đồng tại Nha Trang. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện một số hoạt động của dự án thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền về bảo vệ môi trường, giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần và đa dạng sinh học cho người dân Tổ dân phố Bích Đầm, học sinh trên đảo Trí Nguyên.
Hoạt động làm sạch bãi biển với thông điệp “Lan tỏa tình yêu biển đảo” tại Hòn Đỏ (TP. Nha Trang), trong khuôn khổ Giải Nha Trang Night Run Sanvinest - Báo Khánh Hòa 2024. Ảnh: CÔNG ĐỊNH |
Ông Hoàng Anh Hào - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Biển và Hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2023, các cấp ngành, tổ chức chính trị xã hội, lực lượng biên phòng… trên địa bàn tỉnh đã triển khai hơn 302 đợt ra quân thu gom rác thải, làm sạch hơn 1.021km bờ biển; thu gom được gần 4.000 tấn rác các loại; trồng mới 3.095 cây cảnh, cây xanh bóng mát và hơn 6.000 cây đước tại khu vực ven biển… Tiêu biểu như hội phụ nữ các cấp thực hiện chương trình đổi rác thải nhựa lấy quà, khẩu trang y tế, xà phòng rửa tay diệt khuẩn (đã đổi 55 phần quà, 500kg xà phòng, 500 khẩu trang y tế; thu gom 410kg giấy vụn, gần 300kg chai nhựa); xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) cùng với Đồn Biên phòng Đầm Môn đã triển khai mô hình xã hội hóa thu gom rác thải trên biển…
Đối với các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch từ 4 đến 5 sao trên địa bàn tỉnh đã dần thay thế những sản phẩm nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường như: Ống hút giấy, ly giấy, chai nước thủy tinh để phục vụ khách du lịch.
Tiếp tục giữ gìn môi trường biển
Ông Vũ Ngọc Huân - Phó Trưởng phòng TN-MT TP. Nha Trang cho biết, trong công tác bảo vệ môi trường biển, bên cạnh kết quả đáng khích lệ, thành phố vẫn còn những khó khăn như: Công tác tuyên truyền, vận động của một số địa phương chưa đạt hiệu quả cao, chưa tiếp cận được 100% dân cư; hành vi ứng xử với môi trường của một bộ phận dân cư vẫn chưa được cải thiện, vẫn còn tình trạng bỏ rác bừa bãi; các nguồn thải từ đất liền chưa được kiểm soát tốt; rác thải nhựa phát sinh từ hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản, du lịch còn nhiều. Do đó, hiện nay, thành phố đang tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, phường ven biển và các đơn vị liên quan tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm về môi trường; tập trung triển khai các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của rác thải nhựa tác động đến môi trường vịnh Nha Trang trong các lĩnh vực dịch vụ du lịch trên biển và nuôi trồng, khai thác thủy sản…
Rác thải được thu gom ở Tổ dân phố Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên). |
Theo ông Cung Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở Du lịch, một trong những định hướng phát triển của du lịch Việt Nam là "Môi trường vệ sinh, sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn”. Để thực hiện mục tiêu này, sở đã và đang thực hiện một số giải pháp như: Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng cơ sở kinh doanh du lịch xanh, điểm đến du lịch và triển khai dán nhãn xanh cho các cơ sở kinh doanh du lịch; nâng cao nhận thức cộng đồng về rác thải nhựa; thay thế sản phẩm nhựa bằng các vật liệu thân thiện với môi trường; ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý, đầu tư vào các thiết bị và công nghệ tái chế rác thải nhựa tiên tiến giúp chuyển hóa rác thải nhựa thành nguyên liệu hoặc sản phẩm hữu ích khác…
Ông NGUYỄN MINH THƯ - Phó Giám đốc Sở TN-MT: Quyết định số 362 của UBND tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; giảm thiểu 100% rác thải nhựa đối với khu bảo tồn biển trên địa bàn tỉnh… Để đạt được điều đó, cần sự chung tay cùng hành động của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và từng người dân.
THÁI THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin