21:13, 01/12/2024

Cam Lâm: Phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác giảm nghèo

CHÂU TƯỜNG

Thời gian qua, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở huyện Cam Lâm đã trở thành cầu nối đưa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào ở địa phương, nhất là trong công tác giảm nghèo.

Già làng Mấu Thiện (bìa phải) đến nhà người dân để tuyên truyền.

Hiện nay, huyện Cam Lâm có 1.670 hộ ĐBDTTS với 7.241 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào Raglai, tập trung chủ yếu ở các xã: Sơn Tân, Suối Cát, Cam Phước Tây, Suối Tân, Cam Hòa. Hiện nay, huyện Cam Lâm có 6 người có uy tín được UBND huyện công nhận, trong đó xã Sơn Tân có 2 người, xã Suối Cát có 3 người, xã Cam Phước Tây có 1 người. Thành phần người có uy tín gồm: Già làng, trưởng bản, cán bộ hưu trí, người sản xuất giỏi, trong đó có 4 đảng viên. 

Thời gian qua, người có uy tín, già làng, trưởng bản trong ĐBDTTS là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước và vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điển hình như già làng Mấu Thiện (sinh năm 1958, ở thôn Suối Cốc, xã Sơn Tân). Từng trải qua nhiều cương vị công tác ở địa phương như: Kế toán, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Tân, ông Thiện hiểu rõ tình hình của người dân địa phương. Sau khi nghỉ hưu, ông được người dân tín nhiệm, lựa chọn là người có uy tín trong cộng đồng. Những năm qua, ông luôn vận động người dân chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn an ninh trật tự trong làng xóm. Ông là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương. Hiện nay, gia đình ông trồng 2ha điều, 4ha xoài và chăn nuôi thêm bò nên kinh tế ổn định, mỗi năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Từ đó, có điều kiện để xây dựng nhà cửa khang trang và lo cho các con. “Để nói người dân nghe và làm theo thì bản thân mình phải gương mẫu, đi đầu trong sinh hoạt cũng như phát triển kinh tế”, ông Mấu Thiện chia sẻ. Là một tuyên truyền viên đặc biệt, ông luôn cập nhật và nắm bắt các chủ trương, chính sách để thông tin lại cho người dân trong các cuộc họp ở thôn hoặc đến từng nhà tuyên truyền. Ông còn phối hợp với công an khu vực kiểm tra những vụ việc xảy ra ở địa phương; vận động người dân không la cà rượu chè; phòng ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…

Già làng Mang Đăng A (bên phải) tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế gia đình.

Trước đây, gia đình già làng Mang Đăng A (sinh năm 1950, thôn Suối Lau 1, xã Suối Cát) thuộc diện hộ nghèo. Sau đó, nhờ chuyển đổi cây trồng và chăm chỉ làm ăn, gia đình đã thoát nghèo vào năm 2023. Hiện nay, trên diện tích 2ha đất rẫy, gia đình ông trồng 600 gốc chuối, 200 gốc xoài cho thu nhập ổn định. Sau khi thoát nghèo, ông luôn động viên, khuyên nhủ người dân cố gắng làm ăn, tăng thu nhập để thoát nghèo. Là “cầu nối” giữa ý Đảng và lòng dân, ông thường xuyên vận động người dân phải vươn lên trong cuộc sống, không trông chờ, ỷ lại vào người khác. Ông vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế; từng bước xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu… Nhờ đó, góp phần giảm bớt tình trạng sa đà vào rượu chè của người dân; thanh niên chấp hành tốt việc thực hiện nghĩa vụ quân sự; tình hình an ninh trật tự ở địa phương được bảo đảm; đời sống người dân nâng lên, góp phần giảm tỷ hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương. Cuối năm 2023, thôn Suối Lau 1 có 8 hộ nghèo, 71 hộ cận nghèo; đến cuối năm 2024 trong thôn không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm chỉ còn 18 hộ.

Ông Nguyễn Trọng Khương - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Cam Lâm cho biết, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã tuyên truyền, vận động và giúp đỡ ĐBDTTS phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Cùng với nỗ lực của địa phương, những chính sách hỗ trợ của các cấp và sự góp sức của các già làng, trưởng bản trong công tác tuyên truyền đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS. Cụ thể, cuối năm 2023, toàn huyện có 75 hộ nghèo ĐBDTTS, đến cuối năm 2024 chỉ còn 12 hộ nghèo. Thu nhập bình quân của người DTTS tăng từ 28 triệu đồng lên 30 triệu đồng/năm. Để phát huy vai trò quan trọng của đội ngũ người có uy tín trong ĐBDTTS, hằng năm, các cơ quan, ban, ngành trong huyện đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, cung cấp thông tin và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong ĐBDTTS.

CHÂU TƯỜNG