Cam Lâm:
Chú trọng đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian qua, huyện Cam Lâm đã triển khai các chương trình, chính sách để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia học nghề. Từ đó, giúp đồng bào tìm kiếm được việc làm phù hợp, cải thiện thu nhập.
Đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Suối Cát tham gia học nghề xây dựng. |
Giữa tháng 6-2024, ông Mang Hùng (sinh năm 1987, thôn Suối Lau 1, xã Suối Cát) được học lớp xây dựng do Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Cam Lâm phối hợp với Trường Trung cấp Du lịch - Kỹ thuật Cam Ranh tổ chức. Trong 3 tháng, 30 học viên của lớp tham gia học 4 ngày/tuần. Tham gia khóa học, ông được hướng dẫn về vật liệu xây dựng, trộn bê tông, cách lấy gạch xây, xây tường, trát tường, kỹ thuật xây dựng, xây trụ… Ông cùng các học viên được cầm tay chỉ việc và thực hành xây dựng thực tế sau thời gian học lý thuyết. Ngoài miễn học phí, chi phí nguyên, vật liệu thực hành, các học viên còn được hỗ trợ tiền ăn trưa, chi phí đi lại hơn 1 triệu đồng trong thời gian học. Với những kiến thức được trang bị, sau khi học xong, ông đã xin làm việc tại các công trình trong tỉnh với mức thu nhập 400.000 đồng/ngày. Những ngày không có việc, ông dành thời gian chăm sóc rẫy xoài rộng 1,5ha với 300 gốc xoài, 500 gốc chuối. Ông Hùng chia sẻ: “Nhờ được hỗ trợ học nghề mà tôi có thêm nghề để làm, có thêm thu nhập để trang trải sinh hoạt hàng ngày. Sau khi học xong, cứ có công việc mọi người lại gọi nhau đi làm”. Theo bà Nguyễn Thị Yến – Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát, trong năm 2024, tại địa phương đã tổ chức 2 lớp đào tạo nghề xây dựng, nghề hàn cho 60 người đồng bào DTTS và có 44 người được cấp chứng chỉ nghề. Trước đó, xã đã phối hợp tổ chức đào tạo nghề may, trồng cây ăn quả, chăm sóc cây, ghép cây... Sau khi học xong, các học viên được cấp chứng chỉ nghề, có thể xin việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, những học viên học các nghề: Xây dựng, hàn, may có việc làm ổn định với thu nhập từ 4,5 – 5 triệu đồng/tháng. Từ đó, đời sống của đồng bào DTTS ở địa phương dần ổn định, đời sống được nâng lên.
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Suối Cát được cấp chứng chỉ nghề sau khi hoàn thành khóa học. |
Còn ông Mang Lý (sinh năm 1966, thôn Suối Cốc, xã Sơn Tân) vừa được đào tạo kỹ thuật chăn nuôi heo đen sinh sản vào tháng 6-2024. Trong 3 tháng học nghề, ông được hướng dẫn cách nuôi heo, nhận biết heo bị bệnh, tiêm phòng, các loại thức ăn, chăm sóc heo đúng cách, vệ sinh chuồng trại … Trước đây, ông chỉ nuôi heo theo kinh nghiệm nhưng sau khi tham gia khóa học, ông biết thêm nhiều kiến thức mới để chăn nuôi đạt hiệu quả hơn. Là gia đình khó khăn ở địa phương nên sau khi học nghề, ông được hỗ trợ 5 con heo rừng lai thương phẩm làm phương tiện sinh kế. Với những kỹ thuật đã học, ông áp dụng vào chăm sóc đàn heo để tăng thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, địa phương cũng vừa phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, Trường Trung cấp Du lịch – Kỹ thuật Cam Ranh tổ chức lớp học nghề nấu ăn cho 30 học viên. Tại đây, các học viên được học lý thuyết và thực hành nấu các món như: Gà nấu lá é, bò kho, súp, các loại gỏi, các món tráng miệng, chè… và cắt tỉa rau, củ, quả. Sau khi học xong, các học viên có chứng chỉ nghề có thể đi làm tại các quán ăn, nhà hàng. Bà Cao Thị Thanh Hậu (sinh năm 1993, thôn Va Ly, xã Sơn Tân) cho biết, sau khi được chỉ dạy cách nấu các món ăn ngon, bà dự định mở quán bán hàng ăn để kiếm thêm thu nhập. Trong khi đó, tại xã Cam Phước Tây, thực hiện Tiểu dự án 3: Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi, năm 2024, xã đã phối hợp với các đơn vị mở 2 lớp nghề xây dựng và trồng cây ăn quả cho 57 học viên.
Các học viên tham gia học nghề may. |
Sau khi được đào tạo nghề kỹ thuật chăn nuôi heo đen sinh sản, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Sơn Tân đã áp dụng vào chăn nuôi. |
Bà Hồ Thị Thủy - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết, thời gian qua, lồng ghép thực hiện 3 chương trình: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, phòng đã phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho đồng bào DTTS. Riêng trong năm 2024, phòng đã phối hợp tổ chức 12 lớp đào tạo các nghề: Chăn nuôi heo, xây dựng, hàn, trồng cây ăn quả, nấu ăn, chăn nuôi bò, pha chế đồ uống, xoa bóp ấn huyệt, nghệ thuật cắm hoa… Sau khi học nghề, bà con có thêm kiến thức, kỹ năng cơ bản để tìm kiếm việc làm mới hoặc tự tạo việc làm tại chỗ để có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo. Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con, thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS.
CHÂU TƯỜNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin