06:09, 11/10/2024

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ IV:
Quan tâm toàn diện các mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 11-10, tại TP. Nha Trang, hơn 200 đại biểu chính thức và 100 khách mời cùng tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Khánh Hòa lần thứ IV - năm 2024. Nhân dịp này, phóng viên Báo Khánh Hòa đã ghi nhận ý kiến của một số người dân, lãnh đạo địa phương kỳ vọng gửi đến đại hội.

* Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh:

Tiếp tục quan tâm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số

Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh.
Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh.

Trong thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh nói riêng và các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh nói chung đã dành sự quan tâm đến việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS. Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế làm cho một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang dần bị mai một.

Để phát huy hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, tôi mong muốn Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần này sẽ góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và nâng cao trách nhiệm chỉ đạo, triển khai của các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan liên quan về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào DTTS. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các DTTS gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và giai đoạn tiếp theo. Giữ gìn truyền thống văn hóa trong gia đình, đặc biệt là gia đình các hộ người đồng bào DTTS, tạo điều kiện cho quần chúng tiếp nhận thông tin về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền cho đồng bào các DTTS về lòng tự hào, trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của dân tộc mình. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá, giới thiệu những giá trị di sản văn hóa, các loại hình văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS để thu hút khách du lịch…

GIANG ĐÌNH (GHI)

* Anh Bá Kiệt - dân tộc Chăm, công tác tại Nhà Thiếu nhi tỉnh:

Thúc đẩy thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khởi nghiệp, lập nghiệp

Anh Bá Kiệt - dân tộc Chăm, công tác tại Nhà Thiếu nhi tỉnh.
Anh Bá Kiệt - dân tộc Chăm, công tác tại Nhà Thiếu nhi tỉnh.

Những năm qua, các chương trình mục tiêu quốc gia đã đầu tư cho thanh niên đồng bào dân tộc DTTS khởi nghiệp bằng nhiều mô hình sinh kế mới. Điều đó, không chỉ giúp đồng bào DTTS có thêm thu nhập mà còn giải quyết vấn đề lao động tại địa phương. Bước đầu, những mô hình này đều mang lại tín hiệu tích cực, thanh niên vùng đồng bào DTTS có thêm động lực làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Tham gia đại hội với cương vị là một đoàn viên trẻ tiêu biểu, tôi kỳ vọng đại hội sẽ bàn bạc, thảo luận để có những giải pháp phù hợp với thực tiễn trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên vùng đồng bào DTTS và miền núi khởi nghiệp, lập nghiệp bằng sự cần cù, vượt khó vươn lên. Cùng với đó, tôi cũng mong muốn thanh niên DTTS được trang bị các kỹ năng cần thiết cho thế hệ trẻ thời đại 4.0. 

MÃ PHƯƠNG (GHI)

* Ông Y Prốk - Già làng người Ê đê ở thôn Buôn Đung, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa:

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống

Ông Y Prốk - Già làng người Ê đê ở thôn Buôn Đung, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa.
Ông Y Prốk - Già làng người Ê đê ở thôn Buôn Đung, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa.

Thời gian qua, tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đường giao thông trong các buôn làng, đường vào khu sản xuất đã được bê tông toàn bộ; hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào DTTS giảm dần theo từng năm. Đồng bào DTTS được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế hộ; triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội… Qua đó, đã từng bước nâng cao đời sống cho người dân các DTTS trên địa bàn xã Ninh Tây. Văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS cũng được gìn giữ và phát huy. Như ở Buôn Đung chúng tôi, lễ hội cúng bến nước của người Ê đê hàng năm được tổ chức rất bài bản, bắt đầu thu hút được người dân, du khách tham gia trải nghiệm…

So với trước đây, cuộc sống của đồng bào DTTS trong buôn, trong xã đã tốt hơn rất nhiều, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm nhanh. Thế nhưng, đời sống của bà con, nhất là các hộ mới thoát nghèo vẫn còn rất nhiều khó khăn, bấp bênh. Do đó, tôi mong muốn tỉnh tiếp tục duy trì các chương trình, dự án đầu tư hiệu quả cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhất là hoàn thiện về điện, đường, trường, trạm; hỗ trợ vốn, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả cho người dân, nhất là các hộ mới thoát nghèo để tạo sức bật cho họ vươn lên, có cuộc sống khá giả hơn. Bên cạnh các chính sách an sinh xã hội dành cho đồng bào DTTS, tôi mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn…

HẢI LĂNG (GHI)

* Ông Cao Thanh Hải - thôn Ko Róa, xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn:

Hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp bền vững

Ông Cao Thanh Hải (thôn Ko Róa, xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn):
Ông Cao Thanh Hải - thôn Ko Róa, xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn.

Trong quá trình nỗ lực thoát nghèo, gia đình tôi đã nhận được nhiều sự hỗ trợ thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới… Nhờ đó, đời sống kinh tế gia đình từng bước ổn định, làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động sản xuất của bản thân, tôi thấy vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững. Chính vì thế, nhân dịp đại hội lần này, tôi mong muốn các đại biểu sẽ quan tâm hơn đến việc xây dựng nền nông nghiệp bền vững ở các vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, trong đó có huyện Khánh Sơn. Bởi chúng ta có canh tác nông nghiệp bền vững, mới đảm bảo mức thu nhập cho nông dân; góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; không gây ra các tác động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trong tương lai. Bên cạnh đó, tôi cũng mong đại hội quan tâm đến những giải pháp để đảm bảo việc tiêu thụ nông sản ổn định cho người dân.

HỒNG ĐĂNG (GHI)