20:44, 24/10/2024

Quản lý các trung tâm ngoại ngữ: Cần sự phối hợp của địa phương

H.NGÂN

Thời gian qua, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ được cấp phép trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã dần đi vào nền nếp, song vẫn còn tồn tại những cơ sở hoạt động khi chưa được cấp phép.

Trung tâm được cấp phép: Hoạt động dần đi vào nền nếp

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tính đến đầu năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 59 trung tâm ngoại ngữ do Sở GD-ĐT quản lý gồm: 1 trung tâm ngoại ngữ - tin học, 58 trung tâm ngoại ngữ (trong đó 2 trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài), với hơn 6.000 học viên, chủ yếu theo học tiếng Anh với nhiều chương trình, trình độ khác nhau. Các trung tâm này đã hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ xin cấp phép thành lập và tổ chức hoạt động. Có 407 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia quản lý, giảng dạy, trình độ từ cao đẳng đến đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm hoặc có chứng chỉ sư phạm do các trung tâm tự tuyển chọn và ký kết hợp đồng. Hầu hết các trung tâm thực hiện tốt thủ tục, hồ sơ và ký kết hợp đồng lao động theo đúng quy định hiện hành, đặc biệt là đối với giáo viên người nước ngoài.

Học viên theo học tại một trung tâm ngoại ngữ đã được cấp phép hoạt động.
Học viên theo học tại một trung tâm ngoại ngữ đã được cấp phép hoạt động.

Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, các trung tâm ngoại ngữ đã chủ động xây dựng và đăng ký với sở về chương trình đào tạo ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên, đảm bảo chuẩn kiến thức giúp học viên tham dự các kỳ kiểm tra cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia, chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam, Khung trình độ chung châu Âu (CEF). Ngoài ra, các trung tâm còn xây dựng những chương trình tiếng Anh giao tiếp phù hợp với thực tế cho học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau từ thiếu nhi đến người lớn tuổi. Hàng năm, Sở GD-ĐT đều có kế hoạch thanh tra, kiểm tra các trung tâm và phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố để quản lý. Việc tổ chức hoạt động đối với các trung tâm ngoại ngữ được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đã dần đi vào nền nếp.

Vẫn còn tồn tại trung tâm chưa được cấp phép

Tuy nhiên, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ cũng có những bất cập, hạn chế. Nhiều trung tâm đi thuê cơ sở dưới dạng nhà ở và được cải tạo lại nên có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được việc mở rộng quy mô học viên theo học khi số lớp được tăng lên. Một số giám đốc trung tâm chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý giáo dục nên thiếu kinh nghiệm hoặc chưa đầu tư nâng cao trình độ quản lý, chưa quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức hoạt động. Theo ông Lê Đình Thuần, Sở GD-ĐT có chức năng quản lý nhà nước đối với các trung tâm ngoại ngữ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, nhưng đối với chương trình giảng dạy của các trung tâm, Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra khung chương trình chứ không bắt buộc về giáo trình, dẫn đến việc quản lý và đánh giá chất lượng giảng dạy của các trung tâm tương đối khó khăn. Phần lớn các trung tâm ngoại ngữ đều không cam kết chuẩn đầu ra của học viên.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại một số trung tâm ngoại ngữ tự ý đặt tên, treo bảng quảng cáo và tổ chức giảng dạy dù chưa được cấp phép thành lập và hoạt động. Trong khi đó, hiện nay, nhiều nghị định, quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục chưa có điều khoản về xử phạt trung tâm ngoại ngữ chưa được cấp phép; Sở GD-ĐT không có thẩm quyền tiến hành các cuộc kiểm tra định kỳ hay đột xuất các cơ sở chưa được cấp phép khi có phản ánh từ dư luận. Việc kiểm tra các cơ sở này do UBND các xã, phường thực hiện.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, để quản lý tốt hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương. Sở đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo cho UBND các xã, phường, thị trấn danh sách những trung tâm ngoại ngữ đã được cấp có thẩm quyền thành lập và cho phép hoạt động. Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, kiểm tra việc tổ chức, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn.

H.NGÂN