22:05, 09/10/2024

Nâng cao sự hài lòng của người dân 

NAM DU

Nhìn lại 10 năm triển khai Quy chế khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, kết quả tổng hợp chung cho thấy chỉ số mức độ hài lòng trung bình của 10 khối cơ quan hành chính, đơn vị cung cấp dịch vụ hành chính công giai đoạn 2014 - 2023 có xu hướng tăng qua các năm, chỉ riêng năm 2016 có chỉ số giảm so với năm 2015. Đặc biệt, chỉ số mức độ hài lòng tăng mạnh ở các năm 2018 và 2023. Cụ thể, năm 2018 đạt 80,6% (mục tiêu đề ra 78%), tăng 4,17%; năm 2023 đạt 85,71% (mục tiêu đề ra 84,01%), tăng 3,73%. Điểm đáng chú ý, đây là những năm liền kề sau khi Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 12 ngày 31-3-2017 tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 91 ngày 18-10-2022 về tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước cũng như các văn bản triển khai của UBND tỉnh. Điều này cho thấy sự quyết tâm và sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh đối với công tác CCHC; các cơ quan, đơn vị, địa phương có giải pháp đồng bộ thực hiện tốt công tác CCHC nói chung, nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số cơ quan, đơn vị có kết quả chỉ số mức độ hài lòng chuyển biến chậm; một số tiêu chí thành phần chưa được khách hàng đánh giá cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của tổ chức, cá nhân; còn ghi nhận một số ít trường hợp phản ánh về thái độ phục vụ, giao tiếp ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức… đã ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chỉ số mức độ hài lòng. Những hạn chế, thiếu sót làm cho khách hàng chưa hài lòng phải được khắc phục ngay để cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu CCHC đã đề ra.

Kết quả chỉ số mức độ hài lòng là 1 trong 3 nội dung quan trọng để xác định chỉ số CCHC hàng năm của các sở, ngành, đơn vị, địa phương. Kết quả đánh giá của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước là một trong những kênh thông tin, dữ liệu quan trọng để phục vụ tốt hơn cho công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương, đặc biệt là đổi mới, cải cách dịch vụ hành chính công, nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng lấy người dân làm trung tâm. Để thực hiện mục tiêu phấn đấu đạt mức độ hài lòng tối thiểu 90% vào năm 2025 và tối thiểu 95% vào năm 2030, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh CCHC, trong đó tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong CCHC, tăng cường đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, đổi mới phương thức phục vụ khách hàng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tiếp tục quán triệt quan điểm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, “sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan, đơn vị”; tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi và mang lại sự hài lòng cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến và tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để phục vụ giải quyết dịch vụ công trực tuyến toàn trình; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm và văn hóa công vụ, đặc biệt là các vị trí thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp; chủ động thiết lập, công khai và nâng cao chất lượng các đường dây nóng, kênh thông tin trực tuyến để kịp thời hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dịch vụ công. Những điều đó nhằm hướng tới nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ hành chính.

NAM DU