21:42, 08/10/2024

Nâng cao kiến thức làm mẹ an toàn cho phụ nữ

C.ĐAN 

Hưởng ứng Tuần lễ làm mẹ an toàn năm 2024 (từ ngày 1 đến 7-10), các địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đồng loạt triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong đó, có nhiều hoạt động tập trung nâng cao kiến thức làm mẹ an toàn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).

Triển khai nhiều hoạt động truyền thông

Hưởng ứng Tuần lễ làm mẹ an toàn, cùng với việc chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho sản phụ và trẻ sơ sinh, đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh còn tích cực đẩy mạnh truyền thông cách làm mẹ an toàn, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ 6 tháng đầu đời cho các bà mẹ, phụ nữ mang thai; cách chăm sóc SKSS trước khi kết hôn, khi muốn mang thai cho những bệnh nhân trong độ tuổi sinh sản tới khám bệnh…

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh hướng dẫn sản phụ cách cho con bú sữa mẹ.

Sinh con đầu lòng được 5 ngày tuổi, sản phụ Cà Thị Quỳnh (18 tuổi, xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh) được đội ngũ y, bác sĩ Khoa Ngoại sản của trung tâm hướng dẫn tỉ mỉ cách cho con bú đúng, cách chăm con những ngày đầu đời. Sản phụ Quỳnh chia sẻ, em kết hôn và mang thai ở độ tuổi còn khá trẻ, nên từ lúc mang thai đến khi sinh con, em luôn được cán bộ y tế tại địa phương tư vấn những kiến thức sinh sản cần thiết và đều đặn khám thai định kỳ tại trạm y tế. Những ngày đi sinh tại Trung tâm Y tế huyện, em được các bác sĩ, điều dưỡng ở đây hướng dẫn các kỹ năng, kiến thức trong việc chăm con; chồng em được hướng dẫn chăm sóc vợ và con sau sinh nên em thấy rất an tâm.

Mới đây, Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh phối hợp với xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh) tổ chức đợt truyền thông hưởng ứng Tuần lễ làm mẹ an toàn với chủ đề "Khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế để an toàn cho mẹ, mạnh khỏe cho con". Tại chương trình, hơn 100 đoàn viên, thanh niên, các sản phụ, cặp vợ chồng đang nuôi con nhỏ, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trên địa bàn huyện được truyền thông một số kiến thức về mang thai, những biến chứng khi sinh tại nhà; những tai biến trong và sau sinh; cách chăm sóc, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ... Sản phụ Cao Thị Gĩm (thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam) cho biết: “Tôi mang thai được 7 tháng. Trong quá trình mang thai, tôi thường xuyên tới trạm y tế để được thăm khám. Tham dự buổi truyền thông, tôi có thêm nhiều kiến thức trong cách chăm sóc con và mẹ sau sinh”.

Vẫn còn sự chênh lệch giữa miền núi và đồng bằng

Thời gian qua, được sự quan tâm của các ngành, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, SKSS trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả ghi nhận. Các chỉ số về công tác này tại Khánh Hòa đạt khá cao so với nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tuy vậy, theo bác sĩ Trịnh Ngọc Hiệp - Phó Giám đốc Sở Y tế, vẫn còn có sự khác biệt, chênh lệch gấp 2 đến 3 lần giữa vùng núi, vùng ĐBDTTS so với vùng thành thị, đồng bằng về tỷ lệ trẻ tử vong, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau sinh của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản còn hạn chế; việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, trẻ em cũng bị ảnh hưởng bởi những phong tục tập quán lạc hậu; tình trạng phụ nữ có thai không đi khám thai, sinh tại nhà vẫn còn. Cùng với đó, trình độ, nhân lực đội ngũ cán bộ y tế làm công tác chăm sóc SKSS tại vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, việc nâng cao kiến thức về làm mẹ an toàn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS là nội dung quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh hướng dẫn cho sản phụ cách chăm sóc trẻ sơ sinh.

Bà Lê Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nam chia sẻ: “Toàn xã hiện có 35 bà mẹ mang thai. Tất cả sản phụ đều được cán bộ trạm y tế vận động và hướng dẫn tới khám thai định kỳ tại trạm. Tuy được tuyên truyền nhưng do kinh tế và nhiều yếu tố, chỉ có 50% bà mẹ thực hiện cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Hiện nay, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở xã ở mức 16,5%, nằm trong mặt bằng chung của huyện nhưng so với vùng thành thị vẫn cao gấp 2 lần”.

Bác sĩ Trịnh Ngọc Hiệp cho biết, cùng với hoạt động trên, thực hiện chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, ngành Y tế tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các bữa ăn mẫu, chương trình 1.000 ngày đầu đời cho trẻ ở tất cả các địa phương, nhất là 2 huyện miền núi. Cùng với đó, Đề án sữa học đường tại huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh giai đoạn 2024 - 2030 đã được HĐND tỉnh phê duyệt; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng tiếp tục cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ… Qua đó, góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ suy sinh dưỡng dưới 5 tuổi ở tỉnh nói chung, 2 huyện miền núi nói riêng trong thời gian tới.

6 tháng năm 2024, một số chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em ở tỉnh đạt cao: Tỷ lệ phụ nữ khám thai 4 lần vào 3 thời kỳ thai nghén đạt 95,3%; tỷ lệ phụ nữ sinh được cán bộ y tế qua đào tạo đỡ đạt 99,7%; tỷ lệ phụ nữ sinh tại cơ sở y tế đạt 99,4%; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh đạt 84%.

C.ĐAN