Năm 2024, chủ đề hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam là “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động hội”. Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn bà Phan Thị Hòa Bình - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh về hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong thu hút, tập hợp hội viên tham gia tổ chức hội.
Bà Phan Thị Hòa Bình - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh |
- Xin bà cho biết, đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã triển khai thực hiện và đạt được kết quả như thế nào khi ứng dụng CNTT trong thu hút, tập hợp hội viên tham gia tổ chức hội?
- Bám sát chủ đề năm 2024, Hội LHPN tỉnh tập trung triển khai tổ chức các hoạt động “Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động hội” gắn với khâu đột phá “Đồng hành xây dựng chi hội, tổ phụ nữ vững mạnh” đến các cấp hội. Trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh đã phát triển thêm 1.791 hội viên mới, nâng tổng số lên 265.753 hội viên. Đến nay, toàn tỉnh có 396 chi hội phụ nữ mẫu/894 chi hội phụ nữ, 191 chi hội phụ nữ mẫu xuất sắc tiêu biểu/396 chi hội phụ nữ mẫu. Hiện nay, 139/139 cơ sở hội tập hợp bình quân từ 67,5% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức hội; không có cơ sở hội có tỷ lệ tập hợp hội viên dưới 60%.
Để đạt được kết quả nói trên, các cấp hội đã chú trọng đến việc xây dựng những mô hình hoạt động mới, đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt nhằm thu hút nữ giới tham gia sinh hoạt hội. Trong đó, việc thành lập các mô hình: “Tập hợp phụ nữ tham gia sinh hoạt hội trên không gian mạng”, “Thu hút hội viên trên không gian mạng”… đã mang lại nhiều hiệu quả. Các cơ sở hội đã thành lập nhiều nhóm hoạt động trên nền tảng mạng xã hội như: Fanpage, Facebook, Zalo để những chị em không có điều kiện đi sinh hoạt trực tiếp vẫn có thể tham gia tổ chức hội. Thông qua các ứng dụng đó, hội viên giao lưu, chia sẻ và lan tỏa những giá trị cuộc sống. Đồng thời, các cấp hội có thể kịp thời cung cấp những nội dung cần thiết đến hội viên một cách nhanh chóng, chính xác.
Bên cạnh đó, các cấp hội đã ứng dụng CNTT làm phong phú hơn chương trình, hoạt động ở cơ sở để thu hút nhiều phụ nữ tham gia. Các cuộc thi bằng hình thức trực tuyến đã nhận được sự tham gia của đông đảo hội viên. Các cấp hội còn thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng ứng dụng CNTT, sử dụng mạng xã hội trong công tác hội cho cán bộ phụ nữ, chi hội trưởng. Đến nay, 100% cán bộ chuyên trách các cấp trong tỉnh sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác hội.
- Thời gian qua, các cấp hội đã triển khai hoạt động hỗ trợ phụ nữ ứng dụng CNTT trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Xin bà cho biết hiệu quả mang lại từ những hoạt động này?
- Thời gian qua, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, các cấp hội trong tỉnh không chỉ hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh mà còn tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm do phụ nữ làm ra. Trong năm 2024, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức ngày hội và diễn đàn “Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh”, đồng hành với phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo và chuyển đổi xanh với hơn 50 gian hàng và 700 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Chuỗi hoạt động này đã giúp hội viên, phụ nữ có cơ hội trao đổi, học hỏi, kết nối và giới thiệu sản phẩm; tìm thấy những ý tưởng mới, những công nghệ hữu ích để áp dụng vào doanh nghiệp của mình. Từ những hỗ trợ của các cấp hội, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ liên kết của hội viên phụ nữ tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập cho hội viên.
Cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia trình diễn bài hát “Khánh Hòa chào ngày mới” tại Lễ chào cờ tháng 10-2024. |
- Ngoài những kết quả đạt được, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động hội có gặp những khó khăn gì? Xin bà cho biết các giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ trong thời gian tới?
- Tuy ứng dụng CNTT trong tổ chức hội là một điểm sáng trong công tác quản lý hội, nhưng trong quá trình thực hiện, các cấp hội vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể, một số chi hội trưởng đã lớn tuổi nên việc sử dụng các ứng dụng CNTT còn hạn chế; các phần mềm số chưa hoàn chỉnh nên một số cán bộ và chi hội trưởng gặp khó khăn trong quá trình thực hiện; chưa có cơ chế, chính sách thu hút người giỏi về CNTT vào làm việc trong tổ chức hội…
Theo tôi, các cấp hội cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tổ chức các hoạt động, chương trình để thu hút, tập hợp được ngày càng nhiều hội viên tham gia tổ chức hội. Thời gian tới, các cấp hội cần tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường tổ chức tập huấn về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ hội, nhất là các chi hội trưởng. Đồng thời, yêu cầu mỗi cán bộ, nhất là những chi hội trưởng, hội viên chủ động tìm hiểu, tiếp cận ứng dụng CNTT mở rộng mạng lưới tương tác; tham mưu, đề xuất cơ chế và vận động nguồn lực để thực hiện việc ứng dụng CNTT trong hoạt động hội. Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện các mô hình tư vấn, hỗ trợ pháp luật cho phụ nữ bằng hình thức trực tuyến…
- Xin cảm ơn bà!
CHÂU TƯỜNG (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin