Mới đây, UBND huyện Khánh Sơn đã có báo cáo đánh giá xác định cụ thể mức độ đáp ứng các tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, huyện đã đáp ứng được các tiêu chí để lập hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền công nhận thoát khỏi huyện nghèo.
Một góc huyện miền núi Khánh Sơn. Ảnh: M.PHƯƠNG |
Tập trung đầu tư
Khánh Sơn là 1 trong 2 huyện miền núi của tỉnh có xuất phát điểm thấp, với 8 đơn vị hành chính cấp xã, là nơi sinh sống của 13 dân tộc, trong đó đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Raglai, chiếm 73,54% dân số toàn huyện. Cơ cấu kinh tế chủ yếu của huyện là: Nông nghiệp, dịch vụ - du lịch, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất nhỏ lẻ và phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021, trên địa bàn huyện có 3.530 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 47,43% số hộ toàn huyện), 1.405 hộ cận nghèo (chiếm 18,88% số hộ toàn huyện); tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn huyện là 66,31%. Huyện Khánh Sơn là 1 trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Sơn vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ trồng cây ăn quả. |
Theo ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh sách huyện nghèo, Khánh Sơn là 1 trong 22 huyện nghèo của cả nước được Trung ương ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Tỉnh cũng đã dành nhiều sự quan tâm, tập trung nguồn lực của Trung ương, của tỉnh và các nguồn huy động khác, với tổng nguồn vốn đầu tư từ năm 2021 đến năm 2024 hơn 1.223 tỷ đồng để đầu tư toàn diện cho kinh tế - xã hội của huyện, nhất là về hạ tầng, tạo việc làm, an sinh xã hội, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ mô hình sinh kế giúp cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh việc triển khai đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, xây dựng nông thôn mới và đề án tổng thể giảm nghèo bền vững, địa phương còn tập trung tối đa các nguồn lực để hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững. Những năm qua, huyện đã phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai trên địa bàn. Trong đó, chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập ổn định cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ ĐBDTTS trên địa bàn; từ đó tập trung xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Địa phương hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung đạt chuẩn cấp mã số vùng trồng, thực hiện liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng chế biến và xuất khẩu...; thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao… Huyện còn đẩy nhanh việc an cư cho 1.523 hộ nghèo, hộ cận nghèo thông qua việc thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn. Đến nay, phần lớn các căn nhà xây mới, sửa chữa đã hoàn tất, dự kiến huyện sẽ về đích chương trình này vào cuối năm nay.
Đã đáp ứng các tiêu chí
Theo báo cáo của UBND huyện, qua rà soát, đánh giá các tiêu chí để xác định thoát khỏi huyện nghèo, huyện đã đáp ứng được các tiêu chí về: Tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo; trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị hành chính cấp xã; thu nhập bình quân đầu người; huyện khu vực miền núi, vùng cao, biên giới. Trong đó, địa phương đã đáp ứng được 2 tiêu chí khó đạt là: Tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của địa phương là 31,67%; trong đó có 1.620 hộ nghèo (tỷ lệ 20,17%), 908 hộ cận nghèo (tỷ lệ 11,3%). Thu nhập bình quân đầu người của huyện đến cuối năm nay đạt 36,12 triệu đồng/người/năm, tăng 1,53 lần so với cuối năm 2020, ở mức 23,55 triệu đồng/người/năm.
Chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Sơn. |
Theo ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện, theo Quyết định số 36 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Sơn đã đáp ứng được tiêu chí, đủ điều kiện để lập hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền công nhận địa phương thoát khỏi tình trạng nghèo theo quy định. Các tiêu chí sau khi đạt được, huyện sẽ tiếp tục phát huy và thực hiện công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó, địa phương kiến nghị Trung ương, tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ huyện, hộ nghèo trên địa bàn trong một khoảng thời gian nhất định để huyện duy trì việc thoát nghèo một cách bền vững…
HẢI LĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin