Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) cho lứa tuổi học sinh và chỉ đạo của Bộ Công an, từ ngày 1-10 đến hết 31-10, lực lượng cảnh sát giao thông cả nước ra quân kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm đối với học sinh THCS và THPT; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho học sinh khi chưa đủ điều kiện. Đây là một trong những giải pháp quan trọng được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh.
Hiện tại, ở nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh, không khó để bắt gặp hình ảnh những học sinh mang đồng phục, thản nhiên tham gia giao thông trên những chiếc xe phân khối lớn. Nhiều em không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, chạy ngược chiều... trên đường. Dù lực lượng chức năng đã nỗ lực xử lý nhưng tình trạng vi phạm chỉ lắng xuống một thời gian rồi tiếp tục tái diễn. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, 9 tháng năm 2024 có 1.598 trường hợp học sinh vi phạm giao thông. Các vi phạm điển hình là không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành tín hiệu giao thông, chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện, giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, trong đó có tới 633 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy.
Cứ vào đầu năm học mới, các trường lại tổ chức cho học sinh, cha mẹ học sinh và giáo viên ký cam kết thực hiện trật tự ATGT. Trường nào cũng đưa việc chấp hành quy định về trật tự ATGT vào tiêu chí đánh giá thi đua, xếp loại thi đua của lớp, của học sinh. Có trường còn tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ điều kiện. Trong các tiết học và trong giờ chào cờ đầu tuần, các trường cũng thường xuyên tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, thi tìm hiểu về ATGT với nhiều hình thức khác nhau. Các đơn vị công an giao thông cũng phối hợp với ngành Giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong các cơ sở giáo dục. Để công tác tuyên truyền thêm sinh động, lực lượng tuyên truyền đã dùng hình ảnh, clip thực tế để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và… biết sợ!
Tuy hàng loạt giải pháp đã được triển khai nhưng tình trạng học sinh vi phạm giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc cảnh sát giao thông ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm những học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ; xử lý nghiêm phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho học sinh khi chưa đủ điều kiện được xem như biện pháp cương quyết để răn đe, xử lý tận gốc của vấn đề.
Nhiều ý kiến cho rằng, phải xử lý nghiêm những trường hợp phụ huynh giao phương tiện cho con chưa đủ tuổi điều khiển để làm gương. Nhưng suy cho cùng, đây chỉ là một biện pháp có tác dụng răn đe tại thời điểm hiện tại, về lâu dài vẫn phải ưu tiên việc giáo dục ý thức tuân thủ Luật Giao thông đường bộ. Ý thức và thái độ vẫn là những mục tiêu bền vững. Công việc này không chỉ có nhà trường mà còn phải có sự phối hợp từ phía gia đình và xã hội. Mỗi phụ huynh, học sinh, mỗi gia đình đều cần có ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông để bảo đảm an toàn cho chính mình và người khác.
LÊ NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin