Ngày 24-10, tại TP. Nha Trang, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Hội nghị Công tác gia đình - xã hội giữa nhiệm kỳ 2022 - 2027 khu vực phía Nam. Tham gia hội nghị có gần 80 cán bộ hội phụ nữ đến từ 33 tỉnh, thành phố.
Các đại biểu chia sẻ các kinh nghiệm trong thực hiện các hoạt động đạt hiệu quả. |
Tại hội nghị, đại diện Ban Gia đình - Xã hội, Hội LHPN Việt Nam đã báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ công tác gia đình - xã hội, những vấn đề đặt ra và giải pháp thực hiện trong nửa cuối nhiệm kỳ. Đồng thời, các cán hội đã chia sẻ những kinh nghiệm triển khai các hoạt động hiệu quả và giải pháp thực hiện trong nửa cuối nhiệm kỳ của các tỉnh, thành về các vấn đề như: Triển khai nhân rộng mô hình “Gia đình 5 có, 4 sạch”, “Dịch vụ gia đình”; những vấn đề đặt ra trong chỉ đạo Chương trình “Mẹ đỡ đầu” và giải pháp nâng cao chất lượng; vai trò của Hội LHPN trong tạo dựng môi trường an toàn và phát triển toàn diện cho trẻ em trong gia đình; cách thức vận động xã hội hóa trong công tác an sinh xã hội.
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa chia sẻ kinh nghiệm trong cách thức vận động xã hội hóa trong công tác an sinh xã hội. |
Bên cạnh đó, các cán bộ phụ nữ của 33 tỉnh, thành cũng đã chia 5 nhóm thảo luận các giải pháp để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu nhiệm kỳ và nhiệm vụ trọng tâm gồm: Giải pháp của các cấp về nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “5 có, 3 sạch” tại địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; kinh nghiệm trong việc kết nối, vận động nguồn lực xã hội, góp phần tăng tính bền vững, hiệu quả của Chương trình “Mẹ đỡ đầu”; những vấn đề cần quan tâm trong giáo dục làm cha mẹ trong thời đại công nghệ số; giải pháp vận động nguồn lực xã hội hóa hiệu quả để làm tốt công tác an sinh xã hội, tập trung góp ý Quy trình ứng phó với thiên tai, thảm họa của Hội LHPN Việt Nam; giải pháp trong giáo dục gia đình thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số - vai trò của các cấp Hội LHPN Việt Nam. Ngoài ra, các đại biểu còn chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp thực hiện hiệu quả công tác phòng chống bạo lực gia đình và vận hành địa chỉ tin cậy…
Các nhóm tham gia thảo luận các giải pháp thực hiện. |
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2022 - 2024, 63 tỉnh, thành phố đã phát hiện 1.665 phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực gia đình, trong đó hỗ trợ 1.508 người (đạt 90,6%) tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội. Trong khuôn khổ thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đã xây dựng, củng cố 2.329 địa chỉ tin cậy. Các cơ sở hội đã tham gia xây dựng 15.225 công trình, phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; giúp 125.247 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí “Gia đình 5 không 3 sạch”, “Gia đình 5 có, 3 sạch”; vận động hỗ trợ 152.909 hộ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, 484.358 hộ sử dụng nước sạch. Đến tháng 5-2024, các cấp hội đã vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu cho 30.853 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 3.000 trẻ mồ côi do dịch Covid-19, với tổng số tiền, quà vận động qua các kênh trên địa bàn cả nước gần 170 tỷ đồng…
Được biết, trong 2 ngày 25 và 26-10, Hội sẽ tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm Chương trình “Mẹ đỡ đầu”; chuyên đề cung cấp kiến thức về dinh dưỡng cho gia đình góp phần xây dựng gia đình có sức khỏe; chuyên đề phòng, chống các bệnh ung thư và ung thư vú góp phần xây dựng “Gia đình có sức khỏe”… cho cán bộ hội các tỉnh, thành phố.
CHÂU TƯỜNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin