Thửa đất của gia đình ông Nguyễn Văn Hơn và bà Nguyễn Thị Hạnh (thôn Đông Bắc, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh) nằm trong khu vực Dự án di dời, tái định cư (TĐC) các hộ dân tại khu vực đèo Cả. Tuy nhiên, qua xem xét, chính quyền địa phương phát hiện thửa đất của gia đình ông Hơn thuộc đất lấn chiếm do Nhà nước quản lý nên không thực hiện bồi thường, TĐC. Cho rằng việc giải quyết của địa phương "chưa thỏa đáng", gia đình ông Hơn đã làm đơn khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan chức năng.
Mong muốn được cấp đất tái định cư
Ông Hơn cho biết, năm 1991, gia đình ông mua lại thửa đất dưới chân đèo Cả có diện tích 111,7m2 của ông Trần Văn Bảo (người địa phương, nay đã chuyển đi nơi khác) bằng giấy viết tay, không có xác nhận của chính quyền địa phương. Năm 1993, gia đình ông tiến hành xây dựng nhà ở ổn định một thời gian dài. Đến năm 2022, chính quyền địa phương thực hiện Dự án di dời, TĐC các hộ dân tại khu vực chân đèo Cả nhằm phòng tránh nguy cơ sạt lở đất, đá. Theo đó, gia đình ông Hơn và nhiều hộ dân khác ở khu vực này đồng tình chủ trương di dời đi nơi khác. Tuy nhiên, qua xem xét, chính quyền địa phương xác định gia đình ông Hơn không nằm trong danh sách được bồi thường, cấp đất TĐC như các hộ dân khác mà chỉ được bồi thường vật kiến trúc khi giải tỏa. Ông Hơn nói: “Không đồng ý với quyết định này, gia đình tôi đã làm đơn kiến nghị, phản ánh gửi đến nhiều cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.
Thửa đất của gia đình ông Nguyễn Văn Hơn và bà Nguyễn Thị Hạnh nằm sát bên Quốc lộ 1 đã được địa phương giải tỏa. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vì không được cấp đất TĐC, gia đình ông Hơn không đồng ý di dời đi nơi khác nên tháng 8-2024, UBND huyện Vạn Ninh đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ, giải tỏa toàn bộ thửa đất của gia đình ông Hơn nhằm đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ sạt lở vào mùa mưa bão. Đồng thời, chính quyền địa phương thực hiện bố trí nơi ở tạm 3 tháng tại trụ sở thôn Đông Nam (xã Đại Lãnh) cho gia đình ông Hơn. Tuy nhiên, tại buổi làm việc, ông Hơn, bà Hạnh yêu cầu địa phương bố trí thêm cho gia đình con gái là chị Nguyễn Thị Loan với 4 nhân khẩu cùng tới ở chung tại trụ sở thôn Đông Nam. Nếu không để hộ con gái ở cùng, gia đình ông Hơn không ở tại nơi do UBND xã bố trí. Với đề nghị của gia đình, địa phương không đồng ý vì hộ chị Loan không thuộc trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án.
Không còn nơi để ở, gia đình ông Hơn đã quay về nơi bị giải tỏa che tấm bạt làm nơi ngủ qua đêm. “Gia đình tôi rất mong các cấp, ngành, UBND tỉnh quan tâm xem xét giải quyết, cấp đất TĐC để gia đình được ổn định cuộc sống”, ông Hơn cho biết. Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, gia đình ông Hơn đã thuê một mảnh đất của 1 hộ dân địa phương dựng nhà tạm để ở và mở quán bán nước giải khát gần sát chân bờ kè biển Đại Lãnh.
Không được bồi thường do lấn chiếm đất của Nhà nước quản lý
Theo ông Nguyễn Lê Ngọc Toàn - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, thửa đất của gia đình ông Nguyễn Văn Hơn thuộc thửa trích đo số 32, tờ bản đồ trích đo số 01 (tương ứng thửa 31, tờ bản đồ VLAP số 10 xã Đại Lãnh). Qua kiểm tra quy hoạch sử dụng đất, đối chiếu bản đồ địa chính, thửa đất do ông Hơn, bà Hạnh sử dụng có 39,3m2 thuộc quy hoạch đất giao thông và 72,4m2 thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất. Tuy gia đình ông Hơn sử dụng đất từ năm 1991 và đến năm 1993 xây dựng nhà ở, nhưng năm 2004, địa phương đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình do vi phạm hành lang đường bộ. Đồng thời, gia đình ông Hơn đã tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm và chuyển đi nơi khác sinh sống một thời gian dài. Thời điểm cưỡng chế năm 2004, địa phương đã lập biên bản. Đến năm 2011, ông Hơn tái lấn chiếm và xây dựng nhà ở tại vị trí trước đây, hành vi này đã bị xử lý vi phạm hành chính. Ngoài việc gia đình ông Hơn sử dụng đất không ổn định, không liên tục, không đúng quy định, ông Hơn còn tái lấn chiếm đất do Nhà nước quản lý nên không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, không đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ về đất và không đủ điều kiện bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở TĐC hoặc được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất. Vì vậy, việc ông Hơn và bà Hạnh kiến nghị cấp đất TĐC là không có cơ sở để xem xét giải quyết. Khi địa phương tiến hành di dời các hộ dân tại khu vực chân đèo Cả, gia đình ông Hơn không đủ điều kiện cấp đất TĐC mà chỉ được hỗ trợ 133 triệu đồng đối với vật kiến trúc. Tuy nhiên, gia đình ông Hơn không chấp nhận, tiếp tục khiếu nại và đến nay vẫn chưa nhận số tiền 133 triệu đồng.
Theo lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh, việc huyện không bồi thường 111,7m2 đất cho gia đình ông Hơn là đúng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Do đó, việc ông Hơn khiếu nại là không có cơ sở để xem xét giải quyết. Từ đó, UBND huyện đã bác toàn bộ nội dung khiếu nại của ông Hơn và bà Hạnh. Qua tìm hiểu của chúng tôi, xét thấy hoàn cảnh của gia đình ông Hơn, chính quyền địa phương đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét chủ trương giao đất ở có thu tiền sử dụng đất cho gia đình ông Hơn và 1 hộ dân khác. Tuy nhiên, qua kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy, hộ gia đình ông Hơn, bà Hạnh sử dụng đất do lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, không được bồi thường về đất nên việc đề nghị giải quyết giao đất ở có thu tiền sử dụng đất là không có cơ sở để giải quyết theo quy định của pháp luật. Do đó, sở đề nghị UBND huyện Vạn Ninh nghiên cứu chính sách giao đất ở cho hộ gia đình cá nhân không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở quy định tại điểm g khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013. Căn cứ vào quỹ đất ở địa phương, hoàn cảnh thực tế của hộ dân để giải quyết theo quy định và thẩm quyền.
PHÚ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin