Nhiều ý kiến tại Hội thảo khoa học cấp bộ “Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030” cho rằng, để tỉnh Khánh Hòa phát triển bứt phá và hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, cần đổi mới tư duy phát triển trên nhiều lĩnh vực. Đây là yếu tố tiên quyết để tạo ra sự phát triển bứt phá của tỉnh trong giai đoạn tới.
* Tiến sĩ Võ Văn Lợi - Trưởng khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị khu vực III: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù của Trung ương
Tiến sĩ Võ Văn Lợi. |
Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đã mở ra cơ hội vàng để tỉnh phát triển bứt phá. Những cơ chế, chính sách đã từng bước được cụ thể hóa, đem lại kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển của tỉnh. Tỉnh cần có các giải pháp đồng bộ tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong đó, 4 nhiệm vụ cơ bản đặt ra đối với tỉnh hiện nay là phải duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chuyển dịch cơ cấu lao động và tăng trưởng năng suất lao động. Giải pháp chủ yếu để thực hiện là phải huy động và khơi thông các nguồn lực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh liên kết vùng.
* Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Quan tâm công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch
Ông Châu Ngô Anh Nhân. |
Để Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030, cần có các quy hoạch được thực hiện một cách bài bản, khoa học, toàn diện, đồng bộ, khả thi, đặc biệt là phải biến quy hoạch trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất là những quy hoạch cần tập trung tổ chức triển khai lập, phê duyệt và phủ kín. Đồng thời, xác định quản lý quy hoạch là nền tảng cho công tác xúc tiến đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sinh sống và làm việc lâu dài tại tỉnh.
* Ông Phan Đình Phùng - Phó Giám đốc Sở Du lịch: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ông Phan Đình Phùng. |
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo định hướng xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2030, cần ưu tiên đầu tư, khuyến khích mọi nguồn lực; gắn các dự án đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách theo chuỗi giá trị liên ngành nhằm sử dụng cho phát triển du lịch; xây dựng và thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn phù hợp với quy hoạch tại Khu Kinh tế Vân Phong; đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; phát triển du lịch Khánh Hòa gắn kết vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch văn hóa, làng nghề truyền thống với trải nghiệm đời sống cộng đồng để nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi và hải đảo...
* Thạc sĩ Nguyễn Thị Triều - Phó Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị khu vực III: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa
Thạc sĩ Nguyễn Thị Triều. |
Khánh Hòa sở hữu hệ thống di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể rất đa dạng, phong phú và mang bản sắc riêng. Đây là một lợi thế trong phát triển. Để thực sự biến nguồn tài nguyên văn hóa đặc biệt này thành nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa, cần nâng cao nhận thức của lãnh đạo, quản lý địa phương và cộng đồng người dân; có kế hoạch bảo tồn kịp thời để giữ gìn giá trị của các di sản văn hóa; xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch bền vững. Đặc biệt, cần chú trọng cân đối, hài hòa giữa hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, giữa văn hóa và phát triển, gắn kết văn hóa với tất cả các lĩnh vực khác; xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và du lịch; chú ý hơn đến văn hóa biển, đảo; kiên quyết, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ về văn hóa theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
TIỂU MAI (Ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin