Theo Thông tư số 17, ngày 17-10-2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), từ năm 2019, các doanh nghiệp (DN) phải tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động theo quy định. Tuy nhiên, những năm qua, vẫn còn nhiều DN trên địa bàn tỉnh chưa chấp hành quy định này. Do đó, các DN cần nâng cao trách nhiệm tự kiểm tra và gửi phiếu tự kiểm tra online về Sở LĐ-TB-XH.
Đại diện Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phổ biến pháp luật cho các đơn vị. |
Nhiều doanh nghiệp chưa tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động
Thực hiện Thông tư số 17, hàng năm, Sở LĐ-TB-XH đều chú trọng phổ biến, hướng dẫn rõ cho các DN thực hiện những quy định của thông tư về tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động. Việc tự kiểm tra nhằm tăng số lượng, chất lượng thanh kiểm tra, giảm chi phí, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của các DN. Thông qua thực hiện phiếu tự kiểm tra của các cơ sở kinh doanh, DN có biện pháp khắc phục thiếu sót; đồng thời tăng cường chức năng tư vấn của thanh tra lao động, thực hiện tốt thanh tra phòng ngừa. Tuy nhiên, qua kiểm tra, theo dõi hàng năm, số lượng các DN trên địa bàn tỉnh thực hiện việc tự kiểm tra pháp luật, gửi phiếu về cơ quan thanh tra chuyên ngành về lao động chỉ dưới 30 đơn vị. Con số này còn quá ít so với số lượng DN trên địa bàn tỉnh. Điều này cho thấy, việc chấp hành quy định Thông tư số 17 của các DN còn chưa nghiêm. Bên cạnh đó, một số DN thực hiện tự kiểm tra còn mang tính hình thức, đối phó, nhiều nội dung không ghi hoặc ghi không đầy đủ, gây khó khăn trong xử lý phân tích và tổng hợp.
Việc thực hiện phiếu tự kiểm tra tại DN là một biện pháp nhằm tuyên truyền pháp luật lao động sâu rộng đến các DN, phát huy tính chủ động của các đơn vị trong công tác kiểm tra pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động. Đối với DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng nâng cao trách nhiệm của mình, tự giác chấp hành pháp luật lao động; từ đó tạo mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động hài hòa, không để xảy ra tranh chấp cũng như vi phạm pháp luật lao động. Đồng thời, giúp DN tự đánh giá tình hình thực hiện các chính sách, pháp luật tại DN để kịp thời điều chỉnh. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, việc triển khai phiếu tự kiểm tra thực hiện pháp luật tại các DN đang phát huy tích cực, giúp thanh tra sở, thanh tra bộ giảm thiểu thời gian thanh tra thực tế tại DN nhưng vẫn nắm bắt được tình hình thực hiện pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động. Mặt khác, việc phân tích phiếu tự kiểm tra là một trong những phương thức hỗ trợ công tác thu thập thông tin, từ đó có khả năng dự báo, định hướng kế hoạch thanh tra và định hướng quản lý nhà nước về lao động.
Doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm
Bà Lê Thị Hồng Thanh - Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH cho biết, Thông tư số 17 nêu rõ, việc tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động, báo cáo kết quả thực hiện là trách nhiệm của người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và cơ quan thanh tra chuyên ngành lao động. Theo đó, người sử dụng lao động phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại cơ sở của mình ít nhất một lần trong năm nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến việc tuân thủ. Thời gian tự kiểm tra cụ thể do người sử dụng lao động quyết định; thời kỳ tự kiểm tra từ ngày đầu tiên tháng 1 dương lịch của năm trước đến thời điểm kiểm tra.
Cán bộ Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, thanh tra tại một doanh nghiệp. |
Nội dung tự kiểm tra pháp luật lao động bao gồm: Việc thực hiện báo cáo định kỳ; tuyển dụng và đào tạo lao động; giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể; thời giờ làm việc và nghỉ ngơi; trả lương cho người lao động; tổ chức, thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện các quy định đối với lao động nữ, người cao tuổi, chưa thành niên, người khuyết tật, người nước ngoài; xây dựng và đăng ký nội quy lao động; xử lý kỷ luật lao động, bồi thường trách nhiệm vật chất; tham gia và trích đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hàng tháng cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia; giải quyết tranh chấp và khiếu nại về lao động; nội dung khác mà người sử dụng lao động thấy cần thiết.
Bộ LĐ-TB-XH đã có hướng dẫn sử dụng phiếu tự kiểm tra online trên trang web tại địa chỉ http://tukiemtraphapluatlaodong.gov.vn. Các DN thực hiện theo các bước như sau: Bước 1, đăng nhập trang thông tin điện tử trên. Bước 2, đăng ký thông tin DN tại mục đăng ký tài khoản (chú ý mục cơ quan chủ quản và trụ sở, nếu không có nhập chữ không); nhấn lưu thông tin tại cuối trang hoặc nhấn quay lại nếu thông tin chưa chính xác; ghi nhớ mật khẩu để tiếp tục đăng nhập cho lần sau (đăng nhập: username mã số thuế của cơ sở, password). Trong quá trình thực hiện, khi quên mật khẩu thì liên hệ Thanh tra Sở LĐ-TB-XH để được cấp lại. Bước 3, căn cứ vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, người sử dụng lao động lựa chọn tải một hoặc nhiều phiếu tự kiểm tra làm nội dung tự kiểm tra (ví dụ xây dựng, du lịch, cơ khí…). Bước 4, thành lập đoàn tự kiểm tra của DN; tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả theo phiếu (không bỏ sót nội dung). Bước 5, nhấn mục báo cáo kết quả tự kiểm tra, chọn phiếu, chọn mẫu phiếu (chọn mẫu phiếu đã tải và đánh giá ở bước 3 và bước 4). Bước 6, nhập thông tin theo phiếu kiểm tra, lưu phiếu và nộp phiếu. Bước 7, nhận kết quả phiếu, khắc phục các kiến nghị theo khuyến cáo và báo cáo kết quả từ bước 5 cho lần đăng nhập sau. Cơ sở có nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vẫn thực hiện theo nhiều mẫu phiếu, tiếp tục thực hiện bước 5 và bước 6.
Hồ sơ tự kiểm tra gồm: Phiếu tự kiểm tra, kết luận tự kiểm tra, văn bản thành lập đoàn tự kiểm tra của DN và các tài liệu, hồ sơ phát sinh trong quá trình tự kiểm tra phải được lưu giữ trong hồ sơ quản lý DN. Sau khi DN hoàn thành việc tự kiểm tra online, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH sẽ xem, kiểm tra nội dung các phiếu tự kiểm tra do DN khai, có phản hồi trực tuyến. Khi nhận thông tin phản hồi trực tuyến từ thanh tra sở, DN triển khai và phản hồi thông tin phiếu, đính kèm các tệp thông tin chứng minh (bản scan, word…) theo các trình tự của trang web. Các nội dung khai báo trong phiếu tự kiểm tra liên kết chặt chẽ với nhau, nếu DN khai không đúng sẽ phát sinh mâu thuẫn. Đặc biệt, báo cáo của DN có sự đồng ý của đại diện người lao động trong DN. Việc báo cáo tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động là công cụ giúp cơ quan quản lý lao động thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lao động, dù không trực tiếp thanh tra tại các DN song vẫn đánh giá được tình hình thực hiện pháp luật lao động tại các DN. Đồng thời, ngành LĐ-TB-XH sẽ có những hỗ trợ giúp DN khắc phục và thực hiện tốt hơn các nội dung liên quan của pháp luật lao động.
VĂN GIANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin