Ngày 22-10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn khẩn, gửi các địa phương, đơn vị liên quan về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão trên biển Đông; đồng thời chủ động ứng phó với ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, kiểm tra các khu vực xung yếu, các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực trũng thấp, ngập lụt ... để chủ động thực hiện các phương án ứng phó, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn tại các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bảo đảm cung cấp cho các khu vực có nguy cơ bị cô lập, chia cắt do mưa lũ. Bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực xung yếu để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.
Mưa lớn trên địa bàn TP. Nha Trang ngày 22-10. |
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị cứu hộ cứu nạn trên địa bàn rà soát phương án, chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ các địa phương ứng phó với mưa lũ, sẵn sàng sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các đơn vị quản lý hồ chứa nước tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi diễn biến mưa lũ, tính toán lưu lượng nước về hồ để điều tiết hợp lý, đảm bảo an toàn công trình và hạn chế gây ngập lụt ở vùng hạ du.
Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Trung Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét và thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó. Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, Báo Khánh Hòa và các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục theo dõi, đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó của các cấp các ngành để nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Các sở, ban, ngành theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt gây ra. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo.
Theo bản tin của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 16 giờ, vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7. Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Phú Yên đến Cà Mau có mưa rào và dông rải rác.
Dự báo đêm 22 và ngày 23-10, vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động, sóng biển cao 2-3,5m. Riêng khu vực giữa Biển Đông sóng biển cao từ 3-5m.
Ngoài ra, đêm 22 và ngày 23-10, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực phía Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Từ chiều ngày 23-10, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Cảnh báo đêm 23 và ngày 24-10, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; từ sáng ngày 24-10 vùng biển phía Đông tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14; sóng biển cao 4,0-6,0m, vùng gần tâm 6,0-8,0m; biển động dữ dội. Vùng biển phía Đông của khu vực giữa Biển Đông có gió Tây Bắc đến Tây mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m. Vùng biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có gió Bắc đến Tây Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2m - 4,5m. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
H.Đ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin