05:51, 11/10/2024

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH KHÁNH HÒA LẦN THỨ IV - NĂM 2024:
Sức sống mới ở vùng cao

HẢI LĂNG

Mỗi lần có dịp đến các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh, tôi thêm một lần cảm nhận sức sống mới ở những bản làng vùng cao. Ở đó, ĐBDTTS đã an cư trong những ngôi nhà mới, tự nỗ lực vươn lên, làm giàu trên đất quê hương. Đây chính là những tiền đề quan trọng để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.

Một góc thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn.

An cư trong những ngôi nhà mới

Theo dòng sông Tô Hạp chảy mãi về phía tây, tôi đến với xã đặc biệt khó khăn Thành Sơn, huyện Khánh Sơn. Ghé thăm hộ anh Cao Cường - hộ ĐBDTTS người Raglai mới thoát nghèo ở thôn Tà Giang 2 (xã Thành Sơn), nghe anh khoe 120 cây sầu riêng trên 0,6ha đất của gia đình đã bắt đầu cho thu hoạch lứa quả đầu tiên với sản lượng đạt gần 4 tấn, thu nhập được hơn 200 triệu đồng, càng thêm tự tin sẽ thoát nghèo bền vững. Nhớ lại cách đây chưa lâu, gia đình anh Cường sinh sống trong căn nhà tạm bợ được quây bằng những tấm tôn cũ; thu nhập từ rẫy chuối không được bao nhiêu, cái ăn, cái mặc còn phải tính từng ngày nên việc xây nhà mới là điều anh không dám nghĩ tới. "Cuối năm 2023, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng, cộng với số tiền đối ứng 40 triệu đồng để xóa nhà dột nát. Ngôi nhà mới là điểm tựa để gia đình tôi nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Hiện nay, tôi chăn nuôi đàn bò đến 20 con và dự tính sẽ chuyển đổi 0,4ha chuối còn lại sang trồng sầu riêng", anh Cao Cường khoe.

Mới đây, có dịp qua thôn đặc biệt khó khăn Suối Cá (xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh) trong cơn mưa chiều bất chợt, được vợ chồng anh Cao Xuân Phú mời vào nhà trú mưa, tôi không khỏi ngạc nhiên về căn nhà to, đẹp của gia đình anh. Trong căn nhà mới còn thơm mùi sơn, anh Phú cho hay, vợ chồng anh mới chuyển vào ở trong ngôi nhà mới này được 2 tháng, cũng sắm thêm được vài vật dụng trong nhà như: Bàn ghế, tivi, tủ lạnh… Nhớ lại những ngày cả gia đình phải sống trong căn nhà mái tôn dột, vách ván mục nát, anh Phú không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc. “Hôm cán bộ thôn đi rà soát hộ nghèo, hỏi mình đã tự tin thoát nghèo chưa? Mình nói thật: Chưa có nhà mới thì chưa tự tin đâu! Nay an cư rồi, công việc của 2 vợ chồng ở Khu Công nghiệp Suối Dầu cũng ổn định nên mình không lo lắng nữa! Phải cố gắng làm ăn để có cuộc sống khấm khá hơn, có ai muốn nghèo mãi đâu”, anh Phú nói.

Vợ chồng anh Cao Xuân Phú ở thôn Suối Cá, xã Khánh Trung 
đã tự tin ra khỏi hộ nghèo sau khi có căn nhà mới.
Vợ chồng anh Cao Xuân Phú ở thôn Suối Cá, xã Khánh Trung đã tự tin ra khỏi hộ nghèo sau khi có căn nhà mới.

Tiếp xúc với 2 trong số rất nhiều hộ ĐBDTTS được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở từ nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi; giảm nghèo bền vững và nguồn lực hỗ trợ của ngân sách tỉnh, hiểu được khát khao cháy bỏng của họ về nơi an cư, tôi càng thêm thấu hiểu việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, nhất là hộ ĐBDTTS là chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhân văn của Đảng và Nhà nước để mang lại mái ấm cho người nghèo, nhất là ĐBDTTS, để không ai bị bỏ lại phía sau, giúp họ ổn định cuộc sống và có điều kiện thoát nghèo.

Khánh Hòa là địa phương tiên phong trong việc thực hiện chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, chủ yếu là hộ ĐBDTTS trên phạm vi toàn tỉnh. Hiện nay, hơn 1.550 căn nhà sửa chữa đã được thực hiện xong; những căn nhà cuối cùng trong tổng số hơn 1.780 căn nhà xây mới đang được khẩn trương thực hiện để đến cuối năm 2024, tỉnh sẽ hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, sớm hơn 1 năm so với cả nước.

Làm giàu trên đất quê hương

Những ngày đến với 2 huyện nghèo Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tôi được nghe về những tấm gương ĐBDTTS từ cuộc sống khốn khó đã vươn lên thoát nghèo bền vững và họ còn trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Như câu chuyện của chị Mấu Thị Hiểm ở xã Sơn Trung (Khánh Sơn), được sự hỗ trợ của Nhà nước, sự cần cù, hăng say lao động của mình, gia đình chị đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. “Nhà tôi có 1ha sầu riêng đang cho thu hoạch, vụ vừa rồi thu nhập được gần 400 triệu đồng. Ngoài trồng sầu riêng, vợ chồng tôi còn đào ao thả cá chép, cá mè; nuôi heo đen…, mỗi năm thu thêm hơn 100 triệu đồng. Sinh kế đã ổn định hơn, bây giờ, vợ chồng cùng cố gắng lao động, học hỏi thêm kinh nghiệm của các hộ biết cách làm ăn để tiếp tục vươn lên”, chị Hiểm bày tỏ.

Sau khi có căn nhà mới để an cư, anh Cao Cường (thôn Tà Giang 2, 
xã Thành Sơn) chuyên tâm trồng sầu riêng để thoát nghèo bền vững.
Sau khi có căn nhà mới để an cư, anh Cao Cường (thôn Tà Giang 2, xã Thành Sơn) chuyên tâm trồng sầu riêng để thoát nghèo bền vững.

Đến xã Khánh Phú (Khánh Vĩnh), chúng tôi được giới thiệu đến thăm gia đình anh Hà Thông - người dân tộc T’Rin, gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nổi bật trong ĐBDTTS của xã. Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, anh Hà Thông không quản ngại vất vả, luôn tìm tòi, học hỏi để phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ có trang trại chăn nuôi với quy mô 20 con bò mẹ, gia đình anh còn có vườn bưởi 6 năm tuổi đang cho trái đều đặn. Anh Hà Thông còn đi khắp các vùng nương rẫy ở Khánh Vĩnh để thu mua keo rồi thuê người chặt, bóc vỏ để nhập bán cho nhà máy; ở nhà vợ anh còn kinh doanh tạp hóa…; thu nhập của gia đình lên đến 350 - 400 triệu đồng/năm. “Tôi đặt nhiều hy vọng vào 2ha sầu riêng đã trồng được 3 năm. Đây sẽ là nguồn thu nhập chính cho gia đình tôi trong những năm tới”, anh Hà Thông nói.

Bên cạnh việc nỗ lực vươn lên, làm giàu cho gia đình, những gương ĐBDTTS sản xuất kinh doanh giỏi này còn là những “hạt nhân” thúc đẩy giảm nghèo ở các địa phương. Chính họ đã quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm… cho các hộ nghèo khác để cùng thoát nghèo bền vững. Theo chia sẻ của ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, cùng với việc đầu tư hạ tầng, công tác giảm nghèo bền vững cho ĐBDTTS được huyện đặt lên hàng đầu. Địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi tư duy, nhận thức, hành động của chính ĐBDTTS. Qua đó, phát huy tinh thần tự lực của người dân, cùng với chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước giúp các hộ tự mình vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết

Những năm qua, cùng với nguồn lực của Trung ương, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển toàn diện vùng ĐBDTTS và miền núi. Những kết quả đã đạt được trong công tác dân tộc, triển khai các chính sách dân tộc ở các huyện miền núi đã củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc ở mỗi địa phương. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đưa 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước vào cuối năm nay, sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các huyện đề ra.

Theo ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, không chỉ phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo, Khánh Sơn cũng như Khánh Vĩnh còn được tập trung phát triển trở thành những “tiểu đô thị sinh thái núi rừng” theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện được mục tiêu này, việc phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn để cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, trở thành nơi đáng sống của đồng bào các dân tộc anh em là yếu tố then chốt hàng đầu.

Đường giao thông vào khu sản xuất ở huyện Khánh Vĩnh được đầu tư xây dựng.
Đường giao thông vào khu sản xuất ở huyện Khánh Vĩnh được đầu tư xây dựng.

Mới đây, khi đi thăm các mô hình phát triển sản xuất của ĐBDTTS tại Khánh Sơn, ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã bày tỏ phấn khởi khi ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh đã vượt qua tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đã cần cù lao động, ham học hỏi và nỗ lực vươn lên, tạo dựng được cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông mong muốn ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh tiếp tục đoàn kết, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế; xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Ông Nguyễn Khắc Toàn đề nghị các địa phương vùng ĐBDTTS và miền núi phải tiếp tục sát sao, quan tâm hơn đến đời sống của ĐBDTTS trên địa bàn; phải khơi dậy được ý chí vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là ĐBDTTS để cùng với các chính sách hỗ trợ được Trung ương, tỉnh triển khai, các hộ sẽ thoát nghèo bền vững…

HẢI LĂNG