Những năm qua, các sở, ngành, địa phương đã triển khai hiệu quả các chính sách trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thu nhập, giúp ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo.
Hiệu quả đào tạo nghề
Gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên học hết lớp 9, chị H Trây H Lan (xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh) phải nghỉ học, đi làm phục vụ tại một cơ sở mầm non tư thục với mức tiền công hơn 2 triệu đồng/tháng. Làm được một thời gian, chị H Lan tìm công việc khác nhưng do không có bằng cấp, tay nghề nên nhiều doanh nghiệp từ chối. Sau khi được địa phương vận động, nhà trường tư vấn, chị H Lan đã đăng ký học nghề tại Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Vĩnh. Toàn bộ chi phí học nghề gần 2 năm của chị H Lan được Nhà nước, địa phương hỗ trợ. Ngoài ra, mỗi ngày đi học, chị còn được hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại từ nơi ở đến nơi học tập. Đặc biệt, sau khi học nghề, chị được địa phương kết nối vào làm việc ở Nhà máy Chế biến nguyên liệu yến sào Sanvinest Khánh Hòa (Cụm Công nghiệp Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh) với mức lương gần 8 triệu đồng/tháng. Chị H Lan chia sẻ: “Đi học nghề là sự lựa chọn đúng đắn của tôi. Có tay nghề, trình độ, doanh nghiệp sẽ tiếp nhận ngay. Môi trường làm việc tại Nhà máy Chế biến nguyên liệu yến sào Sanvinest Khánh Hòa rất chuyên nghiệp, doanh nghiệp rất quan tâm, chăm lo đời sống cho người lao động”.
Các doanh nghiệp phỏng vấn, tuyển dụng lao động huyện Khánh Vĩnh qua phiên giao dịch việc làm. |
Chị H Lan là một trong số hàng nghìn lao động ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng chính sách hỗ trợ trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, mỗi năm, Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Vĩnh mở khoảng 20 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho khoảng 500 lao động. Mỗi năm, trường cũng mở từ 30 đến 50 lớp đào tạo các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho khoảng 1.000 đến 1.500 lao động địa phương, trong đó chủ yếu là lao động ĐBDTTS. Quá trình đào tạo, nhà trường thực hiện theo hướng đào tạo kỹ năng, cầm tay chỉ việc để người học dễ nắm bắt kiến thức; các nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu, trình độ của người học và gắn với giải quyết việc làm.
Theo ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh đào tạo hơn 30.000 lao động, trong đó có nhiều lao động ĐBDTTS và miền núi. Đồng thời, thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, mỗi năm, các đơn vị áp dụng chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí, chi phí đào tạo nghề hệ trung cấp cho hơn 1.000 lao động ĐBDTTS. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, mỗi năm hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 1.500 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, ĐBDTTS. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đến nay đạt 83,5%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt 29,9%; riêng tỷ lệ lao động qua đào tạo của 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đạt 49%. Ngoài ra, từ các chính sách của Trung ương và địa phương đã từng bước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ dạy nghề cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Tăng cường kết nối tạo việc làm
Qua phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tại xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) vào cuối tháng 7-2024, chị Cao Thị Mẫn (xã Ba Cụm Bắc) đã được Công ty TNHH Hải Vương (Khu Công nghiệp Suối Dầu) tuyển dụng vào làm với mức lương khởi điểm hơn 9 triệu đồng/tháng. Chị Mẫn là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ. Do nơi làm cách xa nhà nên chị được công ty hỗ trợ nơi ở và đảm bảo các chế độ, phúc lợi hàng tháng để chị an tâm làm việc. Chị Mẫn chia sẻ: “Tôi rất mừng khi được địa phương kết nối trực tiếp với doanh nghiệp để có việc làm ổn định. Tôi sẽ cố gắng làm việc, gắn bó với doanh nghiệp để có điều kiện lo cho 2 con ăn học”… Chị Mẫn là một trong số nhiều lao động ĐBDTTS được các ngành chức năng kết nối việc làm bền vững trong những năm qua.
Ông Văn Đình Tri cho biết, song song với công tác đào tạo nghề, hoạt động tư vấn, kết nối giải quyết việc làm cho lao động ĐBDTTS cũng được các ngành chức năng, địa phương tăng cường bằng nhiều giải pháp, chính sách và đạt được kết quả tích cực. Mỗi năm, toàn tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho hơn 11.000 lao động, trong đó có lao động ĐBDTTS và miền núi. Để có được kết quả trên, sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp cho người lao động, nhất là lao động huyện miền núi, vùng khó khăn. Cùng với việc mở các phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại địa phương và trực tuyến định kỳ hàng tuần, hàng tháng, đơn vị còn kết nối với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên để hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động trong và ngoài tỉnh, trong đó có ĐBDTTS. Chỉ tính từ năm 2023 đến nay, trung tâm đã tổ chức hơn 30 phiên giao dịch việc làm trực tiếp, 2 ngày hội việc làm và hơn 160 phiên giao dịch việc làm trực tuyến, với hơn 1.000 lượt doanh nghiệp và hơn 8.000 lao động tham gia tìm kiếm việc làm. Đơn vị còn kết nối với các doanh nghiệp uy tín để tuyển dụng đưa gần 500 lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Cộng hòa Liên bang Đức, trong đó có khoảng 10 lao động ĐBDTTS và miền núi. Bên cạnh đó, các địa phương, hội đoàn thể còn triển khai hiệu quả các chương trình vốn tín dụng chính sách, nhất là nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã giúp cho nhiều lao động ĐBDTTS và miền núi tiếp cận đầu tư làm ăn, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả hơn nữa chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân, nhất là hộ ĐBDTTS, miền núi, hộ nghèo, cận nghèo. Quyết tâm đến cuối năm 2024, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 84%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%...
VĂN GIANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin