23:50, 17/09/2024

Tháo gỡ khó khăn cho dự án đường giao thông liên vùng

MẠNH HÙNG

Chiều 17-9, tại Khánh Sơn, đoàn công tác do ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội dẫn đầu làm việc với UBND tỉnh về tiến độ triển khai Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận (đường liên vùng). Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác. Trước đó, đoàn đã đi khảo sát 3 vị trí thuộc dự án nằm trên địa bàn huyện Khánh Sơn gồm: Nút giao với đường ĐT.656 (xã Sơn Bình); cầu Ko Róa (xã Sơn Lâm); điểm cuối dự án giáp ranh tỉnh Ninh Thuận (xã Thành Sơn).

Đã lựa chọn xong nhà thầu thi công

Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 20-6-2023. Dự án được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh; với tổng chiều dài khoảng 56,7km đường cấp III miền núi, tốc độ thiết kế 60km/giờ; tổng mức đầu tư dự án thành phần xây lắp hơn 1.800 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2023 đến hết năm 2027. Theo ông Phạm Văn Hòa - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, đến nay, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Đến ngày 10-9, ban đã tổ chức ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu gói thi công là liên danh 5 nhà thầu, gồm: Công ty Cổ phần Quản lý & Xây dựng giao thông Khánh Hòa; Công ty Cổ phần Quản lý & Xây dựng đường bộ Khánh Hòa; Công ty TNHH Tân Khánh Hòa KH; Tổng Công ty Thăng Long; Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía nam với giá trị trúng thầu là 1.694 tỷ đồng, giảm khoảng 23 tỷ đồng so với giá gói thầu được duyệt là 1.717 tỷ đồng. Đồng thời, nhà thầu cũng tổ chức khởi công trong cùng ngày 10-9.

 

Đối với Dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC) đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào ngày 16-7. Dự án có tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ hơn 128,9ha, trong đó: Đất nông nghiệp hơn 8,6ha; đất ở khoảng 6,7ha; đất giao thông hơn 24,7ha; đất rừng đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác khoảng 75,58ha (trong đó, đất rừng, rừng phòng hộ đầu nguồn khoảng 27ha; đất rừng, rừng đặc dụng hơn 32,8ha; đất rừng, rừng sản xuất hơn 15,6ha) và đất khác khoảng 13,3ha. Có 211 hộ bị ảnh hưởng, số hộ TĐC 11 hộ. Tổng mức đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ và TĐC khoảng 120 tỷ đồng. Hiện nay, huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đang triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, lập phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ TĐC dự án theo đúng quy định hiện hành.

Đối với việc trồng rừng thay thế, UBND tỉnh đã có quyết định về việc nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án là hơn 19,6 tỷ đồng. Ngày 13-8, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án. Hiện tại, 2 Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc và Nam Khánh Hòa đang triển khai công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu trồng rừng.

Đề xuất tháo gỡ khó khăn

Để thuận lợi cho công tác thi công, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh phân chia dự án thành 3 đoạn. Đối với đoạn 1 và đoạn 3 có chiều dài gần 27km sẽ bắt đầu triển khai thi công trong quý IV/2024 và hoàn thành trong quý II/2026; hoàn thành công tác đo đạc địa chính, kiểm đếm trong quý IV/2024 và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong quý II, quý III/2025. Đối với đoạn 2 (phần còn lại dự án) sẽ bắt đầu triển khai thi công trong quý II/2025 và hoàn thành trong quý III/2027 (do đoạn tuyến qua khu vực rừng tự nhiên, có địa hình đồi núi cao, khó khăn, hiểm trở và phải hoàn tất các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác); dự kiến hoàn thành công tác đo đạc địa chính, kiểm đếm trong quý I/2025 và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong quý IV/2025.

Vị trí cầu Ko Róa thuộc dự án.
Vị trí cầu Ko Róa thuộc dự án.

Ông Huỳnh Tấn Trọng - đại diện nhà thầu thi công cho biết, hiện nay, các nhà thầu đang tổ chức khảo sát địa hình để bố trí các vị trí thi công; đồng thời trình chủ đầu tư phê duyệt các mỏ vật liệu phục vụ dự án. Đến nay, các nhà thầu vẫn chưa nhận được mặt bằng sạch nên chưa thể thi công rầm rộ, dự kiến đến tháng 11 các nhà thầu sẽ huy động tối đa nhân lực, vật lực để tổ chức thi công và cam kết bảo đảm tiến độ như hợp đồng ký kết.

Ông Phạm Văn Hòa cho biết, quá trình triển khai dự án cũng gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể, dự án có chiều dài tuyến khoảng 56,7km, trong đó có đến 30km tuyến đi ven theo Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, cắt ngang qua khu rừng phòng hộ, khu phục hồi sinh thái là những khu vực vùng núi cao, hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều khe suối, khe tụ thủy, độ dốc ngang nên việc tổ chức thi công sẽ rất khó khăn do không có đường tiếp cận mà chỉ có thể thi công từ 2 đầu tuyến vào, ảnh hưởng đến việc thi công của dự án. Ngoài ra, dự án có diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng lớn khoảng 75,58ha nên việc thực hiện các thủ tục chuyển đổi, tận thu lâm sản... cũng sẽ bị ảnh hưởng do mất nhiều thời gian. Ban rất mong các cơ quan liên quan có giải pháp hỗ trợ để giải quyết những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Theo ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, dự án có những điểm nghẽn cần được tháo gỡ, trước hết là công tác giải phóng mặt bằng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Dự án có địa hình thi công phức tạp, vì vậy các nhà thầu phải xây dựng phương án thi công phù hợp, làm đến đâu gọn đến đó. Ngoài ra, yếu tố thời tiết cũng diễn biến phức tạp, các nhà thầu phải hết sức chú ý, đồng thời đảm bảo sức khỏe, an toàn cho công nhân trong quá trình thi công.

Tại cuộc họp, đại diện 2 địa phương đều khẳng định, nhân dân trong vùng dự án đều đồng thuận. Tuy nhiên, để thuận lợi cho công tác bồi thường, các cơ quan liên quan cần có cơ chế chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho các trường hợp bị ảnh hưởng, đặc biệt là những hộ có diện tích cây sầu riêng lớn.

Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện các thủ tục để hoàn thành chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải xây dựng các biện pháp thi công phù hợp với điều kiện thực tế để đảm bảo tiến độ. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, 2 địa phương Khánh Sơn và Khánh Vĩnh cần nhanh chóng tổ chức đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường cho các trường hợp bị ảnh hưởng bảo đảm đúng trình tự, quy định pháp luật. 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội: Đề nghị UBND tỉnh sớm tổng hợp các nội dung đoàn công tác có ý kiến tại cuộc họp, trong đó lưu ý đến các vấn đề: Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công dự án, việc giải ngân vốn đầu tư công...

 

MẠNH HÙNG