Ngày 12-9, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 2370 về việc kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang, để phục vụ tốt hơn cho Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030.
Bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn cho ban quản lý
Từ ngày 6 đến 11-9, Báo Khánh Hòa có loạt bài “Chung tay phục hồi vịnh Nha Trang”, trong đó nêu thực trạng hiện nay, BQL vịnh Nha Trang đang đảm nhận 9/16 nhiệm vụ rất quan trọng của Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 do UBND tỉnh ban hành tháng 11-2022, trong đó có “4 thiếu và hạn chế“ về: Nhân lực, tài lực, phương tiện và quyền hạn. BQL vịnh Nha Trang là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP. Nha Trang nên vị trí, vai trò trong công tác xâu chuỗi đầu mối tham mưu cho UBND thành phố gặp nhiều khó khăn. Khi triển khai nhiệm vụ cần sự hỗ trợ, góp ý của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị sẽ mất nhiều thời gian trong việc tổng hợp báo cáo nên ảnh hưởng tiến độ chung của Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang.
Lực lượng chức năng Ban Quản lý vịnh Nha Trang thực hiện nhiệm vụ trên biển. |
Ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng BQL vịnh Nha Trang cho biết, so với Quyết định 2259 ngày 11-9-2012 của UBND tỉnh về việc thành lập BQL vịnh Nha Trang, sau 12 năm triển khai thực hiện, một số nội dung đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Do đó, việc UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2370 đã có những quy định rõ ràng hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn và quy định pháp luật hiện hành. Theo đó, BQL vịnh Nha Trang được bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn như: Được phép chủ trì kiểm tra hoặc tham mưu UBND TP. Nha Trang phối hợp với các ngành có liên quan xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên vịnh Nha Trang, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vượt quá thẩm quyền; được phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thu thập thông tin, tài liệu, số liệu có liên quan nhằm phục vụ công tác quản lý vịnh Nha Trang; được hợp đồng với các đơn vị tư vấn, trường, viện tiến hành các hoạt động nghiên cứu, điều tra, khảo sát để thực hiện nhiệm vụ; tổ chức phối hợp với các cơ quan chức năng tuần tra, kiểm tra các hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh Nha Trang và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm hành chính. BQL vịnh cũng được tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế để bảo vệ và phát huy các giá trị vịnh Nha Trang theo quy định pháp luật; thực hiện quyền, trách nhiệm trong công tác quản lý Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang theo Luật Thủy sản, Luật Đa dạng sinh học và các quy định của pháp luật khác liên quan… Các nội dung bổ sung đã quy định rõ ràng hơn về nhiệm vụ và quyền hạn của BQL vịnh Nha Trang để thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm an ninh, trật tự, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, công tác phối hợp, xâu chuỗi; giúp đơn vị chủ động hơn trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác danh lam thắng cảnh vịnh Nha Trang.
Được phép kinh doanh
Theo Quyết định số 2370, về cơ cấu tổ chức và số lượng người làm việc, BQL vịnh Nha Trang có trưởng ban và không quá 3 phó trưởng ban. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ gồm: Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng Bảo tồn, bảo vệ danh lam thắng cảnh, hệ sinh thái đa dạng và phát triển cộng đồng; Phòng Quản lý bến tàu và Dịch vụ du lịch, Phòng Kinh doanh và Truyền thông; Đội vệ sinh môi trường; Đội tuần tra bảo vệ; Đội cứu nạn, cứu hộ.
Theo ông Huỳnh Bình Thái: “Theo quyết định mới, BQL vịnh có thêm Phòng Kinh doanh và Truyền thông; đồng thời, bổ sung chức năng, quyền hạn cho BQL vịnh Nha Trang được phép tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đề án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức các hoạt động truyền thông theo quy định. Các phòng, ban truyền thông của BQL vịnh hoạt động gắn với Đề án Thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Nha Trang (sau khi được HĐND tỉnh thông qua) sẽ tạo thêm nguồn tài chính cho đơn vị. Điều này cũng cụ thể hóa các nhiệm vụ số 8 Nâng cao năng lực cho BQL vịnh Nha Trang và Đội công tác liên ngành trên vịnh Nha Trang đã đề ra trong Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030”.
Cùng với đó, BQL vịnh có nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý định kỳ hàng năm, 5 năm, 10 năm sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm, dịch bệnh; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong khu bảo tồn và trên vịnh Nha Trang. Đồng thời, tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý được giao nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của loài thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển và phát huy giá trị vịnh Nha Trang; giới thiệu, quảng bá, tham gia xúc tiến du lịch theo quy định pháp luật; nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh diện tích, vị trí các phân khu chức năng của khu bảo tồn biển; lập bản đồ và tổ chức đánh dấu các phân khu chức năng trên thực địa…
Theo Quyết định 2370, UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND TP. Nha Trang triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự; chỉ đạo kiểm tra việc xây dựng kế hoạch, phân bổ số lượng người làm việc; rà soát, ban hành vị trí việc làm của BQL vịnh Nha Trang theo quy định; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của BQL vịnh Nha Trang; xây dựng hoàn thiện quy chế quản lý, điều hành hoạt động; quản lý, kiểm tra việc tổ chức thực hiện theo quy định. Đồng thời, xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của BQL vịnh Nha Trang theo quy định của pháp luật; chỉ đạo triển khai đổi mới cơ chế tổ chức hoạt động, cơ chế tài chính theo đề án đã được duyệt.
THÁI THỊNH
Chung tay phục hồi vịnh Nha Trang - Kỳ 3: Xanh hóa những làng chài giữa biển
Chung tay phục hồi vịnh Nha Trang - Kỳ 4: Cần có cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả hơn
Chung tay phục hồi vịnh Nha Trang - Kỳ cuối: Hướng đến sự phát triển kinh tế biển xanh, bền vững
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin