Những năm qua, mô hình “Heo đất tiết kiệm” đã trở thành phong trào, nhân rộng ra các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Diên Khánh. Từ nguồn quỹ này đã giúp nhiều hội viên, trẻ em vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Hội Phụ nữ thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh) triển khai thực hiện mô hình từ năm 2021 đến nay. Hiện nay, có 17 con heo đất tại 15 chi hội phụ nữ và Hội Phụ nữ thị trấn. Vào các buổi họp, sinh hoạt tại chi hội, các hội viên, phụ nữ sẽ tham gia góp tiền để nuôi heo đất. Các chi hội sẽ thực hiện mổ heo đất định kỳ 1 năm/lần để hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Theo bà Lê Thị Kim Thoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn, nguồn quỹ tiết kiệm từ heo đất được các chi hội sử dụng làm nguồn vốn hỗ trợ cho chị em để buôn bán nhỏ, giúp đỡ hội viên lúc khó khăn, ốm đau, bệnh tật.
Mô hình “Heo đất tiết kiệm” được cán bộ, hội viên phụ nữ xã Diên Lâm tích cực tham gia hưởng ứng. |
Bà Nguyễn Thị Hòa (sinh năm 1973, trú Tổ dân phố Dinh Thành 1, thị trấn Diên Khánh) bị khuyết tật ở tay. Trước đây, bà làm thợ may ráp áo dài cho một cửa hàng may ở TP. Nha Trang, nhưng ít việc nên bà đành nghỉ về mở quán nước tại nhà. Công việc của chồng bà cũng bấp bênh, nên vợ chồng phải cố gắng làm việc, dành dụm để nuôi con gái ăn học. Biết được hoàn cảnh của bà, năm 2021, Hội Phụ nữ thị trấn đã hỗ trợ 5 triệu đồng và bàn ghế cũ để bà bán sinh tố, cà phê… kiếm thêm thu nhập. Năm 2023 và 2024, bà được Chi hội Phụ nữ Dinh Thành 1 cho vay không lấy lãi số tiền 2 triệu đồng/năm từ nguồn tiết kiệm heo đất, giúp bà có điều kiện mua thêm máy xay sinh tố phục vụ việc buôn bán. Bà Lại Thị Kim Thu - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Dinh Thành 1 cho biết, hàng năm, chi hội hỗ trợ cho khoảng 3 hội viên vay từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/người từ nguồn quỹ tiết kiệm heo đất. Các chị em được mượn vốn và trả trong một năm. Cứ thế, nguồn vốn xoay vòng hỗ trợ chị em những lúc khó khăn, có điều kiện để buôn bán nhỏ.
Bà NGUYỄN HOÀNG VÂN HẠ - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Với phương châm “góp gió thành bão”, mô hình “Heo đất tiết kiệm” đã được cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Diên Khánh triển khai và tích cực hưởng ứng, tham gia, phát huy hiệu quả thiết thực trong việc chia sẻ, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương. Trong thời gian tới, các cấp hội cần tiếp tục đẩy mạnh, nhân rộng mô hình để có thể giúp đỡ cho nhiều hội viên, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hơn nữa.
Tại xã Diên Lâm, mô hình “Heo đất tiết kiệm” cũng được cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia hưởng ứng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Ngoài thu gom phế liệu bán lấy tiền, các chị em còn dùng những khoản tiền thưởng từ các phong trào thi đua, tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày để làm nguồn quỹ bỏ vào heo đất. Bên cạnh heo đất được nuôi tại Hội Phụ nữ xã và 4 chi hội, còn có 775 con heo đất được hội viên nuôi tại nhà, dùng để trang trải cuộc sống và đóng góp một phần vào quỹ hỗ trợ hội viên nghèo. Trong năm 2024, từ những con heo đất tiết kiệm tại Hội Phụ nữ xã và các chi hội đã thu về được 30 triệu đồng. Số tiền này hội dùng để tặng quà cho các hội viên bị bệnh hiểm nghèo, trao phương tiện sinh kế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà cho 35 trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ em nghèo... Bà Trần Thị Hóa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã chia sẻ, nuôi heo đất tiết kiệm tuy không phải là phong trào mới nhưng đã giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ rèn tính tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày, tạo thói quen quản lý và sử dụng tiền hợp lý, hiệu quả. Nhờ nguồn quỹ này, hội huy động được nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ cho các gia đình hội viên nghèo về cây giống, con giống, buôn bán nhỏ, phương tiện làm việc… giúp họ ổn định cuộc sống.
Phong trào nuôi heo đất tiết kiệm ở thị trấn Diên Khánh nhận được sự hưởng ứng của nhiều người. |
Tại các địa phương khác trên địa bàn huyện cũng đều thực hiện mô hình này, trong đó các xã như: Suối Hiệp, Diên Tân, Diên Thọ… thực hiện khá hiệu quả. Theo bà Phạm Thị Hòa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Diên Khánh, mô hình không chỉ được thực hiện tại hội và các chi hội mà các hội viên cũng tham gia rất nhiều. Năm 2023, toàn huyện có 16.423 heo đất, trong đó 78 heo đất do hội và chi hội nuôi. Số tiền thu được từ heo đất do hội, chi hội nuôi là 132,6 triệu đồng đã dùng để tặng 332 suất quà (300.000 đồng/suất) cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; trao 65 suất học bổng (500.000 đồng/suất) cho học sinh vượt khó.
CHÂU TƯỜNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin