Mới đây, tại tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa và Tập đoàn Sơn Hải để nghe báo cáo về Dự án Đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hải đã báo cáo phương án, sự cần thiết đầu tư tuyến đường cao tốc kết nối 2 thành phố du lịch này.
Cần thiết đầu tư
Theo báo cáo của Tập đoàn Sơn Hải, hiện Quốc lộ 27C là tuyến đường duy nhất nối TP. Nha Trang với TP. Đà Lạt. Trên tuyến có đèo Khánh Lê dài khoảng 30km có địa hình quanh co hiểm trở, không thuận tiện cho các phương tiện vận chuyển trọng tải lớn. Quốc lộ 27C thường xuyên xảy ra sạt lở vào mùa mưa bão và các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Với quy mô đường cấp IV-III, Quốc lộ 27C có khả năng thông hành tối đa 10.000PCU (quy đổi ra khoảng 4.200 xe loại 5 chỗ/ngày đêm). Trong khi nhu cầu vận tải ngày càng cao, dự báo đến năm 2030 lưu lượng xe quy đổi khoảng 9.800 - 10.900PCU, dẫn đến tuyến đường sẽ mãn tải trước năm 2030. Với nhu cầu vận tải hàng hóa bằng phương tiện trọng tải lớn từ Tây Nguyên đến các cảng biển duyên hải Nam Trung Bộ ngày càng cao, nhu cầu kết nối 2 trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước là TP. Đà Lạt và TP. Nha Trang bằng một tuyến đường chất lượng cao và an toàn ngày càng lớn thì việc đầu tư đường bộ cao tốc nối 2 thành phố là cần thiết và cấp bách.
Hiện trạng Quốc lộ 27C nối TP. Nha Trang và TP. Đà Lạt. |
Từ thực tế đó, Tập đoàn Sơn Hải đã nghiên cứu và đưa ra phương án tuyến của Dự án Đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt. Theo đó, dự án có điểm đầu giao với cao tốc Bắc - Nam tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh; điểm cuối tại ngã ba Darahoa thuộc phường 12, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Tổng chiều dài của cao tốc khoảng 80km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 - 100km/giờ. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 29.642 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2028. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải cho rằng, Dự án Đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt rất phức tạp nên tổng mức đầu tư cao. Tuy nhiên, Tập đoàn Sơn Hải rất tâm huyết và mong muốn được đầu tư tuyến cao tốc này trở thành tuyến đường cao tốc vượt núi đẹp nhất Việt Nam.
Thúc đẩy phát triển vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
Theo lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hải, Dự án Đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sau khi đầu tư xây dựng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Nha Trang đến Đà Lạt còn khoảng 1 giờ 30 phút đến 2 giờ (so với hiện tại khoảng 3 giờ 30 phút đến 4 giờ). Đây là động lực lớn thu hút du khách tham gia các tour du lịch kết nối biển và hoa, thúc đẩy phát triển du lịch toàn vùng. Đồng thời, cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sẽ hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải, logistics...
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tính toán sơ bộ cho thấy Dự án Đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt ảnh hưởng đến hơn 400ha đất lâm nghiệp. Vì vậy, Tập đoàn Sơn Hải cần nghiên cứu các giải pháp thi công, phương án làm hầm chui… để giảm tối đa diện tích đất rừng bị ảnh hưởng. UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai xây dựng dự án trước năm 2030; chấp thuận phương án Nhà nước hỗ trợ 70% vốn ngân sách tham gia dự án để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; giao UBND tỉnh làm cơ quan thẩm quyền để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, hiện bộ chưa có kế hoạch bố trí vốn đầu tư Dự án Đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt. Tuy nhiên, đây là dự án cần thiết, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nên đề nghị 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng nghiên cứu, chuẩn bị kỹ kế hoạch đầu tư để tiến tới hình thành được chủ trương đầu tư. Sau đó, Bộ Giao thông vận tải mới có thể giải quyết được một số kiến nghị của 2 tỉnh, nhà đầu tư cụ thể và chi tiết hơn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: Đây là công trình hết sức quan trọng kết nối miền Trung với Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cần đồng hành, phối hợp với 2 địa phương và Tập đoàn Sơn Hải nghiên cứu để xây dựng các giải pháp về kỹ thuật tối ưu nhất, tính toán kỹ lưỡng hơn nữa để giải quyết được các đoạn có chênh lệch địa hình cao, xác định các hướng tuyến và khoảng cách tuyến có tính chính xác cao hơn, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.
VĂN KỲ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin