22:16, 11/09/2024

Để phụ nữ khẳng định mình - Kỳ 1: Dấu ấn phụ nữ ở cơ sở

C.TƯỜNG - H.NGÂN

Những năm qua, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh Khánh Hòa đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh trên các lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh tỉnh đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 09, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để vai trò đó được phát huy hơn nữa, cần có những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ khẳng định mình. 

Kỳ 1: Dấu ấn phụ nữ ở cơ sở

Nhiệt tình, tâm huyết với nhiệm vụ được giao, nhiều phụ nữ ở cơ sở đã có những giải pháp thiết thực nhằm góp phần thay đổi diện mạo của thôn, xã.

Bí thư đảng ủy xã sâu sát với dân

 

Men theo những cung đường quanh co uốn lượn, chúng tôi đến Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa), xã đảo nên thơ nằm nép mình dưới chân núi Hòn Hèo. Những mái nhà, ruộng tỏi, dáng người thấp thoáng bình yên níu chân khách đến. Ninh Vân vốn là một vùng quê hoang sơ, biệt lập, giao thông cách trở, người dân quanh năm bám biển mưu sinh, bị cái nghèo đeo bám. Nhiều người không dám nghĩ nơi đây sẽ có một ngày có điện lưới quốc gia, đường sá thông thương, nhà cửa khang trang, công nghệ thông tin, wifi phủ sóng... Để có một Ninh Vân “thay da đổi thịt” như hiện tại, không thể không nhắc tới những đóng góp của bà Trà Thị Bông Sen (sinh năm 1970) - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, người con của mảnh đất này. Trước khi là Bí thư Đảng ủy xã từ năm 2020, bà Sen đã có 10 năm trong vai trò Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND xã. Dù ở cương vị nào, bà cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm để góp một phần công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng, đổi mới quê hương.

Bà Sen trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Cây tỏi được trồng thử nghiệm tại Ninh Vân từ năm 1998, nhưng đến năm 2010 diện tích trồng tỏi chỉ được 12ha. Nhìn đất đai bỏ hoang còn nhiều, bà Sen đã tìm hiểu, vận động người dân đầu tư trồng tỏi vì loài cây này có lợi nhuận cao hơn so với cây trồng khác. Từ năm 2015 - 2017, diện tích trồng tỏi phát triển rầm rộ (năm 2016 đạt 55ha), thu nhập của các hộ dân tăng, nhiều người đã xây được nhà, sắm sửa tiện nghi, nâng cao đời sống. Những năm tiếp theo, bà tiếp tục hướng dẫn người dân tiếp cận nguồn vốn vay, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bà Sen tâm niệm, để tuyên truyền, vận động người dân hiệu quả thì người cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Để người dân tự nguyện hiến đất làm đường, bà không ngại đi lại nhiều lần, kiên trì giảng giải. Bà đội mưa, xắn tay giúp người dân chằng chống nhà cửa, thuyết phục người dân đưa ghe vào bờ tránh bão. Bà còn tổ chức quy hoạch hố rác tập trung để vận động người dân giữ vệ sinh môi trường biển, từng bước thay đổi những thói quen chưa tốt... Nhờ sự quyết đoán nhưng vẫn mềm mỏng, sâu sát, gần gũi với nhân dân, bà nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của bà con. Từ đó, giúp đỡ nhân dân ngày càng tốt hơn, tạo cầu nối thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân” để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.

 

Cùng với tập thể lãnh đạo xã, bà Sen đã giúp cho những tuyến đường bê tông xi măng liên thôn, liên xóm thành hình; chợ, trung tâm thể thao xã; hệ thống nước sinh hoạt; phòng hành chính Trường Tiểu học Ninh Vân... được xây dựng, góp phần đưa Ninh Vân trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2018. Nhiều năm liền, bà Sen được Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được Chính phủ tặng bằng khen vào năm 2020. “Mong muốn của tôi là có thể hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng tại Ninh Vân, từ đó sẽ góp phần nâng cao đáng kể thu nhập của người dân trên địa bàn xã”, bà Sen chia sẻ.

Cán bộ hội năng động, tâm huyết

Gác lại công việc cuối ngày, bà Mai Đỗ Thị Phước Châu (sinh năm 1973) - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang cùng các chị em trong hội đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Hải ở Chi hội 2 Tây Sơn. Cơn bạo bệnh ập đến khiến chồng bà Hải qua đời, để lại một mình bà nuôi con nhỏ và người em bị bệnh tâm thần trong căn nhà lụp xụp, chắp vá. Nhờ nguồn hỗ trợ xây dựng “Mái ấm tình thương” 92 triệu đồng từ Hội Phụ nữ phường và một số nguồn hỗ trợ khác, bà Hải đã xây mới căn nhà tươm tất hơn, vơi bớt nỗi lo về nơi ăn, chốn ở.

Bà Mai Đỗ Thị Phước Châu trao phương tiện sinh kế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

 

Lớn lên trong một gia đình thuần nông, rồi lấy chồng về xứ đảo, sau đó làm việc trong ngành lao động - thương binh và xã hội, thường xuyên tiếp xúc với người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bà Châu hiểu và đồng cảm với những bất hạnh của người dân, nhất là phụ nữ. Vì vậy, từ khi tham gia công tác hội phụ nữ (tháng 11-2018) đến nay, bà luôn đặt “Tâm - tín - tầm nhìn” làm kim chỉ nam để thực hiện các hoạt động. Bà đã cùng các cán bộ hội đi sâu đi sát từng hoàn cảnh gia đình, động viên tinh thần, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến hội viên. Bà triển khai nhiều mô hình, hoạt động giúp đỡ hội viên, phụ nữ như: "Nuôi heo đất tiết kiệm", "Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo", "Cặp lá yêu thương", "San sẻ yêu thương, thêm hương ngày Tết"… Không chỉ giúp chị em hiểu được quyền lợi khi đến với tổ chức hội, bà còn tích cực vận động mạnh thường quân trao tặng hàng trăm suất quà cho các hoàn cảnh khó khăn. “Tôi luôn đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của chị em để đồng cảm, chia sẻ với họ. Từ đó, hiểu và nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của hội viên để tìm cách hỗ trợ, với mong muốn giúp chị em có cuộc sống tốt hơn”, bà Châu tâm sự.

 

Dưới sự “chèo lái” của bà Châu, Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên đã chung tay cùng địa phương, đơn vị thực hiện công tác giảm nghèo, chăm lo tốt cho các trường hợp khó khăn, đơn thân bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, đến cuối tháng 6-2024, phường không còn hộ nghèo, chỉ còn 81 hộ cận nghèo. Những mô hình hay, cách làm hiệu quả của hội đã thu hút đông đảo hội viên tham gia và nhận được sự hỗ trợ hết mình của các mạnh thường quân, đưa Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên trở thành "cánh chim đầu đàn" trong công tác hội của TP. Nha Trang, dẫn đầu Hội Liên hiệp Phụ nữ khối biển 5 năm, dẫn đầu toàn thành phố 3 năm qua. Bản thân bà Châu nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Đảng ủy, phường, thành phố, tỉnh và hội phụ nữ các cấp. Năm 2023, bà được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc.

Nữ trưởng thôn 8X người Raglai được dân tin yêu

Thôn Cà Hon, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh có 297 hộ dân với 1.152 nhân khẩu, trong đó có 97% là người dân tộc thiểu số. 9 năm trước, con đường bê tông sạch đẹp trong thôn (dài khoảng 700m, giáp với tổ 6 của thôn Bến Khế) dẫn vào tận rẫy thay thế cho con đường lầy lội, bụi bặm trước kia đã tạo điều kiện cho người dân vận chuyển nông sản thuận tiện, giá trị nông sản nhờ đó tăng lên đáng kể. Để có con đường này, bà Cao Thị Thắm (sinh năm 1984, người Raglai), trưởng thôn cùng các cán bộ thôn đã từng phải kiên trì thuyết phục một hộ dân tham gia hiến đất làm đường. “Ban đầu, gia đình này chưa hiểu được lợi ích của việc có đường vào rẫy nên kiên quyết không đồng ý. Khi được phân tích, họ đã hiểu và đồng thuận. Giờ đây, có con đường mới, ai nấy đều vui mừng, phấn khởi”, bà Thắm cho hay.

Bà Thắm đến nhà tuyên truyền vận động người dân thực hiện phòng chống sốt rét.
Bà Cao Thị Thắm đến nhà tuyên truyền vận động người dân thực hiện phòng, chống sốt rét.

Được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn từ năm 2011, bà Thắm luôn thể hiện tinh thần hăng hái, nhiệt tình trong công việc và gần gũi với người dân. Để hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, khi có chương trình tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, bà Thắm không chỉ đến từng nhà phát giấy mời mà còn giải thích cho họ hiểu được lợi ích khi tham gia. Ban đầu, chỉ vài hộ có mặt, dần dà, những nội dung tập huấn thiết thực, được áp dụng hiệu quả vào sản xuất, mang lại giá trị kinh tế đã thu hút đông đảo bà con. “Để người dân hiểu, thay đổi suy nghĩ, tự vươn lên trong cuộc sống, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ thì mình phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phải nói sao cho bà con dễ hiểu, dễ làm, hướng dẫn trực tiếp cho họ. Người dân cần lúc nào là mình phải có mặt lúc đó để trợ giúp”, bà Thắm chia sẻ.

 

Bên cạnh đó, những năm qua, bà đã vận dụng các chính sách hỗ trợ phương tiện sinh kế phù hợp với hoàn cảnh để giúp người dân giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, năm 2022, thôn có 117 hộ nghèo nhưng đến nay chỉ còn 75 hộ nghèo và mục tiêu đến cuối năm 2024 giảm tiếp 30 hộ. Những đóng góp của bà đã giúp thôn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa liên tục từ năm 2012 đến 2023. Bản thân bà hàng năm đều được xã, huyện khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nói về trưởng thôn của mình, bà Cao Thị Hồng Điểm (sinh năm 1989) cho biết: “Bà Thắm rất tốt, nhiệt tình, người dân gọi điện thoại giờ nào bà cũng đều nghe máy để nắm tình hình và hướng dẫn cách giải quyết sự việc nhanh chóng, kịp thời”.

C.TƯỜNG - H.NGÂN

Kỳ 2: Nhiều đóng góp, nhưng vẫn còn rào cản