Qua hơn 12 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn, tỉnh Khánh Hòa luôn chú trọng đầu tư phát triển lĩnh vực giáo dục. Nhờ đó, lĩnh vực giáo dục đã đạt được kết quả quan trọng.
Từ khu vực thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo xa xôi đều được tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị giảng dạy, sửa chữa, xây mới trường lớp, bố trí nhân lực quản lý và giảng dạy ở các cấp học. Tỉnh cũng luôn ưu tiên nguồn lực cho phổ cập giáo dục, đặc biệt là ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngành giáo dục tỉnh nhà duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học; công tác xóa mù chữ cho người lớn có chuyển biến tích cực, khuyến khích người mới biết chữ tiếp tục học tập để không tái mù chữ; giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được quan tâm hơn, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp trung học lựa chọn hướng đi phù hợp, tiếp cận nghề nghiệp…
Tuy nhiên, do trong bối cảnh tình hình kinh tế cả nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng vẫn còn gặp khó khăn; đời sống, thu nhập của nhân dân không đồng đều nên ở một số nơi vẫn còn có những hộ gia đình không có điều kiện kinh tế để chăm lo cho con em học hành đến nơi đến chốn. Thực tế đã có nhiều trường hợp phải bỏ dỡ giấc mơ đến trường của mình để đi làm phụ giúp gia đình… Để những hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục học tập trong các môi trường khác nhau, tháng 1-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Nhằm lãnh đạo triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 29 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh trong năm học 2024 - 2025 và những năm tiếp theo, tháng 5-2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 202-KH/TU để thực hiện chỉ thị nói trên. Mục tiêu đặt ra: Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành mục tiêu về phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo. Đến năm 2030, thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động để góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ toàn tỉnh cao hơn 40%; trên địa bàn tỉnh có cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng. Tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mẫu giáo vào năm 2030. Tiếp tục duy trì chất lượng đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; thực hiện tốt việc huy động người trong diện xóa mù chữ theo học các lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, nhất là với người từ 35 đến 60 tuổi.
Với Kế hoạch số 202 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ góp phần đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo trong Chương trình hành động số 30 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, sẵn sàng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Để thực hiện thành công mục tiêu nêu trên, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong toàn tỉnh vẫn còn nhiều việc phải làm. Trước mắt, UBND tỉnh đang tổng hợp ý kiến của các sở, ban, ngành liên quan góp ý về dự thảo kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Kế hoạch số 202 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, nhiều chỉ tiêu cụ thể theo từng năm, từng giai đoạn; nhiều nhiệm vụ, giải pháp đang được đề ra.
Hy vọng, khi kế hoạch của UBND tỉnh được triển khai sẽ mở ra thêm nhiều hướng đi mới trong công tác giáo dục và đào tạo, để hướng đến đạt những mục tiêu cao hơn trong phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa trình độ dân trí trong toàn tỉnh.
ĐẠI HẢI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin