Ngày 20-9, tại TP. Nha Trang, Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo báo chí tỉnh Khánh Hòa lần thứ XI - năm 2024 với chủ đề “Vai trò của báo chí trong xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn mới”. Cùng ngày, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao Giải báo chí Nam Trung Bộ lần thứ I - năm 2024. Nhân dịp này, ông Đoàn Minh Long - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa.
Ông Đoàn Minh Long - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh. |
- Hội thảo lần này đề cập đến một vấn đề khó, đó là công tác cán bộ. Vậy, từ hội thảo, ông kỳ vọng sẽ mang đến những điều gì đối với các cấp lãnh đạo của tỉnh, đội ngũ phóng viên, nhà báo và công chúng báo chí?
- Chúng tôi chọn chủ đề cho hội thảo báo chí năm 2024 là “Vai trò của báo chí trong xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn mới”. Thông qua đó, chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là diễn đàn thông tin, quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ của tỉnh Khánh Hòa. Hội thảo cũng là dịp tuyên truyền Nghị quyết số 26, ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết số 07, ngày 11-1-2021 của Tỉnh ủy về Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025. Thông qua hội thảo, thêm một lần xác định rõ quan điểm chỉ đạo, chỉ tiêu, các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể đối với công tác cán bộ trong bối cảnh hiện nay; nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Chương trình phát triển nguồn nhân lực; cung cấp thông tin, chia sẻ về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ… Từ đó, góp phần để đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ được lắng nghe, trao đổi, đề xuất giải pháp để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
Hội thảo đã nhận được hơn 30 tham luận của tác giả, nhóm tác giả về những nhóm vấn đề như: Những giải pháp triển khai hiệu quả Nghị quyết số 26, Nghị quyết số 07; vai trò của báo chí truyền thông trong công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 26, Nghị quyết số 07; những giải pháp nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới; đổi mới công tác quy hoạch, đột phá trong công tác tạo nguồn và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ gắn với trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; xây dựng, phát triển nguồn nhân lực trẻ người dân tộc thiểu số; thực tiễn xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ tại các địa phương; chính sách tuyển dụng, nâng cao chất lượng nguồn cán bộ trẻ, chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ ứng cử các chức danh lãnh đạo, quản lý; cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
- Có thể thấy, chủ đề về xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là chủ đề được dư luận xã hội, nhất là các cơ quan báo chí thường xuyên quan tâm. Theo ông, vấn đề này có những đặc điểm gì đáng chú ý?
- Trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn, tinh thần năng động, sáng tạo và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có đóng góp của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa rất tích cực triển khai các nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xem đây là một trong 4 khâu đột phá chiến lược quan trọng. Nhiều chương trình, đề án, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý trẻ đã được ban hành, tạo động lực để các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ, xuyên suốt và có hệ thống từ trung ương tới cơ sở.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực này vẫn còn một số hạn chế nhất định. Bởi đây là đề tài khó, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu, nên rất cần có những cuộc hội thảo, tọa đàm làm rõ những hạn chế, nguyên nhân của hạn chế trong việc khai thác, đưa tin về vấn đề này. Từ đó, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả truyền thông về lĩnh vực này trong thời gian tới. Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội thảo “Vai trò của báo chí trong xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn mới” vừa có tính thời sự vừa có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước và hoạt động báo chí truyền thông. Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ vấn đề “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”; việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền về các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về vấn đề này; vai trò của báo chí trong xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo khi đưa tin về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ hiện nay… Tất cả đều cần được nhìn nhận một cách thấu đáo để hoạt động thông tin, tuyên truyền về vấn đề này được hiệu quả hơn.
- Thưa ông, hôm nay, tại TP. Nha Trang cũng diễn ra lễ trao Giải báo chí Nam Trung Bộ lần thứ I - năm 2024. Đây là lần đầu tiên Giải báo chí Nam Trung Bộ được tổ chức. Ông có thể cho biết một số thông tin cụ thể về giải?
- Sau khi nhận được sự chỉ đạo của Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về việc phát động, tổ chức lễ trao Giải báo chí Nam Trung Bộ lần thứ I - năm 2024, Hội Nhà báo tỉnh đã khẩn trương tiến hành các bước để thực hiện đúng theo kế hoạch, chương trình đã định. Đây là lần đầu tiên Giải báo chí khu vực Nam Trung Bộ (từ TP. Đà Nẵng đến tỉnh Ninh Thuận) được tổ chức nhằm khuyến khích, động viên các tác giả, người làm báo khu vực thêm nhiệt huyết, gắn bó với nghề. Sau thời gian phát động, Ban tổ chức giải đã nhận được 250 tác phẩm báo chí thuộc các thể loại báo in, báo nói (phát thanh), báo hình (truyền hình), báo điện tử của các phóng viên, nhà báo công tác tại các cơ quan báo chí trong khu vực gửi về tham dự. Nội dung chủ yếu của các tác phẩm phản ánh về mọi mặt lĩnh vực kinh tế - xã hội ở 7 tỉnh, thành phố trong khu vực. Qua thời gian chấm giải nghiêm túc, Hội đồng giám khảo đã đề nghị Ban tổ chức Giải báo chí khu vực Nam Trung Bộ trao 22 giải nhất, nhì, ba, khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc ở 2 hạng mục: Báo in và báo điện tử; phát thanh và truyền hình.
Trong khuôn khổ lễ trao Giải báo chí khu vực Nam Trung Bộ lần thứ I, Ban tổ chức giải phối hợp với các đơn vị thực hiện những hoạt động ý nghĩa như: Trao 200 phần quà cho ngư dân tỉnh Khánh Hòa, trị giá mỗi phần quà 5 triệu đồng trong Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”; trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học với tổng trị giá 100 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí 70 triệu đồng xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn… Nhân dịp này, Hội Nhà báo tỉnh phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Bắc khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
- Xin cảm ơn ông!
NHÂN TÂM (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin