20:51, 15/09/2024

Bồi đắp tình yêu đất nước cho thế hệ trẻ - Kỳ cuối: Lan tỏa “lửa nhiệt tình”

VĨNH THÀNH - NGUYỄN VŨ

Kỳ cuối: Lan tỏa “lửa nhiệt tình”

Khi mỗi người trẻ đều có trong mình ngọn lửa nhiệt tình, lớp trẻ sẽ có sức mạnh to lớn dựng xây quê hương. Để bồi đắp tình yêu đất nước, các cấp bộ đoàn, đội, hội không ngừng đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục, định hướng thanh, thiếu nhi tham gia vào những hoạt động ý nghĩa.

Nhiều cách lan tỏa tình yêu đất nước

“Năm 2016-2017, đi khảo sát ở xã Cam Hiệp Bắc (huyện Cam Lâm), tôi bất ngờ biết có 14-15 hộ thiếu nhà vệ sinh. 50 triệu đồng có được là số tiền lớn nhất mà nhóm vận động được từ khi thành lập đến lúc đó, nhưng cũng chỉ đủ xây 8 nhà vệ sinh. Ngày bàn giao, một cụ bà ôm tôi cảm ơn, khóc và nói, hơn 60 năm qua, bà chưa biết nhà vệ sinh là gì. Tôi bỗng thấy ấm áp vì nhóm đã làm được chút việc ý nghĩa. Chúng tôi tự nhủ nhất định phải tiếp tục hỗ trợ người dân”, anh Phạm Thanh Toàn (40 tuổi, Trưởng nhóm thiện nguyện Haly Hely Nha Trang) nhớ lại câu chuyện đã thực sự làm thay đổi hướng thiện nguyện của nhóm.

Anh Phạm Thanh Toàn (mũ đen, ở giữa) cùng các thành viên của Haly Hely với niềm vui khi thực hiện hoàn thành giếng nước sạch cho bà con xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh).
Anh Phạm Thanh Toàn (mũ đen, ở giữa) cùng các thành viên của Haly Hely với niềm vui khi thực hiện hoàn thành giếng nước sạch cho bà con xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh).

Qua 12 năm hoạt động, từ chỗ chỉ trao tặng lương thực, nhu yếu phẩm, bánh kẹo, sách vở, tổ chức vui chơi cho các em nhỏ khó khăn, nhóm đã chuyển dần sang trao tặng những món quà có thể sử dụng lâu dài, như các công trình thư viện tự làm, hệ thống nước lọc cho trường học, nhà vệ sinh, giếng đào cho người dân. “Có hàng trăm cách cống hiến cho cộng đồng, nhưng theo tôi, trước tiên cần học cách cảm nhận nỗi khốn khó của người khác. Quỹ nhóm không nhiều nên càng phải nghĩ cách sử dụng sao cho hiệu quả, làm sao để việc ủng hộ tuy nhỏ nhưng vẫn giúp ích được lâu dài”, anh Toàn nói. Từ nguồn tiền quyên góp, đến nay, nhóm Haly Hely Nha Trang đã hỗ trợ xây dựng được 1 căn nhà cho hộ nghèo ở xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh), 15 giếng, gần 20 nhà vệ sinh… Mừng hơn là hoạt động của nhóm được nhiều bạn ủng hộ. Có chuyến thiện nguyện huy động được gần 80 người. Có bạn mới đi làm cũng tiết kiệm vài trăm ngàn đồng hàng tháng để ủng hộ nhóm. Có bạn ra nước ngoài cũng gửi về ủng hộ...

Hiện nay, trong khuôn viên Trường THPT Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang) đã có thêm cột mốc Trường Sa do Đoàn Khối doanh nghiệp tỉnh thực hiện. Giờ đây, học sinh đã có thêm điểm "check-in" thú vị, đồng thời có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin kinh độ, vĩ độ... trên cột mốc như "bản chính" ở nơi đầu sóng ngọn gió... "Dù chưa được đặt chân tới Trường Sa, nhưng mỗi ngày đi học, thấy cột mốc Trường Sa, em như được nhắc nhở về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", em Võ Nguyễn Bảo Hà, học sinh khối 11 chia sẻ.

Mô hình cột mốc đảo Trường Sa tại Trường THPT Lý Tự Trọng nhắc nhở những bạn trẻ về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Mô hình cột mốc đảo Trường Sa tại Trường THPT Lý Tự Trọng nhắc nhở những bạn trẻ về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đến thăm Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa), ngắm những kỷ vật, hình ảnh tại phòng truyền thống, anh Hồ Tấn Tiến, đoàn viên xã Ninh An (thị xã Ninh Hòa) chia sẻ: “Tôi từng được nghe, đọc về trận chiến lịch sử ở Vườn Gòn - Đá Bàn, nhưng tới đây, tận mắt thấy những mảnh kỷ vật, khẩu súng từng "đỏ nòng" để bảo vệ quê hương và nghe giới thiệu về trận chiến, tôi mới cảm nhận rõ hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, sự anh dũng của cha ông và thêm tự hào về lịch sử dân tộc". Theo anh Phạm Tấn Lai - Bí thư Đoàn xã Ninh Sơn, từ khi khánh thành (tháng 4-2023) đến nay, nơi đây đã trở thành địa điểm để các tổ chức đoàn tổ chức đến tìm hiểu lịch sử. Đoàn viên, thanh niên xã cũng thường xuyên phối hợp tổ chức thắp nến tri ân, kết nạp đoàn, đội… tại đây.

Đoàn viên, thanh niên thị xã Ninh Hòa tìm hiểu lịch sử tại Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn.
Đoàn viên, thanh niên thị xã Ninh Hòa tìm hiểu lịch sử tại Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn.

Còn tại phường Vạn Thạnh (TP. Nha Trang), anh Quảng Đại Thành - Bí thư Đoàn phường chia sẻ, những năm gần đây, đoàn phường cũng tổ chức giáo dục truyền thống, lịch sử cho đoàn viên, thanh niên theo hình thức "mắt thấy, tai nghe", đẩy mạnh hoạt động về nguồn, kết nạp đoàn tại địa chỉ đỏ, đến thăm, trò chuyện với nhân chứng lịch sử..., giúp các bạn trẻ ghi nhớ sâu hơn; việc giáo dục truyền thống đạt hiệu quả cao hơn. Anh Chu Minh Phương - Quyền Bí thư Thành đoàn Nha Trang cho biết, chuyển đổi số, mạng xã hội đã mang lại nhiều thuận lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu nhi, nhưng thách thức đi kèm là các bạn cũng có thể tiếp cận thông tin xấu độc, thiếu kiểm chứng. Vì vậy, Thành đoàn luôn chú ý trang bị kỹ năng phòng tránh, cung cấp thông tin chính thống, triển khai nhiều nội dung thu hút thanh thiếu nhi trên không gian mạng.

Đoàn phường Vạn Thạnh cùng các tổ chức đoàn tổ chức lễ kết nạp đoàn tại địa chỉ đỏ.
Đoàn phường Vạn Thạnh cùng các tổ chức đoàn tổ chức lễ kết nạp đoàn tại địa chỉ đỏ.

Được nhiều người biết đến bởi ngoài dạy học còn thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn cho thiếu nhi, học sinh, thầy Phạm Vũ Thanh An (Trường THCS Võ Văn Ký, TP. Nha Trang) nhìn nhận, các bạn trẻ luôn có trong mình tình yêu quê hương, đất nước, quan trọng là khơi dậy được tình yêu đó. "Nhiều lần tổ chức, tham gia hoạt động về nguồn cùng học sinh tại căn cứ cách mạng Đồng Bò (TP. Nha Trang), tôi thấy, sau khi tìm hiểu, trải nghiệm làm bếp Hoàng Cầm, làm băng ca cứu thương..., các em đều có cảm xúc tích cực; nhiều em bày tỏ biết ơn các thế hệ đi trước trên Facebook; chủ động tìm hiểu địa chỉ đỏ khác và đề xuất được đi tiếp", thầy An chia sẻ.

Đổi mới, nâng cao vai trò của tổ chức đoàn

Ngày 30-3-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 47 về đẩy mạnh, nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng địa phương cho học sinh, sinh viên và thanh niên tỉnh. Từ đó, công tác tuyên truyền, giáo dục của đoàn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương. Các hoạt động của đoàn cũng được gia tăng lượng thông tin chính trị, lịch sử, định hướng phát triển văn hóa. Chuyên mục "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp" đều đặn được đăng trên mạng xã hội. Những ứng xử văn minh của học sinh, đội viên khi tham gia mạng xã hội được truyền thông liên tục trên diễn đàn trường học “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường”. Câu lạc bộ lý luận trẻ trong thanh niên cấp tỉnh, cấp huyện kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng thanh niên; chủ động thông tin phản bác những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch. Anh Trần Anh Tuấn - Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Sự phát triển của mạng xã hội, sự lan truyền nhanh của thông tin mạng đặt ra không ít khó khăn cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bồi đắp lòng yêu nước trong thế hệ trẻ. Thời gian tới, Tỉnh đoàn, đoàn các cấp tiếp tục duy trì những mô hình hiệu quả, nỗ lực nghiên cứu đổi mới, đa dạng giải pháp giáo dục để bồi đắp tình yêu đất nước cho các bạn trẻ”.

Đoàn trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - Nha Trang giáo dục lịch sử, lòng yêu nước bằng cách tổ chức hành trình “Hướng về biển, đảo quê hương” tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Đoàn trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - Nha Trang giáo dục lịch sử, lòng yêu nước bằng cách tổ chức hành trình “Hướng về biển, đảo quê hương” tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, trước đây, những phong trào của đoàn thanh niên như: "Theo bước chân những người anh hùng", "Theo chân Bác"... đã góp phần quan trọng xây dựng thế hệ thanh niên nhiệt huyết, sẵn sàng xông pha, tham gia lập thân, lập nghiệp, giữ nước. Những năm gần đây, các loại hình thông tin phát triển rất mạnh mẽ, thông qua mạng xã hội, thanh niên dễ dàng bày tỏ tư tưởng, tâm trạng, suy nghĩ của mình. Thế nhưng, cũng có một số tư tưởng, suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc được đăng tải, tác động lớn đến quá trình hình thành nhân cách, lối sống và suy nghĩ của thanh niên, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, trong điều kiện kinh tế thị trường, đâu đó thanh niên còn chú trọng đòi hỏi quyền lợi, chế độ, ưu tiên... nhiều hơn là cống hiến, sẵn sàng nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ. Do đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên gắn với lập thân, lập nghiệp để trở thành công dân có ích cho xã hội gặp nhiều khó khăn. Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh cần có nhiều diễn đàn thanh niên, động viên thanh niên bày tỏ suy nghĩ ngay tại diễn đàn và thực sự lắng nghe thanh niên nói. Từ đó, có thể nắm bắt, giải đáp thẳng thắn, giúp thanh niên có những góc nhìn đa chiều, hướng đi tích cực. Phong trào thanh niên cũng cần thiết thực, gắn dựng xây quê hương với xây dựng cho chính gia đình thanh niên.

"Mỗi bạn trẻ cũng cần xác định rõ lý tưởng cao đẹp nhất của thanh niên là xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, mới có lý tưởng, động cơ trong sáng, không chạy theo những vấn đề tiêu cực trong xã hội. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ góp phần xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, có bản lĩnh chính trị, có lối sống đẹp, có trách nhiệm, xung kích, tình nguyện, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Với hành trang là lòng yêu nước, cùng trí tuệ, lòng nhiệt tình và hoài bão phấn đấu, tôi tin tưởng lớp trẻ hiện nay sẽ vững vàng tiếp bước con đường mà các thế hệ cha ông đã xây dựng và gìn giữ”, ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.

Từ đầu năm đến nay, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã đăng tải hơn 2.800 tin, bài tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tổ chức hàng trăm lượt truyền thông về ứng xử văn minh của học sinh, đội viên khi tham gia mạng xã hội. Mỗi năm, thanh niên toàn tỉnh có gần 300 hoạt động về nguồn, về địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa. Các cơ sở đoàn, hội cũng tổ chức kết nạp tại địa chỉ đỏ cho hơn 7.000 đoàn viên, đội viên; gắn mã QR giới thiệu lịch sử, văn hóa tại các địa danh, di tích lịch sử, văn hóa; thực hiện 21 mô hình cột mốc Trường Sa tại trường học với tổng kinh phí 980 triệu đồng, phấn đấu đến năm 2027, tất cả trường học đều có công trình này.

VĨNH THÀNH - NGUYỄN VŨ 

Kỳ 1: “Thắp lửa” tình yêu đất nước