23:11, 14/09/2024

Bồi đắp tình yêu đất nước cho thế hệ trẻ - Kỳ 1: “Thắp lửa” tình yêu đất nước

VĨNH THÀNH - NGUYỄN VŨ

Ngày nay, cách thế hệ trẻ đóng góp cho cộng đồng, thể hiện tình yêu quê hương đất nước có đôi chút khác biệt với các thế hệ cha anh, nhưng lửa nhiệt tình thì không thay đổi. Dưới sự quan tâm của các cấp, ngành, sự dẫn dắt của các tổ chức đoàn, đội, tình yêu quê hương xứ sở đã lan tỏa mạnh mẽ trong những người trẻ.

Lá cờ Tổ quốc được xếp từ giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện.
Lá cờ Tổ quốc được xếp từ giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện.

Kỳ 1: “Thắp lửa” tình yêu đất nước

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Thấm nhuần lời của Bác, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã ra sức thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không ngần ngại xung kích, sáng tạo, xông pha vào mọi phần việc, góp phần xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, có bản lĩnh chính trị, có lối sống đẹp, có trách nhiệm... 

Tôi yêu màu áo xanh

Tối 13-9 (11 tháng Tám âm lịch), Trường Tiểu học Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa) sôi động khác ngày thường bởi tiếng cười, tiếng hô của hơn 700 học sinh tham gia "Đêm hội trăng rằm" năm 2024. Trung thu năm nay không có văn nghệ, múa lân, bởi nhiều bạn nhỏ miền Bắc còn chịu cảnh lội nước, dầm sương vì tốc mái, lụt lội, sạt lở do cơn bão số 3, nhưng chỉ cần thực hiện xong màn đố vui, lưng áo xanh của nhiều anh chị đoàn viên đã đẫm mồ hôi… Với Phan Thiện Nhân, chàng trai 17 tuổi ở Đoàn xã Ninh Sơn, đó là những giọt mồ hôi hạnh phúc. Giữa vô vàn ánh mắt long lanh hạnh phúc và bước chân tự tin của các em nhỏ được cha mẹ dẫn tới, anh thấy một cậu bé khoảng lớp 6-7 ngập ngừng chưa vào. Cậu nhỏ hơn các bạn cùng tuổi, ánh mắt háo hức vô cùng, nhưng bước chân rất rụt rè. Hỏi han hồi lâu, anh mới biết em mồ côi cha, mẹ không đi được nên em tự đi vì “chưa bao giờ được xem hội trung thu to thế”.

Chương trình Đêm hội trăng rằm được tổ chức tối 13-9 tại xã Ninh Sơn.
Chương trình "Đêm hội trăng rằm" được tổ chức tối 13-9 tại xã Ninh Sơn.

“Nghe em nói mà rưng rưng trong lòng. Buổi lễ kết thúc, được nhận món quà nhỏ, ánh mắt em ngời ngời phấn chấn. Em cười tươi bảo phải về nhà ngay, rồi ôm gói quà chạy vụt đi. Tôi như cảm nhận được niềm hạnh phúc đang dâng trào trong em. Chắc chắn em đã có một đêm trung thu ấm áp và tôi cũng vậy. Tôi yêu màu áo xanh tình nguyện! Hoạt động đoàn đã cho tôi những trải nghiệm đáng quý về sự nhiệt huyết, tự tin, đặc biệt là tinh thần san sẻ yêu thương. Với tôi, yêu nước là biết yêu văn hóa, lịch sử nước nhà, yêu mảnh đất mình đang sống, biết sẻ chia với hoàn cảnh khó khăn, trân trọng hạnh phúc hiện tại, tích cực học tập, cống hiến sức trẻ cho sự phát triển của quê hương. Sắp tới đi học đại học, tôi sẽ nỗ lực học tập, tham gia các hoạt động của đoàn trường để cống hiến cho quê hương, để quê hương không còn những em nhỏ thiếu niềm vui trẻ thơ”, Nhân tâm sự.

Các tổ chức đoàn trao quà trung thu cho thiếu nhi tại đảo Điệp Sơn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh).
Các tổ chức đoàn trao quà trung thu cho thiếu nhi tại đảo Điệp Sơn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh).

Lá cờ Tổ quốc đặc biệt

Những ngày tháng Tám lịch sử vừa qua, trên các trang mạng xã hội, nhiều người trẻ đã thể hiện tình yêu đất nước bằng nhiều cách. Có người chia sẻ giai điệu hào hùng về đất nước; có người thay đổi ảnh đại diện để chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 và nhắc nhở bản thân, bạn bè về những hy sinh của thế hệ cha anh cho hòa bình hôm nay. Nhiều tổ chức đoàn đi thăm các cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ, thăm di tích lịch sử… Còn anh Võ Minh Tim (34 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 1, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) chọn xếp hình lá cờ Tổ quốc từ những giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của mình và đăng lên facebook cá nhân. Anh hiện là thành viên câu lạc bộ hiến tiểu cầu thuộc Trung tâm Huyết học và Truyền máu tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, anh vừa làm việc, vừa sẵn sàng tâm thế “bệnh nhân cần máu là lên đường”.

Anh Nguyễn Minh Tim thể hiện lòng yêu nước với lá cờ Tổ quốc được xếp từ 54 giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện.
Anh Võ Minh Tim thể hiện lòng yêu nước với lá cờ Tổ quốc được xếp từ 54 giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện.

“Lần đầu hiến máu, tôi chỉ nghĩ để lỡ sau này mình cần sẽ được nhận lại máu. Nhưng dần dà, suy nghĩ đó không còn nữa. Khoảng năm 2017-2018, trung tâm gọi cần tiểu cầu gấp. Tới nơi, tôi nhận ra con của bệnh nhân đang cần truyền máu là người cùng xã. Cô gái rụt rè tiến lại, ngại ngùng, lúng túng đưa chiếc phong bì có ý cảm ơn, nhưng sao tôi có thể nhận! Cô rưng rưng cám ơn khi tôi từ chối nhận quà. Điều đó khiến tôi phấn chấn vì cảm nhận được rõ rệt những giọt máu cho đi đang góp phần cứu người. Tôi tự nhủ phải cố gắng hiến nhiều hơn nữa”, anh Tim nói.

Với suy nghĩ đó, anh đã vượt qua cảm giác lo ngại về việc khó đông máu khi lỡ bị thương ngay sau khi hiến tiểu cầu (quá trình lấy tiểu cầu phải dùng thuốc chống đông máu). Và tần suất hiến tiểu cầu của anh cũng dần dày hơn, từ 6 tháng/lần xuống còn 3 tháng, rồi 1 tháng. 14 năm qua, anh Tim đã có 54 giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Anh còn từng chạy xe máy ra tỉnh Quảng Bình tình nguyện hỗ trợ đồng bào bị bão lũ năm 2017; cung cấp những bó rau 0 đồng từ khu vườn 500m2 của gia đình trong đợt dịch Covid-19; thường xuyên tham gia tổ chức đêm hội trung thu cho thiếu nhi…  

Anh Tim tâm sự: "Sau khi xếp giấy chứng nhận hiến máu thành hình lá cờ Tổ quốc và chia sẻ lên mạng, nhiều người đã bình luận bày tỏ xúc động trước hình ảnh lá cờ Tổ quốc đặc biệt này và hỏi tôi về cách tham gia hiến máu tình nguyện. Tôi thấy hạnh phúc khi lan tỏa được tinh thần hiến máu tình nguyện đến với nhiều người”.

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta…”

Tình yêu giữa người với người đến một cách tự nhiên qua cảm nhận của mỗi người. Tình yêu đất nước cũng vậy; đến tự nhiên qua sự bồi đắp giáo dục của cha mẹ, thầy cô, đoàn thể, qua sách báo, âm nhạc, thơ ca… và qua những trải nghiệm, tự nhận thức của mỗi người. Trong quá trình đó, có một vài người trẻ thiếu tỉnh táo lại tiếp thu yếu tố tiêu cực, để đến khi hiểu ra thì đã muộn…

Các đoàn viên, thanh niên tình nguyện tham gia hiến máu nhân đạo.
Các đoàn viên, thanh niên tình nguyện tham gia hiến máu nhân đạo.

Đầu năm 2024, Nguyễn Văn Ướt (sinh năm 1992, trú TP. Nha Trang) bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Trước đó, năm 2021, bị cáo Ngô Thị Hà Phương (sinh năm 1996) và 2 bị cáo cùng trú huyện Cam Lâm là Nguyễn Thị Cẩm Thúy (sinh năm 1976), Lê Viết Hòa (sinh năm 1962) bị xét xử về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trước nữa, năm 2016, 2 anh em họ ở TP. Cam Ranh là Nguyễn Hữu Thiên An (sinh năm 1995) và Nguyễn Hữu Quốc Duy (sinh năm 1985) cũng lãnh án về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Hành vi của các bị cáo khác nhau, nhưng đều chung xuất phát điểm từ quá trình tự nhận thức thiếu tỉnh táo.

Tại tòa, các bị cáo đã lý giải nguyên nhân phạm tội là do lên mạng xem nhiều tin tức thất thiệt, phiến diện về tiểu sử, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Hồ, về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng và kết quả xử lý của cơ quan chức năng…, từ đó nảy sinh chán chường, bất mãn, cho rằng bản thân gặp khó khăn trong công việc, cuộc sống là do lỗi của chính quyền, nên tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và lịch sử dân tộc Việt Nam, bôi nhọ, xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh, ủng hộ các tổ chức phản động… Có bị cáo tuy không xem thông tin xấu, độc, nhưng lại dễ dàng hùa theo, giúp sức cho những hành động tuyên truyền chống Nhà nước của bị cáo khác. Thậm chí, cháu của một bị cáo “vô tư” tải giùm các video mà bị cáo đã livestream chống Nhà nước để cắt ghép, chỉnh sửa và đăng lên Youtube. Có bị cáo lý giải, thực hiện những hành vi đó xuất phát từ bức xúc, mong muốn xã hội tốt đẹp hơn, từ lòng yêu nước… Đáng nói, các bị cáo cũng thừa nhận chưa tham gia cống hiến vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân.

Những sinh viên tình nguyện của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang tham gia xây dựng nông thôn mới tại xã Sơn Tân (huyện Cam Lâm).
Những sinh viên tình nguyện của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang tham gia xây dựng nông thôn mới tại xã Sơn Tân (huyện Cam Lâm).

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, người thanh niên yêu nước là người thanh niên có lý tưởng sống đúng đắn, có ý chí, bản lĩnh vững vàng, có đạo đức trong sáng, biết chiến đấu, cống hiến, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn thử thách để luôn xung phong, gương mẫu trong mọi công việc, mọi nhiệm vụ vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Thay vì đòi hỏi, chất vấn, trước hết bản thân cần nỗ lực học tập và phát triển bản thân, tham gia hoạt động công ích và tình nguyện, sống có tinh thần tập thể và lợi ích chung… “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay!”, như lời bài hát Khát vọng tuổi trẻ của nhạc sĩ Vũ Hoàng, cống hiến mới là nền tảng của đoàn kết và phát triển.

VĨNH THÀNH - NGUYỄN VŨ

Kỳ cuối: Lan tỏa “lửa nhiệt tình”