Huyện Vạn Ninh vừa tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2024. Với sự chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, cuộc diễn tập đã hoàn thành các nội dung, đạt được mục đích, yêu cầu của Ban Chỉ đạo diễn tập phòng thủ của tỉnh đề ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Diễn tập bám sát tình hình địa phương
Cuộc diễn tập được tổ chức tại khu vực cảng cá Vĩnh Yên (thôn Vĩnh Yên, xã Vạn Thạnh) với đề mục “Huyện Vạn Ninh phối hợp với các lực lượng tổ chức PCTT, mưa bão - TKCN trên biển và khu dân cư”. Huyện Vạn Ninh có 10/13 xã, thị trấn ven biển, vùng bãi ngang; toàn huyện có hơn 42.000 lồng nuôi trồng thủy sản và hơn 770 tàu thuyền; địa phương thường xuyên chịu tác động của mưa bão. Vì vậy, nội dung diễn tập lần này đã bám sát theo đúng tình hình thực tế tại địa phương.
Diễn tập nội dung cứu nạn ngư dân trên biển đưa vào bờ. |
Ông Lê Hoàng Vương - Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết: “Địa phương là vùng bãi ngang, ven biển, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các cơn bão, gió lớn, áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của ngư dân. Đặc biệt, sau cơn bão số 12 năm 2017, xã Vạn Thạnh là địa phương chịu thiệt hại nặng nề, nhất là lồng bè nuôi trồng thủy sản. Qua diễn tập, đã giúp cho cán bộ, công chức địa phương có được kiến thức về cách tuyên truyền, vận động, sơ tán nhân dân, huy động tàu thuyền. Thực hiện diễn tập giúp người dân thấy được tầm quan trọng của công tác phòng, chống lụt bão, từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi thực hiện công tác PCTT-TKCN”.
Theo ông Đàm Ngọc Quang - Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Chỉ đạo diễn tập huyện Vạn Ninh, để hoàn thành tốt công tác diễn tập, huyện đã tập trung chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ từ công tác xây dựng hệ thống văn kiện, chuẩn bị địa điểm thực binh đến quán triệt, triển khai nhiệm vụ và tập luyện diễn tập; phối hợp hiệp đồng, huy động nhiều lực lượng như: Hải đoàn Cảnh sát biển 32, các đồn biên phòng, Hải đội Dân quân thường trực, lực lượng kiểm ngư. Trong đợt diễn tập lần này, trên cơ sở định hướng của tỉnh, huyện đã xây dựng ý định diễn tập trên nền tảng thực tế từ cơn bão số 12 năm 2017. Trong đó, quy mô đợt diễn tập có nâng tầm thiệt hại lớn hơn cơn bão số 12 nhằm xây dựng các phương án phòng, chống sát với tình hình thực tế thiên tai, bão lũ tại địa phương.
Phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và hiệu quả
Theo tình huống giả định: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão SenCư kết hợp với những ảnh hưởng cực đoan của bão SongĐa tiếp sau đó, trên địa bàn huyện Vạn Ninh có mưa to đến rất to, gió mạnh, sóng lớn đã gây ra tình trạng ngập lụt cục bộ, làm sập, hư hỏng nặng nhà cửa; đìa nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; có nhiều lồng bè, tàu thuyền bị chìm...; làm 15 người bị thương, trong đó địa bàn trọng điểm tại xã Vạn Thạnh. Từ tình hình trên, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự huyện triển khai công tác di dời, sơ tán phương tiện tàu thuyền, lồng bè, bảo vệ nhân dân vùng ven biển, vùng có nguy cơ lốc xoáy, chủ động phương án ứng phó, TKCN trên biển; tiến hành dự trữ thuốc men, lương thực; nhanh chóng khắc phục hậu quả cơn bão...
Trong nội dung diễn tập vận hành cơ chế, các thành viên khung tập đã thể hiện tốt vai trò điều hành trong các cuộc họp, phân công nhiệm vụ cho các ban, ngành cụ thể, rõ ràng, đầy đủ, có trọng tâm; các báo cáo và đề xuất các chủ trương, giải pháp, sử dụng lực lượng trong các tình huống đầy đủ, hợp lý, sát với tình hình nhiệm vụ và chức năng của từng ngành. Đối với nội dung diễn tập thực binh, các lực lượng tập trung tổ chức tuyên truyền, vận động người dân ở các khu vực lồng bè, khu vực xung yếu, nhà tạm… đến nơi an toàn với nhiều hình thức, như: Thông báo, cảnh báo trên hệ thống truyền thanh; tuyên truyền lưu động; tổ công tác đến từng gia đình, lồng bè…
Ở nội dung tổ chức di dời lồng bè nổi, cơ động sắp xếp tàu thuyền về khu neo đậu, tránh trú, các lực lượng phối hợp đã hỗ trợ người dân di dời các lồng bè vào bờ an toàn, riêng các trường hợp có tâm lý chủ quan, không chấp hành, ban chỉ đạo hiện trường đã chỉ đạo xã Vạn Thạnh quyết liệt thực hiện cưỡng chế sơ tán vào bờ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Đối với thực hiện công tác di dời phương tiện tàu thuyền vào nơi tránh trú, các lực lượng như: Biên phòng, Hải đoàn Cảnh sát biển 32, Hải đội Dân quân thường trực, lực lượng kiểm ngư và lực lượng địa phương hiệp đồng chặt chẽ, nhịp nhàng trong cơ động tàu thuyền về nơi neo đậu, tránh trú. Trong đó, các tàu thuyền được di chuyển theo nhóm 5 chiếc, tàu cách tàu 100m, mỗi nhóm cách nhau từ 250m đến 300m, bố trí tàu dẫn đường vào khu neo đậu, 2 tàu cơ động tuần tra 2 bên đội hình và tàu của Hải đội Dân quân thường trực “khóa đuôi” đội hình nhằm sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống tàu của ngư dân bị nạn. Người dân trên biển, trên bờ sau khi được sơ tán đến nơi an toàn, địa phương đã bố trí nơi ăn, nghỉ chu đáo; cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm; tiến hành chăm sóc y tế cho người có sức khỏe yếu…
Qua cuộc diễn tập đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy điều hành của các cấp ủy, chính quyền và vai trò tham mưu của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của địa phương; nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy hiệp đồng và phối hợp giữa địa phương với các đơn vị trong nhiệm vụ PCTT-TKCN; tuyên truyền cho nhân dân nâng cao ý thức chủ động phòng, tránh và làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Kết thúc diễn tập, ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh biểu dương sự nỗ lực của các cơ quan tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự tỉnh, huyện Vạn Ninh; Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Vạn Ninh và xã Vạn Thạnh đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị và thực hành diễn tập đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Cùng với đó, các tập thể, cá nhân tham gia diễn tập đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào thành công của cuộc diễn tập, bảo đảm an toàn về mọi mặt.
THẾ ANH - THANH HẢI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin