22:18, 14/08/2024

Thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số

HÒA TRANG

Được triển khai từ năm 2022 đến nay, Dự án Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em (Dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân vùng ĐBDTTS và miền núi về bình đẳng giới; phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Đẩy mạnh tuyên truyền

Dự án 8 được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2022, tại 66 thôn của 27 xã vùng ĐBDTTS và miền núi, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại vùng đặc biệt khó khăn. Triển khai dự án, các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào nói chung, phụ nữ nói riêng. Cụ thể, mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Khánh Sơn phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tổ chức hội thi giao lưu sáng kiến truyền thông giữa các mô hình “Địa chỉ an toàn”. Thông qua các hình thức như: Thơ ca, hò, vè, tiểu phẩm, trả lời câu hỏi…, 8 đội tham gia hội thi đã tuyên truyền cho người dân nhiều nội dung liên quan đến việc hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình khi đến tạm lánh tại địa chỉ an toàn; xóa bỏ định kiến giới, các hủ tục lạc hậu; phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn…

Hội thi giao lưu sáng kiến truyền thông giữa các mô hình “Địa chỉ an toàn” tại huyện Khánh Sơn.
Hội thi giao lưu sáng kiến truyền thông giữa các mô hình “Địa chỉ an toàn” tại huyện Khánh Sơn.

Trong khi đó, hàng tháng, Tổ truyền thông cộng đồng thôn Cà Hon (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) đều tổ chức sinh hoạt để tuyên truyền, trang bị kiến thức cho hội viên, phụ nữ. Bà Cao Thị Thắm - Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng thôn Cà Hon cho biết, thôn có 295 hộ với 1.152 nhân khẩu, trong đó 97% là người DTTS. Ban ngày, mọi người đi làm nên các buổi sinh hoạt được tổ chức vào ban đêm và lồng ghép nhiều nội dung. Tại đây, các chị em được tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình; các vấn đề liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, trẻ em bị xâm hại tình dục; thông tin về tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Đồng thời, trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm trong cuộc sống gia đình; nắm bắt tâm tư tình cảm, nguyện vọng để hỗ trợ kịp thời cho chị em.

Kết quả bước đầu

Tính đến tháng 6-2024, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 52 tổ truyền thông cộng đồng, đạt 86,6% chỉ tiêu giai đoạn 1. Các cấp hội đã tổ chức 73 hội nghị tập huấn, 33 buổi truyền thông về xóa bỏ định kiến giới xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em và phòng, chống mua bán người; cung cấp kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, tư vấn pháp luật, kiến thức và kỹ năng về phòng, chống xâm hại tình dục, phòng, chống bạo lực gia đình… cho 6.285 lượt người. Đồng thời, tổ chức 72 hoạt động giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, hội thi, liên hoan, tọa đàm về các nội dung như: Triển khai thành lập tổ truyền thông cộng đồng; mô hình truyền thông sáng tạo, hiệu quả; tìm hiểu kiến thức về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới, sân khấu hóa truyền thông xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới…, thu hút hơn 12.000 người tham gia. Các cấp hội còn xây dựng các chương trình truyền thông về hoạt động Dự án 8; tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những hủ tục và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em qua các trang điện tử của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Zalo, Facebook, fanpage. Đồng thời, tổ chức các hội nghị tập huấn kỹ năng xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế; lớp tập huấn giảng viên nguồn, nâng cao năng lực lồng ghép giới, trang bị kỹ năng về giới. Đến nay, đã thành lập 27 địa chỉ tin cậy cộng đồng; 34 mô hình câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi…

Theo bà Nguyễn Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, thông qua các hoạt động của Dự án 8 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân vùng ĐBDTTS và miền núi về bình đẳng giới, khuôn mẫu giới; phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; các kiến thức về hôn nhân và gia đình. Đội ngũ cán bộ thực hiện đã tiếp cận được những kiến thức, kỹ năng và tự tin, mạnh dạn trong công tác truyền thông. Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội và cán bộ nữ DTTS tại các cấp; nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng thôn, người có uy tín. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động, thúc đẩy các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em trong vùng ĐBDTTS, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, hỗ trợ để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện…

HÒA TRANG