Kỳ 2: Chuyển biến tích cực
Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã tăng cường triển khai các giải pháp thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025 và thu được những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần từng bước xây dựng môi trường xã hội ngày càng trong sạch, lành mạnh.
Chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Để công tác phòng, chống mại dâm được triển khai quyết liệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp cùng vào cuộc. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm được tăng cường bằng nhiều hình thức, với nội dung phong phú để cán bộ, đảng viên, người dân nắm bắt, cùng tham gia đấu tranh phòng, chống mại dâm. Đầu tháng 7-2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị phổ biến, tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm cho hơn 300 người sử dụng lao động, người quản lý và người lao động (là vũ nữ, tiếp viên, nhân viên phục vụ) tại các cơ sở, doanh nghiệp có nguy cơ cao về mại dâm, như: Khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, vũ trường; các cơ sở karaoke, xông hơi, massage... trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 190 đại biểu là người làm công tác quản lý, triển khai chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác quản lý, triển khai chính sách, pháp luật phòng, chống mại dâm. |
Nội dung tuyên truyền tập trung phân tích những tác hại của mại dâm đối với sức khỏe, tinh thần, gia đình của đối tượng bán dâm và tác hại đối với xã hội; làm rõ các hình thức xử lý vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến các hành vi mại dâm. Đồng thời, chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các địa phương, đơn vị; hướng dẫn nhận diện tình hình hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây, những cơ sở và đối tượng có nguy cơ cao về mại dâm; hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra, kỹ năng phát hiện các hành vi vi phạm và biện pháp xử lý khi kiểm tra chuyên ngành về phòng, chống mại dâm.
Bên cạnh đó, các sở, ngành chức năng còn trực tiếp giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật cho người làm công tác phòng, chống mại dâm cấp huyện, cấp xã và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Đại diện Khách sạn Panama Nha Trang chia sẻ: “Qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác phòng, chống mại dâm đã giúp đơn vị cập nhật thêm những quy định của pháp luật, nhận biết được những tác hại của tệ nạn mại dâm. Đồng thời, giúp đơn vị học hỏi được nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả về công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương, đơn vị. Ngoài ra, qua đây, đơn vị kiến nghị, phản ánh về những khó khăn, vướng mắc và được giải đáp rõ, giúp triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm tại doanh nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn”.
Cùng với đó, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, Báo Khánh Hòa xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền chính sách, pháp luật và các hoạt động về phòng, chống mại dâm; 4 câu lạc bộ niềm tin và nhóm đồng đẳng tại các địa phương đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền cho hội viên. Ngoài ra, UBND, công an các địa phương đã chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm tại các hội nghị tập huấn; phát tờ rơi; họp thôn, tổ dân phố; qua hệ thống đài truyền thanh của 136 xã, phường, thị trấn. Công tác thông tin, tuyên truyền còn được các địa phương lồng ghép với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; vận động chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ký cam kết không vi phạm. Các xã, phường, thị trấn đã chú trọng xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn xã hội.
Hiệu quả công tác thanh kiểm tra, can thiệp giảm tác hại
Ông Nguyễn Thành Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, cùng với công tác tuyên truyền, hoạt động kiểm tra của Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh (Đội Kiểm tra liên ngành 178) của tỉnh được tăng cường. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, đội đã triển khai 10 đợt kiểm tra đột xuất tại 22 doanh nghiệp. Qua đó, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở, doanh nghiệp có vi phạm quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, lực lượng công an các cấp chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt xóa các tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm và tội phạm liên quan đến mại dâm. Đồng thời, thường xuyên tiến hành rà soát các địa bàn trọng điểm, nhóm người đang hoạt động mại dâm để có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm liên quan đến mại dâm; tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tiến hành kiểm tra, tuần tra truy quét các đối tượng hoạt động mại dâm, nhất là ở các địa bàn trọng điểm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, khu vực giáp ranh. Từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan điều tra Công an tỉnh đã khởi tố 2 vụ, với 7 bị can về tội chứa mại dâm, mua dâm người dưới 18 tuổi và môi giới mại dâm.
Từ nguồn kinh phí của Trung ương, địa phương, nguồn viện trợ của Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS, các sở, ngành, địa phương đã triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, như: Cung cấp bao cao su và chất bôi trơn miễn phí bao phủ đến hầu hết cơ sở y tế trên địa bàn, kết hợp với các tổ chức, nhóm cộng đồng đưa vật dụng can thiệp giảm tác hại đến đúng đối tượng có nhu cầu. Tại các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm với việc thực hiện chương trình phòng, chống ma túy và chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đem lại hiệu quả tích cực. Trong đó, chương trình cấp phát vật dụng can thiệp giảm tác hại cho đối tượng nguy cơ cao, như: Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), nam nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm (cấp phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su và chất bôi trơn). Đây vẫn được xem là một trong những chương trình can thiệp ưu tiên của tỉnh thông qua mô hình tiếp cận cộng đồng (với sự hỗ trợ của Trung tâm Life TP. Hồ Chí Minh). Hiện nay, mô hình này hoạt động hiệu quả với 25 nhân viên tiếp cận cộng đồng (CBO) được duy trì tại các huyện, thị xã, thành phố; tiếp cận tuyên truyền, cung cấp bơm kim tiêm sạch, bao cao su, chất bôi trơn, nước cất đến đối tượng đích. 100% trung tâm y tế có nhu cầu đều được trang cấp vật dụng can thiệp giảm tác hại miễn phí; 100% cơ sở điều trị, cấp phát thuốc ARV điều trị HIV lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với việc thực hiện công tác chuyên môn...
ĐỨC NHẬT - VĂN GIANG
Kỳ cuối: Tiếp tục đổi mới phương pháp phòng, chống
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin