Thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm nhằm bảo vệ thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, góp phần tăng cường trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân, thúc đẩy tiến bộ xã hội, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các ngành chức năng, đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đạt được những kết quả thiết thực. Tuy nhiên, với những chiêu thức hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp, công tác phòng, chống mại dâm còn gặp không ít khó khăn.
Kỳ 1: Những giải pháp mạnh mẽ
Tệ nạn mại dâm và các tệ nạn xã hội khác ngày càng diễn biến phức tạp bằng nhiều hình thức hoạt động mới, với những thủ đoạn tinh vi. Để phòng, chống tệ nạn này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025, với nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm năm 2024. |
Hoạt động mại dâm ngày càng phức tạp
Theo báo cáo của các ngành chức năng, tình hình mại dâm trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp với nhiều phương thức hoạt động, như: Tại nơi công cộng; trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ; trong các khu biệt thự, nhà ở, căn hộ cao cấp… Đặc biệt, có sự xuất hiện của một số đối tượng là người nước ngoài vào Việt Nam góp vốn thành lập các nhà hàng, khách sạn, cơ sở karaoke, vũ trường… chuyên phục vụ cho người nước ngoài nhưng thực chất là hoạt động mại dâm trá hình. Hoạt động mại dâm với hình thức “sugar baby - sugar daddy” cũng đã xuất hiện trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, các đối tượng đã lợi dụng Internet, mạng xã hội để đăng hình ảnh tiếp thị, thỏa thuận đến địa điểm như: Biệt thự, căn hộ chung cư, trên tàu biển, tàu du lịch; theo các hoạt động, tour du lịch..., thậm chí ra nước ngoài để hoạt động. Các đối tượng còn sử dụng nhóm kín, diễn đàn kín để hoạt động. Quản trị viên là những đối tượng môi giới chuyên nghiệp hoặc vừa làm môi giới, vừa bán dâm; một quản trị viên có thể lập và điều hành nhiều nhóm kín khác nhau để móc nối, trao đổi, đăng hình tiếp thị, thỏa thuận đến các địa điểm thực hiện các hành vi mua bán dâm…
Nỗ lực đẩy lùi mại dâm
Ông Nguyễn Thành Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ tình hình đó, để phòng, chống tệ nạn này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mại dâm; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng trong phòng, chống mại dâm. Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội để hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm. Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, có ít nhất 70% xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất 1 hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên; ít nhất 70% người lao động tại các cơ sở dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và 60% lao động trong các khu công nghiệp, 70% học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, kiến thức phòng, chống mại dâm.
Lực lượng cơ sở tiếp cận khảo sát, tuyên truyền phòng, chống mại dâm cho đối tượng có nguy cơ cao. |
Bên cạnh đó, ít nhất 50% cấp huyện lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình an sinh, trợ giúp xã hội, phòng, chống ma túy, HIV/AIDS. 100% đơn tố giác, tin báo, khiếu nại về phòng, chống mại dâm được xác minh, xử lý kịp thời. Đến năm 2025, 100% các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh mại dâm được kiểm tra ít nhất 1 lần. Ngoài ra, triển khai xây dựng các mô hình điểm về phòng ngừa mại dâm, hỗ trợ can thiệp giảm hại, phòng chống bạo lực, đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, cung cấp dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm; 60% người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng…
Để đạt được những mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tập trung triển khai tốt các giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; điều tra, truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm. Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS; phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm; tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác phòng, chống mại dâm…
Thực hiện chương trình, những năm qua, các sở, ban, ngành, địa phương đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp và gặt hái được những kết quả tích cực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh.
ĐỨC NHẬT - VĂN GIANG
Kỳ 2: Chuyển biến tích cực
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin