21:35, 04/08/2024

Khánh Vĩnh: Phát huy vai trò của doanh nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

CHÍ TRUNG

Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp (DN), tổ chức kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trong sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh đã khuyến khích, đồng hành, tạo các điều kiện thuận lợi nhất để các DN, hợp tác xã phát triển.

Nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp

Ở huyện Khánh Vĩnh, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn (thị trấn Khánh Vĩnh) và Hợp tác xã (HTX) sản xuất thu mua nông sản Hiệu Linh (thôn Tà Mơ, xã Khánh Thành) là một trong những DN và tổ chức kinh tế tiêu biểu trong đầu tư sản xuất, thu mua, chế biến nông sản cho vùng ĐBDTTS và miền núi. Ông Đoàn Văn Hưởng - Giám đốc HTX sản xuất thu mua nông sản Hiệu Linh cho biết, với sự hỗ trợ, đồng hành của huyện Khánh Vĩnh, hiện nay, HTX đã mở rộng được quy mô diện tích 36ha trên địa bàn 3 thôn của xã Khánh Thành. HTX có 12 thành viên và liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản cho 13 hộ dân với hơn 90% là ĐBDTTS. Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngân - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn chia sẻ, với việc UBND huyện Khánh Vĩnh triển khai thực hiện các nội dung thuộc Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng ĐBDTTS và miền núi (thuộc Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi huyện Khánh Vĩnh năm 2024), công ty đủ tiêu chuẩn để tham gia liên kết chuỗi giá trị. Thông qua dự án này, thời gian tới, công ty rất mong chờ sự hỗ trợ về máy móc, vật tư nhà xưởng… để nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm và thực hiện cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm cho các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất. Hiện nay, trong 14 lao động được công ty ký hợp đồng chính thức có 10 lao động là ĐBDTTS ở Khánh Vĩnh.

Bưởi da xanh tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn.
Bưởi da xanh tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn.

Theo báo cáo của UBND huyện Khánh Vĩnh, trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, để phát huy vai trò của DN ở vùng ĐBDTTS, UBND huyện triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), kết quả đến nay đã có 6 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, bao gồm: Bưởi da xanh Thái Tường, bưởi da xanh Sơn Nguyên, bưởi da xanh Hiệu Linh, bưởi da xanh Việt Tấn, bưởi da xanh Minh Kiên, bưởi da xanh Ngân Nguyễn. Đồng thời, huyện đang triển khai dự án liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất cây bưởi da xanh gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn các xã: Khánh Thành, Khánh Nam, Khánh Trung, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn đề xuất với quy mô liên kết gồm 26 hộ/34,85ha. Trong đó, hộ nghèo và cận nghèo có 18 hộ/11,4ha; hộ bình thường và hộ ĐBDTTS có 8 hộ/23,45ha.

Ngoài ra, huyện cũng tăng cường công tác vận động và hỗ trợ thành lập HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện có 13 HTX, tăng 10 HTX so với giai đoạn 2015 - 2020. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có 23 tổ hợp tác đang hoạt động với 246 thành viên. Thời gian qua, huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh triển khai hỗ trợ máy móc, thiết bị cho 1 HTX với số tiền 150 triệu đồng; hỗ trợ các HTX tham gia các hội chợ, phiên chợ, hội thảo xúc tiến đầu tư nông nghiệp do cơ quan cấp tỉnh triển khai...

Tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có tổng số 97 DN hoạt động, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, thương mại, công nghiệp, vận tải kho bãi... Khánh Vĩnh thuộc huyện nghèo của tỉnh, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách hàng năm còn thấp so với các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Do đó, các DN hoạt động trên địa bàn huyện có vai trò rất lớn trong việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân để từng bước vươn lên thoát nghèo và đóng góp ngân sách cho huyện hàng năm.

Nhận thức được điều đó, những năm qua, huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh tổ chức phiên chợ hàng Việt về miền núi. Hàng năm, Chi cục Thuế khu vực Tây Khánh Hòa tổ chức hướng dẫn chính sách thuế cho DN, nhất là DN mới thành lập trên địa bàn huyện; cập nhật các thông tư, nghị định, văn bản, chính sách mới về thuế cho các DN tiện theo dõi bằng việc gửi mail, gọi điện thoại; UBND huyện tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với các DN, nhà đầu tư và hộ kinh doanh nhằm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN... Tại hội nghị đối thoại với DN năm 2023, để tôn vinh, động viên và ghi nhận những đóng góp của cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân, huyện còn khen thưởng cho các DN tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đồng hành với cộng đồng DN; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN hoạt động, sản xuất, kinh doanh, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế chung của toàn huyện.

Những năm qua, các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện tăng trưởng mạnh. Năm 2023, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ hoạt động ổn định và tăng trưởng mạnh so với năm 2022, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ ăn uống, du lịch... Khách du lịch tăng mạnh tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Tổng số cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện là 1.335 cơ sở, tăng 98 cơ sở so với năm 2022, số lao động là 2.067 người, tăng 129 người. Các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động ổn định và tăng trưởng hơn so với năm trước góp phần tăng nguồn thu ngân sách ngoài quốc doanh trên địa bàn huyện. Năm 2023, thu ngân sách ngoài quốc doanh đạt hơn 67,5 tỷ đồng, tăng 36,5% so với năm 2022.

CHÍ TRUNG