Bên cạnh các chính sách, cơ chế hỗ trợ chung của Trung ương, tỉnh Khánh Hòa có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT) cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Phóng viên Báo Khánh Hòa đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Xuân Hải - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh về hiệu quả của chính sách hỗ trợ này đối với việc bao phủ BHYT toàn dân, đặc biệt là chăm lo an sinh xã hội cho người yếu thế.
ông Phạm Xuân Hải - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh |
- BHYT đã thể hiện vai trò điểm tựa cho người nghèo, cận nghèo, ĐBDTTS khi không may bị bệnh, đặc biệt là những căn bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày. Xin ông cho biết, thời gian qua, tỉnh đã có chính sách, cơ chế đặc thù hỗ trợ BHYT cho hộ nghèo, cận nghèo, ĐBDTTS như thế nào?
- Trước đây, bên cạnh các đối tượng hộ nghèo, ĐBDTTS, người dân thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn cũng được hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT theo Nghị quyết số 30 ngày 13-12-2016 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí mua BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017 - 2020. Qua đó, giúp hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên, ngày 27-2-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 07 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 nên Nghị quyết số 30/2016 của HĐND tỉnh hết hiệu lực. Sau đại dịch Covid-19, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập bị ảnh hưởng nên việc hộ cận nghèo tự đóng 30% để mua BHYT khó thực hiện được.
Từ thực tế đó, ngày 19-7-2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07 về quy định mức hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2022 - 2025. Đây là chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa quan trọng của tỉnh dành cho các hộ cận nghèo. Theo đó, người dân thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 35%, ngân sách tỉnh hỗ trợ 65%. Dự kiến, tổng kinh phí mua BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo hơn 81 tỷ đồng, với 100.753 thẻ BHYT được hỗ trợ cho người dân. Trong đó, năm 2022 có 29.747 thẻ; năm 2023 có 26.474 thẻ; năm 2024 có 23.562 thẻ; năm 2025 có 20.970 thẻ được cấp. Nhờ vậy, giúp hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 9-7-2014 của HĐND tỉnh về chế độ hỗ trợ mua BHYT cho ĐBDTTS không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trên địa bàn tỉnh, hơn 10 năm qua, ĐBDTTS có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh thuộc các xã khu vực I được hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT.
Chính sách BHYT ngày càng khẳng định vai trò quan trọng cũng như tính nhân văn trong đời sống. Đặc biệt, đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và ĐBDTTS, tấm thẻ BHYT có ý nghĩa to lớn trong việc chia sẻ gánh nặng tài chính khi gia đình chẳng may có người thân bị ốm đau, bệnh tật. Nhờ những chính sách đặc thù của tỉnh, các đối tượng nêu trên ngày càng được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Tính đến ngày 31-7, toàn tỉnh có 12.169 người thuộc hộ nghèo, 27.223 người thuộc hộ cận nghèo và 41.446 người ĐBDTTS tham gia BHYT; tỷ lệ BHYT toàn dân đạt gần 95%.
- Hiện nay, chính sách, cơ chế hỗ trợ BHYT cho hộ nghèo, cận nghèo, ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh gặp những khó khăn, vướng mắc gì thưa ông?
- Sau hơn 10 năm thực hiện, Nghị quyết số 06 đến nay vẫn còn hiệu lực, nhưng tất cả các văn bản pháp luật dùng làm căn cứ ban hành nghị quyết đều đã hết hiệu lực. Do đó, việc xây dựng lại nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ mua BHYT cho ĐBDTTS tại các xã không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh để thay thế Nghị quyết số 06 là cần thiết, nhằm đảm bảo việc triển khai phù hợp với Luật BHYT và các nghị định, nghị quyết, quyết định của Trung ương, của tỉnh Khánh Hòa ban hành trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 861/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, từ tháng 1-2022, Khánh Hòa có một số xã không còn nằm trong khu vực I. Vì vậy, người dân ở các xã này không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT. Theo đó, toàn tỉnh có hơn 500 người ĐBDTTS không còn được Nhà nước hỗ trợ về BHYT. Tuy nhiên, trong số này có nhiều trường hợp có hoàn cảnh rất khó khăn, không có khả năng tự mua BHYT cho cá nhân và hộ gia đình.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT tại một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, thực hiện chưa thường xuyên, liên tục; nhất là việc tuyên truyền tại vùng ĐBDTTS và miền núi. Một bộ phận người dân trông chờ sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; nhận thức quyền lợi, trách nhiệm và tầm quan trọng của BHYT còn hạn chế.
Tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế cho người dân TP. Nha Trang. |
- Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHXH tỉnh có những giải pháp gì để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên?
- Với mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân và không để ai bị bỏ lại phía sau, BHXH tỉnh đã kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tỉnh về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHYT cho hộ nghèo, cận nghèo, ĐBDTTS. Theo đó, BHXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu đề xuất xây dựng nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ mua BHYT cho ĐBDTTS tại các xã không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh thay thế Nghị quyết số 06. Đồng thời, BHXH tỉnh đã có văn bản kiến nghị HĐND tỉnh sớm xem xét có chính sách hỗ trợ đóng BHYT cho những người DTTS không nằm trong danh sách được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo Quyết định số 861 nhằm giúp người dân được khám, chữa bệnh và giảm bớt khó khăn về tài chính.
BHXH tỉnh cũng chủ động đảm bảo nguồn tài chính hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo, ĐBDTTS, học sinh, sinh viên và các đối tượng yếu thế khác; kêu gọi các tổ chức, đơn vị, cá nhân tích cực tham gia chương trình tặng thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2023, từ nguồn lực của BHXH Việt Nam và kêu gọi đóng góp của các đơn vị, BHXH tỉnh đã trao hơn 400 thẻ BHYT, với tổng trị giá hơn 202 triệu đồng cho người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hoạt động thiết thực nhằm tăng nhanh số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh.
Công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền tính nhân văn của chính sách BHYT, nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi, trách nhiệm và tầm quan trọng của BHYT. Do đó, BHXH tỉnh đã, đang và sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện các chương trình, phóng sự về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh nói chung và chính sách BHYT cho người nghèo, cận nghèo, ĐBDTTS nói riêng. Cùng với đó, cơ quan BHXH cũng đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách BHYT trên hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn; trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin điện tử của các ban, sở, ngành, hội, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở.
- Xin cảm ơn ông!
LY VÂN DUNG (Thực hiện)
Kỳ 1: "Phao cứu sinh" của bệnh nhân nghèo
Kỳ 2: Trao niềm tin, tặng hy vọng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin