Trong những ngày tháng Bảy tri ân, thân nhân gia đình 11 liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đều có chung cảm xúc bùi ngùi khi tiếp nhận các di vật, kỷ vật của liệt sĩ do Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam bàn giao. Đời sống sinh hoạt, học tập, rèn luyện, công tác và chiến đấu của các anh trong cuộc kháng chiến chống Pháp cam go 70 năm về trước như được tái hiện sinh động qua những lá thư, sổ tay, giấy khen, Bằng huân chương chiến sĩ và những tấm ảnh… các anh để lại trước lúc hy sinh.
Đoàn công tác bàn giao di vật, kỷ vật của các liệt sĩ cho thân nhân gia đình. |
Lá thư viết cho mẹ chưa kịp gửi…
Trước khi buổi lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ chính thức bắt đầu, đoàn công tác Cục Chính sách tổ chức gặp mặt các thân nhân gia đình liệt sĩ. Nhận cuốn tập chứa đựng các di vật, kỷ vật của bác Hai (liệt sĩ Trần Xuân Tư) từ tay Đại tá Dương Văn Bảo - Phó Trưởng phòng Thương binh liệt sĩ - Người có công, Cục Chính sách, vừa lật giở đến trang thứ hai, ông Trần Đức Lộc (là cháu gọi liệt sĩ Trần Xuân Tư bằng bác ruột, trú phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) đã rơm rớm nước mắt khi bắt gặp nét chữ trong lá thư bác Hai viết cho mẹ giống y hệt nét chữ của bố ông. Ông Lộc trầm ngâm đọc tiếp lá thư, những giọt nước mắt cứ tuôn rơi...
Ông Lê Văn Khôi bùi ngùi khi xem các di vật, kỷ vật của anh trai để lại trước lúc hy sinh. |
Lá thư liệt sĩ Trần Xuân Tư viết cho mẹ chỉ vỏn vẹn trong một trang giấy nhỏ, trải qua hơn 70 năm, trang giấy đã ngả màu, nhưng những dòng chữ vẫn còn sắc nét rõ ràng. Dù chỉ rất ngắn gọn song lá thư đã thể hiện sâu sắc lòng hiếu thảo với mẹ và tình thương, sự quan tâm đối với các em: “Hôm nay con có ít lời kính hầu thăm mẹ được mạnh khỏe và mấy em được bình an! Sau đây con hỏi thăm gia đình có bề gì không? Từ ngày con ra đi chiến đấu đến nay, tụi Pháp có đốt phá gì đến gia đình không? Mẹ viết thư gửi lại cho con. Lúc con đi, trong đồn lính của tụi nó có nói gì đến gia đình, chúng nó có đi tìm con, có tra tấn mấy đứa em của con không, thì mẹ viết thư gửi lại cho con biết. Con kính thưa mẹ! Mấy em của con, mẹ đừng cho nó đi lính Pháp làm gì… Đang lúc này, con đã chiến đấu giành hạnh phúc cho nhân loại, em của con mà đi lính cho nó là một tay sai của chúng để đánh lại dân tộc, cũng như em đánh lại anh. Nếu em của con có lầm đường thì mẹ bảo nó phải về gấp làm ăn… Còn phần của con cũng vẫn được mạnh khỏe luôn, không có gì. Con tin cho mẹ và mấy em mừng cho con. Con viết thư này là thư thứ hai, mẹ có bắt được thì tin cho con…”, trích đoạn lá thư liệt sĩ Trần Xuân Tư viết cho mẹ, chưa kịp gửi thì anh đã hy sinh.
Những kỷ vật còn lại
Trong các di vật, kỷ vật của các liệt sĩ được trao lại cho thân nhân gia đình lần này bao gồm: Giấy báo tử, thư tay, sổ ghi chép, giấy khen, Bằng huân chương chiến sĩ và những tấm ảnh chụp các anh lúc sinh thời. Được tiếp cận các di vật, kỷ vật thiêng liêng của các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi cảm nhận được đời sống sinh hoạt, học tập, rèn luyện, công tác và chiến đấu, đặc biệt là tinh thần chiến đấu bất khuất của các anh trong cuộc kháng chiến chống Pháp cam go 70 năm về trước để giành lại độc lập tự do cho dân tộc, cuộc sống ấm no cho nhân dân. Tiêu biểu như cuốn sổ ghi chép của liệt sĩ Phạm Ngọc Cảnh. Cuốn sổ chỉ nhỏ bằng bàn tay, nhưng toàn bộ 36 trang giấy được anh ghi chép các bài học chính trị; xác định tư tưởng về cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, cam go; đánh giá tình hình địch, ta; thể hiện quyết tâm vượt mọi khó khăn, kháng chiến đến cùng cho đến ngày hoàn toàn thắng lợi.
Cuốn sổ ghi chép của liệt sĩ Phạm Ngọc Cảnh có đoạn viết: “Về phía ta: Ta vừa phải đánh thực dân Pháp và bọn Việt gian bán nước vừa phải đương đầu can thiệp Mỹ. Ta tuy lớn mạnh nhưng còn gặp nhiều khó khăn, hiện thời sức ta chưa hơn sức địch… Nhưng tinh thần ta đang lên, tinh thần địch đang xuống… Cuộc kháng chiến sẽ trường kỳ. Trường kỳ sẽ gặp nhiều thử thách, khó khăn, nhưng sẽ có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Nhiều khó khăn, thử thách thì ta phải dựa vào tự lực cánh sinh là chính. Kháng chiến nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn…”. Chị Phạm Thị Ngọc Mai (phường Vạn Thạnh, Nha Trang) là cháu gọi liệt sĩ Phạm Ngọc Cảnh bằng chú ruột, chia sẻ: “Chú tôi để lại 1 sổ tay, 1 bằng khen và 1 ảnh. Sau khi nhận được các di vật, kỷ vật của chú, gia đình tôi cảm thấy đây là nguồn động viên tinh thần lớn lao. Dù từ lúc sinh ra, chúng tôi đã không được nhìn thấy chú song qua những gì chú để lại, nhất là cuốn sổ tay, chúng tôi thấu hiểu thêm tinh thần chiến đấu, sự hy sinh cao cả của chú cho độc lập dân tộc!”.
Như các anh còn sống mãi…
Cả 11 liệt sĩ có di vật, kỷ vật để lại, được trao cho thân nhân gia đình lần này đều là những chiến sĩ cộng sản kiên trung, anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Phần lớn các anh tham gia kháng chiến khi tuổi đôi mươi, lúc hy sinh chưa có vợ con. Đến nay, hài cốt các anh vẫn còn nằm lại đâu đó trong lòng đất mẹ. Suốt 70 năm qua, thân nhân gia đình tưởng nhớ, thờ cúng anh linh các anh, nhưng không có một tấm ảnh hay di vật, kỷ vật gì. Thậm chí có gia đình nhận được giấy báo tử trong thời gian cuộc kháng chiến chống Pháp chưa kết thúc, song vì sợ lính Pháp vào làng lùng sục nên gia đình chưa kịp đọc đã phải đốt hủy. Ông Trần Đức Lộc kể lại: “Tôi nghe bố tôi lúc còn sống kể rằng, vào buổi trưa mùng 5 tháng 5 âm lịch (nhưng không nhớ năm nào), bà nội tôi đang nấu chè để cúng thì có một cán bộ đến đưa giấy báo tử của bác Hai tôi, rồi vội đi ngay. Bà nội tôi không biết chữ nên để tờ giấy lên bàn thờ. Sau đó ông nội tôi về, lúc thắp hương lên bàn thờ, cầm lên đọc thì hay tin đứa con trai đầu đã hy sinh tại mặt trận Ba Tơ - Quảng Ngãi. Bất giác sợ lính Pháp vào lùng sục biết được, ông nội tôi liền đốt hủy giấy báo tử mà chưa kịp ghi nhớ ngày con mình hy sinh. Vì thế, suốt mấy chục năm qua, gia đình tôi đành lấy ngày nhận giấy báo tử làm ngày cúng giỗ bác Hai. Nay được nhận di vật, kỷ vật của bác Hai, trong đó có giấy báo tử bác Hai tôi hy sinh ngày 28-4-1954. Gia đình tôi tra lịch vạn niên nhằm ngày 26 tháng 3 năm Giáp Ngọ 1954, vì thế từ nay, gia đình tôi sẽ cúng giỗ bác Hai vào ngày này để cho đúng ngày bác hy sinh”.
Ông Trần Đức Lộc đọc lá thư của bác Hai cho vợ và em gái nghe. |
Ông Lê Văn Khôi (thôn 4, xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa) là em ruột của liệt sĩ Lê Văn Nhạc xúc động nói: “Di vật, kỷ vật của anh tôi gồm giấy báo tử và 5 tấm ảnh, trong đó có 1 tấm ảnh chân dung. Từ nay anh tôi đã có tấm ảnh thờ rồi. Những kỷ vật của anh, gia đình tôi sẽ lưu giữ cẩn thận, xem như anh vẫn còn sống bên cạnh chúng tôi và lấy đó để giáo dục truyền thống cách mạng cho các con cháu sống, học tập và lao động sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông để đổi lấy hòa bình, hạnh phúc hôm nay!”.
Những di vật, kỷ vật của các liệt sĩ được bàn giao cho thân nhân gia đình có giá trị tinh thần rất to lớn. Đó là những di vật, kỷ vật gắn liền với hoạt động học tập, rèn luyện, công tác, chiến đấu và hy sinh của các liệt sĩ. Do vậy, các di vật, hiện vật của các anh để lại sẽ phần nào xoa dịu nỗi đau của thân nhân các gia đình, nhất là với gia đình các liệt sĩ chưa có thông tin về phần mộ!
THẾ ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin